• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 11:56:16 CH - Mở cửa
Xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ: Tiềm năng lớn, vì sao giá trị chưa tương xứng?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 14/09/2024 9:35:52 SA
Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 8,6 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia nhận định, cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ là rất rộng mở. 
 
Tuy nhiên, đây là thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, với nhiều quy định nghiêm ngặt được ban hành. Do đó, để chiếm lĩnh được thị trường này, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin và tuân thủ yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
 
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam
 
Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản. Dẫn chứng số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội thảo "Các quy định của Hoa Kỳ trong ngành thực phẩm” mới đây, bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 265 tỷ USD, trong đó xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt hơn 68 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2023.
 
Tính riêng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Hoa Kỳ đạt 8,6 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ.
 
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ đang có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, phần lớn sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu ở dạng thô hoặc sơ chế, không có nhãn mác thương hiệu, dẫn đến giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng.
 
 
Phần lớn hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đang xuất khẩu ở dạng thô hoặc sơ chế, đóng bao lớn và không có nhãn mác.
 
Nguồn nguyên liệu nông sản của Việt Nam thường được các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhập khẩu hoặc thông qua bên thứ ba để chế biến và tung ra thị trường dưới tên thương hiệu của họ. Do đó, giá trị mà các nhà sản xuất nông sản và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thu về vẫn chưa cao.
 
“Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vẫn là một bài toán lớn đối với nhiều doanh nghiệp và cả ngành lương thực thực phẩm Việt Nam,” bà Quyên chia sẻ.
 
Trước đó, bà Phan Thị Mỹ Yến - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu Việt, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cũng từng nhấn mạnh rằng qua khảo sát tại các siêu thị ở Hoa Kỳ, nhu cầu về nông sản Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm lại được tiêu thụ dưới thương hiệu nước ngoài do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, không nhãn mác, đóng bao lớn. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ sau đó sẽ chế biến sâu và gắn nhãn mác của họ. Đây là nỗi trăn trở của các doanh nghiệp nông sản và những người làm thương hiệu tại Việt Nam.
 
Bà Jolie Nguyễn - CEO và nhà sáng lập Công ty LNS International, đơn vị nhiều năm nhập khẩu nông sản Việt Nam và phân phối tại Hoa Kỳ - nhấn mạnh sự quan trọng của việc tuân thủ các thủ tục và giấy tờ chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm. Theo bà, quy định rất chặt chẽ và phức tạp, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm vững. Bà cũng khuyến cáo nên sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để đảm bảo quy trình, trước khi tự thực hiện khi đã quen thuộc với thị trường.
 
Doanh nghiệp cần lưu ý gì?
 
Tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là rất lớn, tuy nhiên, để chinh phục thị trường này, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần nắm vững các quy định và thường xuyên cập nhật thông tin, yêu cầu của nhà nhập khẩu.
 
Ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Đào tạo và Chứng nhận mảng phát triển bền vững của Công ty TNHH Tuv Nord Vietnam, cho biết mỗi năm, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng tỷ tấn thực phẩm từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 15% tổng lượng thực phẩm tiêu thụ trong nước.
 
Để kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành Đạo luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA), nhằm chuyển đổi từ cơ chế phản ứng với các sự cố an toàn thực phẩm sang cơ chế phòng ngừa.
 
FSMA không chỉ tác động đến các nhà phân phối và sản phẩm thực phẩm tại Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở có nhu cầu xuất khẩu vào thị trường này.
 
Ông Đặng Bùi Khuê cho biết, một trong những chương trình quan trọng nhất của FSMA là Chương trình Xác minh Nhà cung cấp Nước ngoài (FSVP), yêu cầu các nhà nhập khẩu phải thực hiện các bước xác minh cần thiết, sau đó đánh giá sự tuân thủ của các nhà cung cấp nước ngoài theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ.
 
Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thực phẩm vào Hoa Kỳ cần chủ động xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng thông qua các bước như: phân tích mối nguy, kiểm soát quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn, kiểm soát chất gây dị ứng, và thực hiện chương trình chuỗi cung ứng an toàn.
 
“Mặc dù Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA) của Hoa Kỳ đã được ban hành từ năm 2011 và có hiệu lực từ năm 2017-2020 (tùy theo loại hình doanh nghiệp), nhưng luật này vẫn thường xuyên được điều chỉnh và bổ sung. Vì vậy, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật những thay đổi để đáp ứng tốt các yêu cầu từ phía khách hàng, đồng thời phòng ngừa các rủi ro về thu hồi hay tiêu hủy sản phẩm,” ông Đặng Bùi Khuê nhấn mạnh.
 
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cũng lưu ý rằng, mặc dù các sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, nhưng đây vẫn là một thị trường đầy thách thức. Sức tiêu thụ của Hoa Kỳ rất lớn, nhưng để doanh nghiệp Việt có thể chinh phục được thị trường này không phải là điều dễ dàng.
 
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để xuất khẩu nông sản bền vững, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã vùng trồng, mã đóng gói, và các hoạt động sơ chế, chế biến cùng với chiến lược xúc tiến thương mại. “Xuất khẩu càng nhiều, chất lượng càng phải được đảm bảo, thương hiệu cũng cần được xây dựng vững chắc,” Thứ trưởng nhấn mạnh.