Tiếp chuỗi 15 tháng liên tiếp không có lãi, lỗ lũy kế của Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc chạm mốc 371 tỷ đồng, gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc (UPCoM: HKB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với những chỉ số thể hiện sự trượt dài trong tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Đây cũng là quý lỗ thứ 15 liên tiếp của công ty này.
Dư nợ tính đến cuối tháng 9/2023 của công ty ghi nhận đạt 171 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu kỳ. Đáng chú ý, nợ dài hạn của Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc tăng đột biến từ 1 tỷ đồng tại đầu kỳ lên 15 tỷ đồng tại cuối kỳ, tất cả đều là vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về khoản vay này không được Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc nêu cụ thể tại phần thuyết minh.
Về tình hình kinh doanh của công ty, quý III/2023, doanh thu thuần của Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc đạt 1,7 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp của Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc ghi nhận đạt 13,2 tỷ đồng, gấp 8 lần doanh thu dẫn đến sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp báo lỗ 15 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 15 liên tiếp của công ty này.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc đạt 4,6 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Sau thuế, công ty ghi nhận lỗ 44,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số lỗ 44 tỷ đồng ở cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc lên kế hoạch doanh thu đạt 6 tỷ đồng, lỗ sau thuế 56 tỷ đồng. Như vậy, tính đến cuối tháng 9/2023, công ty đã hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu đã đề ra cả năm.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của công ty ở mức 333 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ, trong đó giảm chủ yếu đến từ tài sản dài hạn.
Lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền của Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc vỏn vẹn chỉ có 942 triệu đồng. Tuy nhiên nếu so với đầu năm, số này tăng đáng kể so với khoản 292 triệu đồng hồi đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu ghi nhận đạt 161 tỷ đồng.
Ngược dòng thời gian quay lại cuối năm 2015, HĐQT Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc bất ngờ triệu tập cuộc họp bất thường để bàn về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ và điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh.
Cụ thể, HKB điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu từ 1.600 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 320 tỷ đồng; chỉ tiêu lãi ròng giảm từ 60,8 tỷ đồng còn 3 tỷ đồng và cổ tức giảm 15% xuống còn 0%.
Theo lý giải của HĐQT, do việc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) bị đưa vào diện bị kiểm soát nên nguồn vốn vay của Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc đã ảnh hưởng nặng nề. Điều này đã dẫn tới kế hoạch kinh doanh gặp nhiều khó khăn do không huy động đủ vốn vào thời gian cao điểm.
2 năm sau đó, Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc bắt đầu chuỗi kinh doanh trượt dài thê thảm với khoản lỗ gần 24 tỷ đồng trong quý II/2017.
Trước đó, đầu năm 2023, lãnh đạo Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc đã giải thích nguyên nhân công ty liên tục lỗ trong quý I/2023 là do công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn ngắn hạn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, sau đó, quý II và quý III/2023, công ty vẫn tiếp tục chìm trong trong cảnh thua lỗ. Kết quả, tính đến cuối tháng 9/2023, lỗ lũy kế của Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc chạm mốc 371 tỷ đồng, gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HKB từng bị đưa vào diện kiểm soát, hạn chế giao dịch tiến tới bị hủy niêm yết trên HNX do đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2019 và 2020. Mã sau đó chuyển sang giao dịch trên UPCoM từ cuối tháng 7/2021 và hiện đang giao dịch tại mức 700 đồng và đang bị hạn chế giao dịch.
Nguyễn Phương Anh