Với giá trị kinh tế cao, tổ yến (yến sào) được ví như là "vàng trắng". Việt Nam được đánh giá có điều kiện thời tiết, khí hậu thích hợp phát triển nghề nuôi chim yến lấy tổ, trong đó các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiềm năng lớn nhưng khai thác nhỏ.
Thị trường 5 tỷ USD
Theo ông Đỗ Hữu Phương, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn/NN&PTNT) với điều kiện khí hậu, thời tiết thích hợp, nghề nuôi chim yến lấy tổ đã và đang phát triển mạnh. Cả nước có 42/63 tỉnh, thành phát triển nghề nuôi chim yến với gần 24.000 nhà nuôi yến, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cách nay 5 năm. Trong đó, các tỉnh phía Bắc nuôi ít (chỉ chiếm 0,85%) do khí hậu lạnh về mùa Đông không phù hợp nuôi chim yến. Nghề nuôi chim yến chủ yếu phát triển mạnh tại vùng ĐBSCL.
Cũng theo ông Phương, nếu không tính tiêu dùng nội địa, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 100 tấn yến sào, thu về khoản ngoại tệ từ 200 - 300 triệu USD/năm, đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi. Hiện một số địa phương đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến. Cùng với đó, một số công ty đã xây dựng phần mềm để quản lý chủ nhà yến, liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu tổ yến, sản phẩm từ yến đi Trung Quốc.
"Trước đây, sản phẩm yến sào Việt Nam chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch nên giá trị kinh tế chưa cao. Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định; việc đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị thấp", ông Phương đánh giá.
Ông Vũ Cường, Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, thị trường yến sào thế giới ước khoảng 5 tỷ USD với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu yến sào lớn nhất thế giới khi chiếm trên 80% thị phần.
Hàng năm Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu trên 2.000 tấn yến sào, tuy nhiên mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu yến sào vào thị trường này trên 100 tấn, (chiếm 5% thị phần), đứng cuối trong số 4 nước về sản lượng xuất khẩu chính ngạch yến sào vào Trung Quốc. Trong khi đó, Indonesia xuất khẩu khoảng 1.600 tấn, Malaysia xuất khẩu 590 tấn, và Thái Lan xuất khẩu 390 tấn yến sào vào Trung Quốc mỗi năm.
"Năng lực sản xuất yến sào của Việt Nam không thua các quốc gia trong khu vực, yến sào Việt Nam được đánh giá cao tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do nghề nuôi, chế biến yến sào tại Việt Nam chưa được tổ chức sản xuất theo chuỗi, sản phẩm còn đơn điệu chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến, chưa có thương hiệu nên giá trị rất thấp", ông Cường cho hay.
Phát triển tự phát, nhỏ lẻ
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, với số lượng gần 3.000 nhà nuôi chim yến, Kiên Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về nghề này. Năm 2022, sản lượng yến sào của Kiên Giang đạt gần 18 tấn, doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2023 sản lượng yến sào của Kiên Giang đạt hơn 7 tấn.
Theo ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, với giá bán tổ yến thô từ 16 - 17 triệu đồng/kg, tổ yến sơ chế từ 24 - 25 triệu đồng/kg, tổ yến cao cấp từ 30 - 35 triệu đồng/kg, bình quân mỗi nhà yến cho thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá cao ở khu vực nông thôn.
"Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến thời gian qua chủ yếu là tự phát. Việc nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ yến chưa hình thành chuỗi giá trị để nâng cao giá trị. Nhiều cơ sở nuôi chưa thực hiện đăng ký để được cấp mã số, không đảm bảo yêu cầu truy suất nguồn gốc; việc phát triển nhà nuôi yến ồ ạt cũng làm mất cân đối so với tổng đàn, dẫn đến nhiều nhà yến có số lượng yến về làm tổ giảm, kém hiệu quả", ông Xuyên cho hay.
Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, với hơn 1.000 nhà nuôi chim yến hiện có, sản lượng yến sào hàng năm của địa phương hơn 10 tấn, doanh thu khoảng 180 tỷ đồng/năm. An Giang tuy không có biển nhưng có nhiều ngọn núi, cánh rừng, thuận lợi về mặt khí hậu nên đã thu hút yến đến làm tổ, nhờ vậy An Giang là địa phương có sản lượng yến sào lớn thứ hai tại khu vực ĐBSCL.
"Theo nhận định của ngành nông nghiệp, nghề nuôi chim yến còn nhiều dư địa phát triển. Để ngành này phát triển bền vững, tỉnh An Giang đã ban hành quyết định về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn. Trên cơ sở quy hoạch vùng nuôi, địa phương sẽ xúc tiến mời gọi nhà đầu tư có năng lực xây dựng cơ sở chế biến, tổ chức thu mua và đẩy mạnh xuất khẩu yến sào trong thời gian tới", ông Thọ cho biết.
Theo ông Hồng Đình Khoa, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến, hiện nay Việt Nam đã ký Nghị định thư với Trung Quốc về việc xuất khẩu tổ yến chính ngạch, đã mở ra thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới.
"Để tận dụng cơ hội này, Công ty chúng tôi mong muốn được hợp tác cùng địa phương, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu. Trước mắt, Công ty đang thực hiện các thủ tục xin phép đầu tưnhà máy đầu tiên trên địa bàn tỉnh An Giang", ông Khoa tiết lộ.
Do chưa được quy hoạch, nhiều nhà yến được xây dựng trong khu dân cư, không đảm bảo các quy định về an toàn vùng nuôi và tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân lân cận. Ảnh NK
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Tiền Ngọc Tiên, Chi Cục trường Chi Cục Thú y vùng VII, cho biết: Vùng ĐBSCL có lợi thế về thỗ nhưỡng, thời tiết ấm áp quanh năm, ít mưa bão nên rất thích hợp để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nghề nuôi chim yến. Qua theo dõi dịch tể vật nuôi này trong nhiều năm nay không phát hiện bất thường; các chủ cơ sở nuôi cũng tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, khử trùng định kỳ. Đây là một nghề không phải đầu tư mua con giống, không tốn thức ăn hằng ngày… nhưng lợi nhuận lại khá cao cần được khuyến khích phát triển.
Để phát triển nghề nuôi yến bền vững, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, có 3 điều kiện cần, đó là: Tổ chức sản xuất và quản lý yến theo chuỗi giá trị; phải gắn mã định danh và thực hiện truy xuất nguồn gốc và phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi yến, sản phẩm tổ yến.
"Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị yến sào, cần thiết phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm tổ yến; cam kết về đảm bảo chất lượng của người nuôi và doanh nghiệp chế biến. Song song đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần triển khai các biện pháp hỗ trợ phát triển vùng nuôi, hướng dẫn người nuôi và doanh nghiệp các quy định để xuất khẩu chính ngạch, cùng với đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa", ông Thắng đề xuất.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, nếu như năm 2017, cả nước chỉ có hơn 8.300 nhà yến, thì đến hết năm 2022, có đến 23.665 nhà yến.
Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng.
ĐBSCL là vùng có nhiều nhà nuôi yến nhất với 10.572 nhà yến, chiếm 44,67%; tiếp đến là Nam Trung Bộ với 5.965 nhà yến, chiếm 25,21%.
Vùng Đông Nam Bộ có 4.958 nhà yến, chiếm 20,95%. Vùng Tây Nguyên có 1.969 nhà yến, chiếm 8,32%. Các tỉnh phía bắc với 201 nhà yến, chỉ chiếm 0,85%.