Để đạt được Net Zero vào năm 2050, thu hồi kim loại quý từ rác điện tử sẽ góp phần giải quyết nhu cầu kim loại tăng cao.
Tại một nhà máy ở Hà Lan xa xôi, robot Daisy cần mẫn tháo rời những chiếc iPhone đã không còn sử dụng. Với tốc độ 18 giây một chiếc, Daisy có thể thao tác trên 23 mẫu điện thoại khác nhau. Mặc dù Daisy là biểu tượng cho tiến bộ trong nỗ lực giảm thiểu rác thải điện tử, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại trước mắt. Apple chỉ mới vận hành 2 mẫu robot Daisy, mỗi mẫu xử lý 1,2 triệu iPhone mỗi năm. Việc đạt được tính tuần hoàn có vẻ xa vời khi xét đến số lượng điện thoại mà Apple bán được nhiều gấp 200 lần mỗi năm.
Chỉ 11,7% được tái chế
Tại Việt Nam, năm 2016 HP và Apple đã cùng nhau thành lập chương trình thu hồi rác thải điện tử có tên Việt Nam Tái chế (Vietnam Recycle - VNTC). Tại MM Mega Market An Phú, có 1 trong 10 điểm thu gom như thế, nơi VNTC đặt 2 chiếc thùng lớn, một dành cho những thiết bị nhỏ như bàn phím, con chuột và một dành cho những thiết bị lớn hơn. Tuy nhiên, con số rác điện tử đã được VNTC tiếp nhận không được tiết lộ.
Màn hình máy tính sẽ được VNTC tiếp nhận, nhưng màn hình tivi thì không. Tương tự với các thiết bị điện tử gia dụng khác. Ông Lê Ngọc Khanh, Giám đốc Marketing của Electrolux Việt Nam, chia sẻ họ khó có thể khép kín vòng tuần hoàn hay thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất là thu gom sản phẩm đã hết đời vì không tìm được người thực hiện việc thu gom này. “Chúng tôi muốn mang đến cho các sản phẩm cũ một cuộc đời thứ 2 nhưng tiếc là không thể tìm được đối tác để thực hiện”, ông Khanh tiếc nuối kể về cuộc thử nghiệm đã không thể tiến hành vào 3 năm trước.
Gần đây, việc yêu cầu nhà sản xuất tại Việt Nam phải có trách nhiệm đối với sản phẩm cho hết vòng đời đã buộc nhiều nhà sản xuất phải suy nghĩ lại cách thu hồi sản phẩm đã không còn giá trị sử dụng với người dùng. “Máy tính hỏng có thể mang đến điểm thu hồi, được xử lý một cách khoa học để bảo vệ môi trường vì trong máy có nhiều chi tiết độc hại”, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Giám đốc HP Việt Nam và Thị trường mới nổi châu Á, giải thích về hoạt động họ đã tự nguyện tiến hành nhiều năm trước khi có yêu cầu bắt buộc về Trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng (EPR).
Không may, con số những người thực sự hành động chưa nhiều. “Một hãng giảm giá vài trăm đến vài triệu đồng tùy sản phẩm, còn một hãng không có khuyến mãi gì”, ông Xuân Kỹ ở TP.HCM nói về chính sách giảm giá đối với người đang sở hữu sản phẩm cũ của 2 hãng sản xuất tivi nhà ông đang sử dụng. Khi chiếc tivi 51 inch của ông Kỹ bị hư, ông đã phải vất vả tìm nơi để cho đi. Và chính sách “thu cũ đổi mới” của một hãng tivi có nhà máy sản xuất ở ngay trong thành phố ông đang ở chỉ yêu cầu cung cấp mã sản phẩm đã sử dụng chứ không thực sự thu hồi một chiếc tivi nào. Thực tế này phần nào giải thích cho con số tái chế tại châu Á được The Roundup thống kê là 11,7%, thấp hơn bình quân toàn thế giới.
Vàng trong rác
Một báo cáo do Repowered, một doanh nghiệp phi lợi nhuận tái chế rác thải điện tử ở Minnesota (Mỹ), thực hiện vào đầu năm 2023 cho biết loại rác thải này gia tăng với tốc độ nhanh nhất. Theo Liên Hiệp Quốc, thế giới thải ra khoảng 61,3 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm (số liệu ước tính năm 2023). Dù con số này nhỏ hơn lượng rác thải nhựa (hơn 300 triệu tấn mỗi năm) và rác thải dệt may (khoảng 90 triệu tấn) nhưng rác thải điện tử tăng với tốc độ đáng kể 3-5%/năm. Với tốc độ này, rác điện tử được dự báo sẽ tăng đến 74,7 triệu tấn vào năm 2030, tức tăng gấp đôi chỉ trong 16 năm.
Báo cáo của Repowered cho biết phần lớn trọng lượng của rác điện tử là sắt, đồng, thiếc và nhôm, chiếm gần 90%. Tuy vậy, 90% giá trị của rác thải kim loại thu được từ 2 kim loại quý palladium và platium, kế đến là đồng và thiếc. Nếu tái chế toàn bộ lượng rác điện tử của Minnesota sẽ đủ bạc để tạo ra 441.000 tấm pin năng lượng mặt trời, hay lượng đồng đủ để chế tạo ra 155.000 xe điện mỗi năm.
Arabella Ruiz, nhà nghiên cứu cấp cao của The Roundup, ước tính 53,6 triệu tấn rác điện tử thải ra vào năm 2019 chứa lượng nguyên liệu thô trị giá 57 tỉ USD. Điều này nghĩa là với 82,6% lượng rác chưa được tái chế, gần 47 triệu USD giá trị kim loại quý đã không được thu hồi.
Rác điện tử là nguồn kim loại đang đối mặt với nhu cầu gia tăng nhờ việc dịch chuyển sang năng lượng tái tạo. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính để đạt được Net Zero vào năm 2050, nhu cầu kim loại sẽ tăng gấp 6 lần so với năm 2022.
Quy định về EPR đang thúc đẩy việc tái chế rác điện tử tại Việt Nam. Trong cuộc thảo luận về chi phí tái chế diễn ra vào tháng 6/2023, ông Nguyễn Đức Quảng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, cho biết những cơ sở tái chế hiện tại của Việt Nam đang xử lý rác điện tử như rác thải nguy hại hơn là nguồn tài nguyên quý giá. Nhiều quy trình xử lý chỉ liên quan đến việc tháo dỡ thủ công và xử lý chất thải nguy hại. Tương tự ở VNTC, họ chỉ tháo dỡ và phân loại các loại vật liệu, việc xử lý và tái chế tiếp theo được thực hiện ở những nơi khác.
Chất thải điện tử được quản lý không đúng cách, bao gồm cả chất thải được gửi đến các bãi chôn lấp và lò đốt, có thể giải phóng các hóa chất độc hại vào nguồn cung cấp đất, không khí và nước. “Đây sẽ là trở ngại cho nỗ lực phát triển ngành tái chế của Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, hệ thống EPR được kỳ vọng sẽ là hệ thống cho phép chúng ta phát triển một công nghệ khác với công nghệ xử lý rác thải điện tử hiện nay”, ông Quảng kỳ vọng.
“Nếu có thể thu hồi tất cả những kim loại quý hiếm, rác điện tử sẽ có giá trị. Khi ấy, việc đưa công nghệ mới vào để hỗ trợ ngành này sẽ thực sự là một điều lớn lao”, ông Nick Wade, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Blue Planet, công ty có hoạt động tái chế rác điện tử tại châu Âu, đánh giá.