4 năm sau khi bị Thanh tra Chính phủ điểm tên vì biến điểm du lịch thành dự án thương mại phân lô bán nền tại Điểm dịch vụ sinh thái Song Phương, Công ty Phương Viên chính thức bị thu hồi đất dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên.
Phối cảnh dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên.
Bị điểm tên trong danh sách dự án bỏ hoang
Ngày 28/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa công khai bốn dự án có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên, xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh, xã Văn Khê, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên (Công ty Phương Viên) làm chủ sử dụng đất nằm trong danh sách này.
Trước đó, giữa tháng 9 năm nay, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định chấm dứt, dừng thực hiện 6 dự án nhà ở, khu đô thị tại quận Nam Từ Liêm và huyện Mê Linh, huyện Thường Tín do chậm triển khai. Dự án Phương Viên cũng có tên trong danh sách đen trên.
Khu đô thị nhà ở cao cấp Phương Viên được quy hoạch trên quỹ đất rộng 31ha tại xã Văn Khê, xã Thạch Đà, xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Dự án được giao đất trong năm 2008. Như vậy, đã 14 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.
Đây không phải dự án đầu tiên của Công ty Phương Viên bị cơ quan chức năng điểm tên. Trước đó, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra toàn diện dự án này và phát hiện hàng loạt vi phạm, bất cập trong việc phê duyệt, điều chỉnh dự án cũng như thu hồi đất để triển khai dự án này.
Thanh tra Chính phủ kết luận, dự án rơi vào tình trạng chậm tiến độ nhiều năm, chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế khoảng 152 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo phê duyệt ban đầu, Dự án du lịch sinh thái Song Phương để phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Thế nhưng, chủ đầu tư đã xây dựng khu nhà ở thương mại để bán trên quỹ đất này.
Doanh thu trồi sụt, thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất
Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên thành lập ngày 7/4/2003. Ông Chu Văn Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Cơ cấu cổ đông công ty không được tiết lộ, chỉ biết đến ngày 14/12/2016, cổ đông sáng lập thoái vốn gần hết, chỉ còn Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Việt Đức với tỷ lệ sở hữu 15%, tương đương 6 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ của Phương Viên tại thời điểm đó là 40 tỷ đồng.
Dù có nhiều hoạt động nhưng Phương Viên lại không ổn định khi doanh thu trồi sụt liên tục. Năm 2017, công ty không kiếm nổi 1 đồng nhưng tới năm 2018, doanh thu vọt lên 193 tỷ đồng, rồi giảm xuống 71,3 tỷ đồng (năm 2019). Tới năm 2020, chỉ tiêu này lại tăng lên 137 tỷ đồng nhưng rồi xuống “đáy” 4 năm 48,3 tỷ đồng trong 2021.
Trong giai đoạn 5 năm gần đây (2017-2021), Phương Viên có lãi trong năm 2019 và 2020 với 21 tỷ đồng và 3,8 tỷ đồng. Các năm còn lại, công ty lỗ 162 triệu đồng (năm 2017), 12,2 tỷ đồng (năm 2018) và 673 triệu đồng (năm 2021). Đáng chú ý, dù quy mô vốn tương đối nhỏ nhưng Phương Viên vẫn được giao hàng chục ha để làm hai dự án Song Phương và Phương Viên.
Tại ngày 31/12/2017, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ đạt 71,9 tỷ đồng trong khi nợ phải trả lên đến 303 tỷ đồng. Nghĩa là nợ phải trả cao gấp 4,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 80,8% tổng nguồn vốn.
Nợ tại Phương Viên có xu hướng giảm trong 5 năm gần đây. Tại ngày 31/12/2021, chỉ tiêu này chỉ còn là 140 tỷ đồng, giảm 163 tỷ đồng, tương đương 53,8% so với năm 2017. Thế nhưng, cùng với nợ, vốn chủ sở hữu của công ty cũng giảm sâu do thua lỗ. Cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu tại Phương Viên chỉ còn 26,3 tỷ đồng, giảm 45,6 tỷ đồng, tương đương 63,4%. Tại ngày 31/12/2021, nợ tại Phương Viên cao gấp 5,3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 84,2% tổng nguồn vốn công ty.