• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
01 Tháng Mười Hai 2024 4:54:48 CH - Mở cửa
TS. Asbjørn Warvik Rørtveit: 'Việt Nam có tiềm năng mở rộng nuôi biển quy mô lớn'
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam | 18/11/2023 8:45:00 SA
'Việt Nam có tiềm năng mở rộng nuôi biển quy mô lớn. Tuy nhiên, hành trình này không thiếu những thách thức'.
 
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về những tiềm năng cũng như thách thức trong phát triển nuôi biển tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời, ông cũng chia sẻ về những kinh nghiệm quý giá của Na Uy, nhất là các yếu tố liên quan đến công nghệ để đưa ngành nuôi biển và cá hồi nước này giữ vị thế dẫn đầu trên thế giới.
 
 
Tiến sĩ Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Hải sản Na Uy cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện để đưa ngành nuôi biển phát triển bền vững. 
 
Tích hợp công nghệ tiên tiến và các phương pháp đổi mới
 
Ông có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và NSC?
 
Tôi là giám đốc khu vực Đông Nam Á tại NSC từ tháng 8/2019, chịu trách nhiệm về tất cả hoạt động của NSC tại khu vực này, gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Đài Loan.
 
Tôi làm việc chặt chẽ với các nhà xuất khẩu hải sản Na Uy để tiếp thị cho toàn bộ ngành và giám sát uy tín hải sản Na Uy trên thị trường cũng như quản lý rủi ro với mục tiêu chung là gia tăng giá trị và nhu cầu tiêu thụ hải sản Na Uy tại các thị trường Đông Nam Á.
 
NSC trực thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Hải sản Na Uy, hợp tác với ngành khai thác và nuôi trồng hải sản Na Uy để phát triển thị trường. NSC đại diện cho các nhà xuất khẩu và ngành hải sản của đất nước. Nhãn hiệu “Seafood from Norway” (tạm dịch “Hải sản từ Na Uy”) là biểu tượng xuất xứ cho hải sản Na Uy được khai thác hay nuôi trồng trong vùng nước biển lạnh.
 
Từ lâu Na Uy đã được xem là hình mẫu lý tưởng trong phát triển nuôi biển nói chung, cá hồi nói riêng, theo ông đâu là lý do giúp Na Uy gặt hái được những thành công này?
 
Thành công của Na Uy trong nuôi biển, đặc biệt cá hồi đến từ việc hiện thực hóa một loạt giải pháp quan trọng, trong đó tích hợp công nghệ tiên tiến và các phương pháp đổi mới là then chốt. Na Uy liên tục dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển, tạo nên một văn hóa cải tiến và bền vững.
 
 
Na Uy được xem là hình mẫu lý tưởng trong phát triển nuôi biển. Ảnh: NCS.
 
Na Uy đặt nặng việc quản lý hoạt động nuôi biển trách nhiệm và dựa trên khoa học. Khung pháp luật đề ra các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành. Cam kết của Na Uy trong việc duy trì các tiêu chuẩn sản xuất hải sản chất lượng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và tạo ra nhu cầu đối với các sản phẩm hải sản Na Uy trên toàn cầu.
 
Ngoài ra, Na Uy tận dụng tài nguyên tự nhiên phong phú như các vùng vịnh hẹp với nước biển lạnh trong vắt, tạo ra môi trường lý tưởng cho việc nuôi cá hồi. Sự cam kết của Na Uy đối với biện pháp bảo vệ sinh học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các dịch bệnh trên hải sản, đảm bảo sản xuất an toàn và chất lượng cao.
 
Sự hợp tác giữa Chính phủ, các bên liên quan, các tổ chức nghiên cứu trong ngành hải sản cũng trở thành một yếu tố quyết định khác. Sự tương tác giữa các bên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới liên tục, trao đổi kiến thức và phát triển các phương pháp nuôi cá tốt nhất.
 
Giảm sử dụng kháng sinh tới 99% kể từ năm 1987
 
Hiện nay, ngành nuôi biển Na Uy được đánh giá là hiện đại hàng đầu thế giới và có tính cạnh tranh rất cao, yếu tố công nghệ đã góp phần thúc đẩy như thế nào để Na Uy có được vị thế như vậy, thưa ông?
 
Na Uy hiện sở hữu ngành nuôi biển hàng đầu và cạnh tranh cao trên thế giới. Thành công này có được đến từ sự đóng góp không nhỏ của các tiến bộ công nghệ. Việc tích hợp các công nghệ tiên tiến đã góp phần đưa hải sản Na Uy lên vị thế này.
 
 
Cá hồi Na Uy nổi tiếng thế giới về giá trị dinh dưỡng cũng như chất lượng sản phẩm. Ảnh: NSC.
 
Các đổi mới công nghệ trong ngành nuôi biển Na Uy đã nâng cao nhiều khía cạnh của ngành công nghiệp này, gồm hệ thống theo dõi và kiểm soát. Việc sử dụng hệ thống theo dõi tự động trong các trại nuôi được trang bị hệ thống máy tính cho phép kiểm tra liên tục các tham số quan trọng như môi trường nước, nhiệt độ và lưu lượng. Mức độ chính xác này đảm bảo điều kiện tối ưu cho việc nuôi cá hồi, góp phần nâng cao hiệu quả.
 
Ngoài ra, việc triển khai thiết bị laser để xử lý rận biển trong môi trường sống của cá hồi cũng thể hiện sự tiên tiến về công nghệ. Những thiết bị dưới nước này quét và theo dõi toàn bộ trại nuôi, nhanh chóng xác định và giải quyết các vấn đề về sức khỏe. Phương pháp tiếp cận chủ động này giúp ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và đảm bảo sự phát triển tổng thể đàn cá hồi.
 
