Giá vàng tăng trong phiên 26/10, nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn giúp kim loại quý này chịu áp lực trước số liệu GDP của Mỹ tăng mạnh.
Vàng được trưng bày tại nhà máy Shchyolkovo của Tập đoàn kim loại quý Yuzhuralzoloto, Nga. Ảnh tư liệu: TASS/TTXVN
Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.986,39 USD/ounce vào lúc 0 giờ 50 phút (sáng 27/10 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,1% lên mức 1.997,4 USD/ounce.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm trong quý III/2023, một lần nữa vượt qua những cảnh báo nghiêm trọng về suy thoái kinh tế được đưa ra kể từ năm 2022.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại nền tảng giao dịch OANDA, cho biết các số liệu vẽ nên bức tranh về một nền kinh tế Mỹ đang rất “khỏe mạnh”. Điều này củng cố quan điểm cho rằng Fed có thể cần tăng lãi suất lên cao hơn và gây bất lợi cho vàng.
Đối với diễn biến trong phiên 26/10, ông Moya bày tỏ ngạc nhiên khi giá vàng không giảm mạnh mà thậm chí còn tăng. Theo ông, có thể giới đầu tư nhận ra rằng các rủi ro địa chính trị sẽ không sớm biến mất trong ngắn hạn.
Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này tăng 0,1%. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Giá vàng đã tăng 9% trong hai tuần qua, khi các nhà đầu tư tìm nơi ẩn náu trước những rủi ro liên quan tới xung đột giữa Israel và Hamas.
Trọng tâm chú ý của thị trường đang chuyển sang chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ được công bố vào ngày 27/10 để tìm thêm những tín hiệu về triển vọng chính sách của Fed trước cuộc họp vào tuần tới.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,4% xuống 22,79 USD/ounce. Giá bạch kim ổn định ở mức 902,74 USD/ounce.
Tại Việt Nam, kế thúc phiên 26/10, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 70,05-70,77 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).