Phát triển kinh tế – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, là 3 mục tiêu đang được ngành cao su Việt Nam đẩy mạnh nhằm hiện thực hóa “Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững” giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, dù giá bán cao su giảm, thị trường tiêu thụ biến động, khó khăn về nguồn lực, nhưng sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động tại các doanh nghiệp, nông trường về chuyển đổi xanh đang giúp ngành cao su có thêm lợi thế, chủ động đón đầu tìm cơ hội.
Sản xuất xanh, đón đầu cơ hội
Để giảm phát thải, tại các nhà máy của Công ty Cổ phần cao su Tân Biên, ngoài việc duy trì phân loại rác thải, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn… thì lượng rác thải, nước thải này tiếp tục được tuần hoàn phục vụ cho các hoạt động sản xuất hoặc vận chuyển đi tái chế.
Theo ông Trương Văn Cư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Tân Biên, Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam, hai năm qua công ty tham gia vào hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững PEFC - (tổ chức quốc tế được công nhận vai trò cung cấp đánh giá độc lập, chứng thực và công nhận các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia). Đến nay, hơn 4.000 ha cao su của công ty đều đạt tiêu chuẩn chứng nhận này. Từ đó, các sản phẩm cao su thiên nhiên được nâng cao giá trị.
Ngành cao su đặt mục tiêu đến năm 2030 xanh hóa chuỗi cung ứng với 60% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận VFCS/PEFC/FSC (Ảnh: NQ)
Doanh nghiệp xác định, nguồn lực con người, tài chính để đầu tư cho sản xuất xanh, bền vững là khá lớn nhưng đó là trách nhiệm và là yếu tố mang tính quyết định sự phát triển.
Ông Trương Văn Cư cho rằng: “Thực ra để đảm bảo những yếu tố này phải có nguồn lực khá lớn. Tuy nhiên, công ty vẫn phải tiếp tục duy trì thì mới tồn tại phát triển được. Gần đây, chúng tôi được chứng nhận PEFC thì giá sản phẩm sản xuất có tăng hơn. Tôi hi vọng rằng sắp tới nhu cầu xanh, sạch cao hơn thì người tiêu dùng chấp nhận một mức chi phí tốt hơn, họ trả với giá hợp lý để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi xanh tốt hơn”.
Hiện nay, doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì không chỉ chạy theo doanh số mà buộc phải quan tâm đến các vấn đề môi trường xanh, chăm lo đời sống cho người lao động. Làm được như vậy mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, gia tăng nguồn thu, giữ chân lao động. Đây cũng là những tiêu chí luôn được các tổ chức giám sát theo dõi đánh giá.
Trước những khó khăn chung của ngành cao su, để đảm bảo thu nhập cho người lao động, năm 2023, Công ty Cổ phần cao su Tân Biên dành hơn 10 tỷ đồng từ các nguồn quỹ để cân đối cho hoạt động xã hội theo các tiêu chí. Nhất là việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động tại nông trường trong nước và 2 dự án đầu tư cao su tại Campuchia.
Ông Phạm Quốc Bình, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao su Tân Biên, cho biết: “Ngoài các chế độ theo quy định của nhà nước, công ty chủ động tăng thu nhập cho người lao động. Ăn bữa trưa được công ty hỗ trợ 20.000 đồng/người. Công nhân còn được hỗ trợ ăn sáng tại chỗ khoảng 15.000 đồng/người. Công đoàn cũng tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt hiện nay với chương trình thứ sáu cuối tuần công nhân còn được hỗ trợ thêm 20.000 đồng mỗi người để bổ sung thêm vào bữa ăn tươi”.
Hệ thống quan trắc xử lý nước thải tại các nhà máy cao su đều được kết nối với sở tài nguyên môi trường các tỉnh để theo dõi giám sát (Ảnh: NQ)
Ngành cao su và chiến lược xanh hóa
Mỗi năm Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) sản xuất bình quân 320.000 tấn cao su các loại. Quá trình sản xuất 410.000 ha cao su ở trong và ngoài nước, trong đó diện tích cao su trong nước là gần 300.000 ha, hơn 87.000 ha tại Campuchia và gần 30.000 ha tại Lào, đều đang theo chiến lược xanh và phát triển bền vững.
Tập đoàn đang thực hiện mục tiêu giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050 so với năm 2023; xanh hóa chuỗi cung ứng với mục tiêu 60% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC); 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
Dự kiến năm 2050, toàn Tập đoàn có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su,…) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
VRG cũng xanh hóa các quy trình sản xuất, với mục tiêu đến năm 2050: sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối tối thiểu từ 50% tổng nhu cầu; tiết kiệm năng lượng khoảng 20 đến 30% so với tổng nhu cầu; giảm thiểu chất thải bằng giải pháp tiết kiệm/tái sử dụng tối thiểu 35% lượng nước sử dụng, tận dụng/tái chế tối thiểu 40% chất thải rắn và bùn thải, giảm thiểu 20% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất.
Đón đầu xu thế, các đơn vị thuộc VRG thực hiện các biện pháp ứng dụng kỹ thuật trong canh tác cao su theo hướng bền vững (Ảnh: NQ)
Đón đầu xu thế các đơn vị thuộc VRG thực hiện các biện pháp ứng dụng kỹ thuật trong canh tác cao su theo hướng bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc; triển khai đánh giá trữ lượng carbon của rừng cây cao su hướng tới thương mại hóa tín chỉ carbon…
Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Công Ty Cổ phần cao su Tây Ninh, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chia sẻ: “Với sản phẩm gắn với chuẩn PEFC tại công ty thực hiện tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên giá trị đưa lại cho doanh nghiệp chưa nhiều lắm, cơ bản là do nhu cầu của khách hàng hiện nay chưa chú trọng. Nhưng trong tương lai 1-2 năm tới thôi nhất là yêu cầu từ khách hàng các nước tiên tiến, đặc biệt là châu Âu thì giá trị về PEFC sẽ làm nâng cao giá trị sản xuất ngành hàng cho các doanh nghiệp cao su”.
Cũng như nhiều ngành nghề lĩnh vực khác, ngành cao su đang rất cần nguồn lực tài chính. VRG đang tập trung các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, thu hút và kêu gọi vốn đầu tư, bảo hiểm xanh, tham gia thị trường carbon hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực đầu tư từ vốn sản xuất kinh doanh, các đơn vị cân đối và đảm bảo tài chính cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh trong thời gian tới.