Hơn nữa, công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quá trình cho ăn. Việc phát triển các phương pháp cho ăn chuyên biệt, gồm tỷ lệ chính xác giữa nước và cá, cùng việc sử dụng thức ăn không biến đổi gen với hàm lượng dinh dưỡng được nghiên cứu khoa học, đã đóng góp vào sự thành công của ngành nuôi biển Na Uy. Khả năng duy trì tỷ lệ dư lượng kháng sinh đáng kinh ngạc, giảm tới 99% kể từ năm 1987, cũng là một minh chứng cho sự tiến bộ công nghệ trong phòng và quản lý dịch bệnh.
 
Việt Nam có tiềm năng mở rộng nuôi biển quy mô lớn
 
Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, ông đánh giá như thế nào về những tiềm năng cũng như thách thức của Việt Nam trong vấn đề này?
 
Việt Nam có bờ biển và hệ thống vùng nước nội địa phong phú, tạo không gian lớn cho hoạt động nuôi biển. Hệ sinh thái đa dạng của đất nước cung cấp cơ hội để nuôi trồng nhiều loại sản phẩm hải sản khác nhau, mang đến tính linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
 
Với nhu cầu thị trường toàn cầu về hải sản liên tục tăng, Việt Nam có tiềm năng mở rộng nuôi biển quy mô lớn, đóng góp một phần quan trọng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, sự phát triển về mặt quy mô này có thể góp phần tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và ven biển.
 
 
Với nhu cầu thị trường toàn cầu về hải sản liên tục tăng, Việt Nam có tiềm năng mở rộng nuôi biển quy mô lớn, đóng góp một phần quan trọng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Hồng Thắm.
 
Tuy nhiên, hành trình này không thiếu những thách thức. Các phương pháp nuôi biển tập trung có thể gây ra rủi ro đối với môi trường như ô nhiễm nước, suy thoái môi trường sống, yêu cầu phải có cam kết mạnh mẽ đối với các phương pháp bền vững. Quản lý dịch bệnh ngày càng trở nên quan trọng khi nuôi biển tập trung, đòi hỏi các chiến lược hiệu quả về phòng và tầm soát.
 
Việc phát triển, triển khai công nghệ tiên tiến cũng như cơ sở hạ tầng cho nuôi biển quy mô lớn đòi hỏi đầu tư đáng kể và năng lực xây dựng. Việc tiếp cận thị trường toàn cầu, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nghiêm ngặt cũng là những thách thức. Mở rộng nuôi biển công nghiệp cũng có thể có những tác động xã hội, bao gồm xung đột tiềm ẩn về sử dụng nguồn lực và thay đổi trong sinh kế truyền thống.
 
Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để tháo gỡ những khó khăn đó, thúc đẩy nghề nuôi biển tăng trưởng xanh và bền vững?
 
Một chiến lược toàn diện là rất quan trọng để nuôi biển Việt Nam phát triển bền vững. Chiến lược này gồm đầu tư vào các phương pháp thân thiện với môi trường; củng cố khung pháp luật; ưu tiên nghiên cứu và phát triển để đổi mới; xây dựng năng lực và hợp tác với các đối tác quốc tế; tăng khả năng tiếp cận thị trường thông qua chứng nhận cho các phương pháp bền vững.
 
Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng, đa dạng hóa các loại hải sản, sự hỗ trợ từ Chính phủ và các sáng kiến gia tăng nhận thức của người tiêu dùng cũng sẽ đóng góp vào bức tranh tổng thể của việc xây dựng một ngành công nghiệp nuôi biển Việt Nam vững mạnh, có trách nhiệm với môi trường.
 
Đâu là cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong lĩnh vực nuôi biển thưa ông?
 
Tôi tin rằng có những cơ hội quan trọng để hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong lĩnh vực nuôi biển. Cả hai quốc gia đều có thể hưởng lợi từ việc trao đổi kiến thức, hợp tác công nghệ và thực hành bền vững.
 
 
Na Uy hiện sở hữu ngành nuôi biển hàng đầu và cạnh tranh cao trên thế giới. Thành công này có được đến từ sự đóng góp không nhỏ của các tiến bộ công nghệ. Ảnh: NSC.
 
Na Uy có thể chia sẻ kiến thức chuyên sâu về công nghệ tiên tiến, quản lý dịch bệnh và phương pháp nuôi trồng bền vững. Các dự án nghiên cứu và phát triển có thể được thiết lập để giải quyết những thách thức chung và thúc đẩy sự đổi mới trong các phương pháp nuôi biển.
 
Hơn nữa, chúng ta có nhiều tiềm năng cho các dự án liên doanh và hợp tác đầu tư tận dụng sức mạnh của cả 2 quốc gia để nâng cao chất lượng, hiệu suất và tính bền vững trong sản xuất hải sản.
 
Bằng cách khuyến khích những hợp tác như vậy, cả Việt Nam và Na Uy có thể đóng góp vào sự tiến bộ toàn cầu của nghề nuôi biển; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm chung với môi trường.
 
“Để vượt qua những thách thức và tận dụng tiềm năng, Việt Nam nên ưu tiên sự bền vững, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nâng cao cơ sở hạ tầng và khuyến khích hợp tác với đối tác quốc tế để học hỏi chuyên môn. Tiếp cận chiến lược này sẽ giúp Việt Nam khai thác tiềm năng nuôi biển cho sự phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo sự bền vững về mặt môi trường và xã hội trong dài hạn”, Tiến sĩ Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Hải sản Na Uy, chia sẻ.
 
Xin cảm ơn ông!