VN-Index may mắn vẫn phục hồi xanh trong trong khoảng 2 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và đóng cửa tăng 0,8 điểm nhờ còn vài cổ phiếu trụ lớn tăng. Dù vậy áp lực bán đã tăng lên đáng kể cùng chiều với lực cầu, đẩy thanh khoản lên mức cao nhất 7 phiên, nhưng đà tăng ở cả chỉ số lẫn cổ phiếu đều chậm lại...
Thanh khoản tăng mạnh hôm nay cũng đi kèm với lực xả lớn hơn.
VN-Index may mắn vẫn phục hồi xanh trong trong khoảng 2 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và đóng cửa tăng 0,8 điểm nhờ còn vài cổ phiếu trụ lớn tăng. Dù vậy áp lực bán đã tăng lên đáng kể cùng chiều với lực cầu, đẩy thanh khoản lên mức cao nhất 7 phiên, nhưng đà tăng ở cả chỉ số lẫn cổ phiếu đều chậm lại.
Điểm nhấn hôm nay là thanh khoản đã có sự gia tăng rất tốt. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt gần 15.903 tỷ đồng, tăng 22% so với hôm qua. Tuy nhiên mức giao dịch giữa phiên sáng và phiên chiều không có sự chênh lệch lớn: Buổi chiều thanh khoản chỉ tăng nhẹ 3% so với phiên sáng, nhưng mặt bằng giá lại kém hơn đáng kế. Điều này lặp lại tín hiệu thị trường thường xuất hiện các đợt bán mạnh hơn khi cổ phiếu lần lượt về tài khoản.
Chốt phiên sáng VN-Index có 101 cổ phiếu tăng trên 1%, đóng cửa còn 84 mã. Thay đổi không nhiều nhưng thanh khoản ở nhóm tăng mạnh này trong buổi sáng chiếm tới 40,2% tổng giao dịch. Tỷ trọng này trong phiên chiều chỉ còn chiếm 25,6%. Nói đơn giản, các cổ phiếu có thanh khoản lớn đã không còn trụ được giá cao trong phiên chiều mà chỉ còn lại nhiều mã thanh khoản thấp. Đây cũng là lợi thế thường thấy trong các phiên xuất hiện lực bán ngắn hạn.
Điều này có thể thấy rõ nhất ở nhóm cổ phiếu thanh khoản hàng đầu thị trường. MWG lao dốc trong phiên hôm nay tới 2,22% so với mức đỉnh tăng buổi sáng và đóng cửa thành giảm 1,83%. Thanh khoản của MWG dẫn đầu thị trường với gần 668,4 tỷ đồng. SSI cũng đảo chiều từ tăng thành giảm với biên độ 1,47%, đóng cửa dưới tham chiếu 1,18% và thanh khoản tới 613,9 tỷ. HPG đảo chiều 1,9% thành giảm 1,53% so với tham chiếu giao dịch 572,6 tỷ đồng. VND quay đầu 2%, chốt giảm 0,68%, giao dịch 546,6 tỷ.
Ngay cả ở nhóm còn tăng, như DGC cũng bốc hơi tới gần 3,07% so với mức đỉnh, lúc đóng cửa còn tăng 0,93%, giao dịch cũng thuộc Top 5 thị trường với 431,8 tỷ đồng. VIC, PDR, DIG… cũng đều bị bán mạnh và giá trượt giảm trong phiên dù vẫn chưa đến mức thủng tham chiếu. Tính chung sàn HoSE có 20 cổ phiếu thanh khoản vượt 200 tỷ đồng hôm nay thì trừ VPB, còn lại đều trượt giá từ 1% tới hơn 3%, trong đó 10 mã từ xanh thành đỏ.
Diễn biến chỉ số VN30-Index trong phiên cho thấy nhóm blue-chips suy yếu rõ.
Hiện tượng trượt giá do lực bán tăng dần về cuối phiên cũng là phổ biến. HoSE có tới 56% cổ phiếu phát sinh giao dịch trong ngày trượt giá trên 1%. Chỉ có 44 mã đóng cửa trên tham chiếu và giữ được giá cao nhất phiên. Trong 44 mã này lại chỉ có đúng 5 mã thanh khoản trên 10 tỷ đồng là TPB, SAB, CTR, TLD và OGC, còn lại toàn các mã giao dịch cực nhỏ. Áp lực bán như vậy sẽ thấy rõ hiệu ứng hơn ở các cổ phiếu có thanh khoản dồi dào.
Dù bị bán khá mạnh nhưng nhờ dòng tiền vào cũng tốt, thanh khoản hôm nay duy trì mức cao. Đây là tín hiệu cho thấy dòng tiền đứng ngoài đã nhập cuộc dứt khoát hơn. Khi khối lượng cổ phiếu có lãi ngắn hạn được tung ra thị trường với quy mô tăng dần thì cũng phải có dòng tiền vào mua tăng tương ứng, nếu không giá sẽ quay đầu giảm cả loạt.
Độ rộng của VN-Index phiên này còn giằng co, với 242 mã tăng/226 mã giảm. Đây là điểm bù tích cực cho diễn biến tăng giá chững lại. Mỗi cổ phiếu sẽ có áp lực bán khác nhau nên dòng tiền vào mua cũng khác nhau. Điều này tạo nên sự phân hóa theo cung cầu tại chỗ.
Khối ngoại phiên này gây bất ngờ khi quay lại xả rất nhiều. Riêng HoSE bị rút đi khoảng 659,7 tỷ đồng ròng. MWG bị xả cực mạnh -237,6 tỷ đồng, HPG -112,8 tỷ, VPB -49,7 tỷ, MSN -39,7 tỷ, DHA -35,9 tỷ, GAS -24,6 tỷ, CMG -22,3 tỷ, SSI -22 tỷ, FUEVFVND -50,8 tỷ. Phía mua chỉ có VCI +34,6 tỷ, DGW +30,8 tỷ, HHV +29,3 tỷ.
Kim Phong