Đánh giá từ các chuyên gia cảng biển cho thấy, tiềm năng khai thác lượng hàng container chuyển tải tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) rất lớn, từ hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là qua cửa ngõ Campuchia.
Tàu ESL KABIR chuyến tàu đầu tiên trên tuyến dịch vụ VGI/RGA/VGX/SGS kết nối Việt Nam với khu vực Đông Nam Á và Trung Đông của các hãng tàu ESL, KMTC, RCL, CU Lines và GFS vừa chính thức khai thác tại Cái Mép cập cảng CMIT.
Khai thác 5-6% hàng hóa từ Campuchia
Năm 2009, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thông thủy quá cảnh và qua biên giới trên các tuyến đường thủy, Việt Nam - Campuchia đã ký kết Hiệp định về vận tải thủy (Hiệp định). Hiệp định có hiệu lực năm 2011, từ đó đến nay, hàng container thông qua giữa 2 nước tăng trưởng trung bình 20%/năm. Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam cho biết, tiềm năng vận tải hàng hóa giữa hai nước, nhất là hàng quá cảnh trên tuyến Hiệp định quy định còn rất lớn. Năm 2021 đã có tới hơn 321.000 TEU hàng hoá quá cảnh từ Campuchia đến các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh và CM-TV.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Campuchia tăng trưởng khá mạnh mẽ trong các năm qua, lượng hàng chủ yếu đi qua 2 cảng chính là Sihanoukville và PhnomPenh. Do đó, cơ hội chuyển tải qua hệ thống cảng CM-TV từ Campuchia tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng do sức chứa hạn chế của cảng Sihanoukville và Phnom Penh. Đồng thời, việc hoàn thiện đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy và đường bộ giữa hai quốc gia sẽ tối đa hóa khả năng vận chuyển hàng hóa giữa Campuchia và cụm cảng phía Nam để xuất, nhập khẩu. Đây là tiềm năng lớn cho Bà Rịa-Vũng Tàu trong phát triển mở rộng hoạt động cảng biển tại khu vực CM-TV.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, năm từ năm 2021 đã có một luồng khá lớn từ Campuchia trung chuyển quốc tế tại khu vực CM-TV hàng tuần, CMIT đã tiếp nhận khối lượng hàng trung chuyển cho các khách hàng Campuchia.
Tuy nhiên, theo Bộ GT-VT, đến thời điểm này, hoạt động trung chuyển quốc tế tại CM-TV còn khá ít, chỉ mới chỉ khai thác một phần nhỏ hàng hóa từ Campuchia về và kết nối theo phương thức vận tải thủy nội địa tới Việt Nam, chiếm khoảng 5%-6% tổng khối lượng hàng container qua cảng. Do đó, khó có thể coi đó là hoạt động trung chuyển quốc tế như kỳ vọng. Theo thông lệ quốc tế, hoạt động trung chuyển container quốc tế gần như hoàn toàn phụ thuộc các “mối hàng” của hãng tàu, nhưng nhiều hãng tàu thường xuyên ra, vào khu cảng CM-TV đều chưa làm được.
Cần có giải pháp cạnh tranh
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, sản lượng hàng container đi qua cảng Phnom Penh (Campuchia) duy trì mức tăng trưởng 8-10% và đạt khoảng 850 ngàn TEU đến năm 2030. Trong đó, hàng đi các tuyến Mỹ và Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) có tiềm năng lớn trung chuyển qua các cảng tại miền Nam Việt Nam (trong đó có CM-TV) thông qua mạng lưới đường thủy nội địa và đường xuyên Á.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết, hàng từ cảng Sihanoukville (PAS) có thể trực tiếp được vận chuyển đến các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các lô hàng đến Hoa Kỳ và châu Âu (chiếm gần 80%) hàng hóa sẽ cần quá cảnh tại Singapore hoặc cảng Laem Chabang (Thái Lan) hoặc CM-TV. Đây chính là lợi thế cho CM-TV. Để hiện thực hóa tiềm năng, đòi hỏi tuyến vận tải thuỷ qua Việt Nam cần có những chính sách ưu tiên để cạnh tranh, hút khách, gia tăng khả năng cạnh tranh so với các cảng quốc tế lớn khác ở khu vực Đông Nam Á như cảng Singapore, cảng Tanjung Priok của Indonesia và cảng Tanjung Pelapas của Malaysia.
Để thu hút hàng hóa vận tải đường biển từ Campuchia, Bộ GT-VT cần khảo sát, bổ sung tuyến ven biển Cửa Tiểu - CM-TV, CM-TV - Sihanoukville vào danh sách các tuyến vận tải đường thủy và quá cảnh của Hiệp định. Việc này nhằm kịp thời tận dụng lợi thế cho cụm cảng khu vực CM-TV là cảng trung chuyển đón hàng xuất khẩu của Campuchia từ Sihanoukville đi Mỹ và châu Âu. Mặt khác, tạo thuận lợi cho hàng từ Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long về thẳng cảng CM-TV.
Ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho rằng, hàng trung chuyển của Campuchia qua CM-TV do còn một số hạn chế về luồng tuyến vận chuyển và cơ chế thu hút, khuyến khích nên số lượng hàng “khiêm tốn” chỉ đạt khoảng trên 11.600 TEU/tháng. Trước mắt cần xác định khu vực thu hút hàng hóa trung chuyển là từ Campuchia (nối cảng Phnom Pênh qua hệ thống sông Mê Kông về CM-TV, Đông Bắc Thái Lan, Lào (qua hành lang Đông Tây để kết nối qua cảng khu vực Miền Trung: Vũng Áng - Hà Tĩnh, cảng Hòn La - Quảng Bình… tập kết về CM-TV.
“Tuy nhiên, cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện, khuyến khích đội tàu gom hàng (feeder) của chính các hãng “tàu mẹ” thực hiện nhiệm vụ gom hàng từ các bến cảng khác ở miền Trung, miền Nam của Việt Nam và từ các nước trong khu vực về CM-TV. Đơn cư như chính sách giảm phí, lệ phí hàng hải cho các tàu kích cỡ dưới 50.000 GT để khuyến khích hãng tàu đưa tàu gom hàng feeder từ các nước khác trong khu vực về trung chuyển tại CM-TV và phân khúc thị trường tàu nội á cỡ lớn đến 5.000 TEU không thể cập vào khu vực TP.Hồ Chí Minh”, ông Lê Văn Thức đề xuất.