Do ngân hàng trung ương các nước thắt chặt điều kiện tài chính để kiềm chế lạm phát, nên nhà đầu tư thiếu hứng thú đối với hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO).
Hoạt động của giao dịch viên trên sàn chứng khoán New York (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN
Theo phân tích mới nhất của S&P Global Market Intelligence, do ngân hàng trung ương các nước thắt chặt điều kiện tài chính để kiềm chế lạm phát, nên nhà đầu tư thiếu hứng thú đối với hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO).
Số liệu cho thấy, trong ba tháng tính đến ngày 30/9, trên thế giới có tổng cộng 382 công ty tiến hành IPO, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, so với quý II/2023 thì thị trường có dấu hiệu ấm lên.
Các thương vụ IPO trong quý III/2023 có tổng giá trị 33,8 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2022 là 45,52 tỷ USD, hai năm trước là 118,42 tỷ USD.
Xét theo khu vực, Mỹ có 28 thương vụ IPO trong quý III/2023 với tổng giá trị phát hành 3,27 tỷ USD, trong khi quý II có 22 thương vụ với tổng giá trị phát hành 7,6 tỷ USD.
Công ty chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng Kenvue trực thuộc tập đoàn Johnson & Johnson, thương hiệu lâu đời của ngành sản xuất thuốc của Mỹ, là thương vụ IPO lớn nhất trong 3 quý đầu năm nay, với tổng giá trị phát hành khi IPO hồi tháng 5/2023 là 4,37 tỷ USD.
Số thương vụ IPO trong quý III/2023 trên thị trường châu Âu ghi nhận nhiều nhất kể từ quý II/2022, có 47 công ty IPO với tổng giá trị cổ phiếu phát hành đạt 10,27 tỷ USD. Trong khi đó quý II chỉ có 37 thương vụ IPO với giá trị 1,7 tỷ USD.
Trong số các công ty châu Âu niêm yết trong quý III/2023, Arm Holdings nhận được sự quan tâm nhiều nhất.
Trong thời gian từ tháng 1-9/2023, thế giới có tổng cộng 1.052 thương vụ IPO, thấp hơn lần lượt là 1.276 thương vụ và 2.345 thương vụ của giai đoạn năm 2022 và 2021. Tổng giá trị lũy kế phát hành cổ phiếu IPO trong thời gian trên đạt 95,13 tỷ USD, thấp hơn mức 144,45 tỷ USD và 477,78 tỷ USD của giai đoạn năm 2022 và 2021./.