Nền kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng chậm lại trong năm nay, với mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt 1,9% trong 9 tháng tính từ đầu năm 2023.
Bộ Tài chính Thái Lan sẽ phân tích kỹ lưỡng các số liệu kinh tế của nước này để chuẩn bị tăng chi tiêu chính phủ trong bối cảnh ngân sách tài khóa 2024 vừa được Nội các thông qua nhằm góp phần vực dậy nền kinh tế đang sa sút.
Trong khi đó, Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan (NESDC) sẽ tiến hành kiểm tra "sức khỏe" của nền kinh tế, nợ hộ gia đình, thu nhập của người dân và tiềm năng kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Động thái này được đưa ra sau khi Nội các thông qua ngân sách cho tài khoá 2024 với chi tiêu của chính phủ là 3.480 tỷ baht (100 tỷ USD), tăng 9,3% so với tài khóa 2023.
Theo NESDC, nền kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng chậm lại trong năm nay, với mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt 1,9% trong 9 tháng tính từ đầu năm 2023. Trong đó tăng trưởng GDP quý 3 giảm xuống 1,5% so với con số 1,8% trong quý II. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp cũng giảm trong quý III.
GDP của Thái Lan dự kiến sẽ tăng 2,5% trong năm nay so với mức 2,6% của năm ngoái, trong khi lạm phát được dự báo duy trì ở mức 1,4% và cán cân tài khoản vãng lai dự kiến vượt 1% GDP.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán Thái Lan sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong ASEAN trong 20 năm tới do dân số già đi và đầu tư tư nhân chậm lại. Nếu không được cải thiện, nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 3% mỗi năm trong hai thập kỷ tới.
NESDC cho biết Nội các của Thủ tướng Srettha Thavisin phải tập trung vào bảy vấn đề để kích thích tăng trưởng bền vững:
Thứ nhất, các chính sách kinh tế phải dựa trên các điều kiện và rủi ro, kết hợp với những biện pháp để xử lý nhược điểm tiềm ẩn.
Thứ hai, tận dụng lợi thế có được từ địa chính trị, những thay đổi liên quan đến biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế lớn và biến động trên thị trường vốn toàn cầu. Trong đó, tập trung vào xung đột ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động, biến động giá năng lượng và sản phẩm tiêu dùng cũng như chi phí nông nghiệp.
Thứ ba, đẩy mạnh mạnh mở rộng xuất khẩu.
Thứ tư, xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư để kích thích đầu tư tư nhân.
Thứ năm, hỗ trợ phục hồi lĩnh vực du lịch và các dịch vụ liên quan.
Thứ sáu, duy trì năng suất và thu nhập của ngành nông nghiệp.
Thứ bảy, duy trì tăng trưởng kinh tế thông qua chi tiêu và đầu tư của chính phủ./.