Trên thế giới hiện có nhiều nơi áp dụng các hệ thống khác nhau để tính giá carbon, trong đó có Hệ thống Thương mại châu Âu, nơi giá carbon hiện được giao dịch quanh mức 70 USD/tấn.
Ngày càng có nhiều công ty trên thế giới đang đặt ra mức giá hoặc mức phí cho mỗi tấn khí carbon thải ra, nhằm tính toán các khoản đầu tư và kinh doanh của mình để đáp ứng các khoản thuế ô nhiễm trong tương lai hoặc các quy định mới về khí hậu khác.
Mức giá này được thiết lập từ dưới 1 USD cho mỗi tấn khí thải carbon cho đến mức 1.600 USD của nhà sản xuất dược phẩm California Amgen đặt ra, cao nhất so với bất kỳ công ty nào trên toàn thế giới.
Các cơ quan quản lý cũng đưa ra một loạt mức giá, bao gồm cả “chi phí xã hội” đối với carbon của chính quyền Tổng thống Joe Biden, ở mức khoảng 200 USD, còn đề xuất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng mức giá này ít nhất phải là 85 USD trong năm 2030.
Việc đưa chi phí phát thải carbon dioxide và các loại khí thải nhà kính khác vào các quyết định kinh doanh là “niềm mơ ước” của nhiều nhà hoạt động khí hậu trong nhiều thập kỷ qua, nhằm buộc các tập đoàn cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Mặc dù mức giá carbon toàn cầu chuẩn chưa được ấn định tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 đang diễn ra ở Dubai, nhưng khái niệm này có nhiều ứng dụng trong kinh doanh như cho phép các nhà lãnh đạo tính toán chi phí phụ trội cho các đơn vị của mình để sử dụng điện từ nhiên liệu hóa thạch, nhờ đó làm tăng sự hấp dẫn của năng lượng tái tạo.
Giám đốc toàn cầu về biến đổi khí hậu tại CDP, ông Amir Sokolowski cho biết mặc dù có nhiều chiến lược khác để làm như vậy, nhưng việc không sử dụng công cụ này có thể dẫn đến các công ty khó có thể lập kế hoạch đầy đủ cho chi phí carbon thực tế trong trung hạn và dài hạn.
Một phân tích của tổ chức phi lợi nhuận Reuters cho thấy 20% trong số 5.345 công ty trên thế giới công bố thông tin liên quan đến khí hậu cho biết họ đã sử dụng giá carbon nội bộ từ năm 2022, tăng so với mức 17% của năm trước. 22% công ty khác dự định sẽ thực hiện việc tính phí carbon trong hai năm tới, mặc dù trong quá khứ, chỉ có một phần nhỏ các công ty có kế hoạch triển khai đã thực hiện được điều này.
Phân tích từ CDP, chưa được công bố trước đây, cho thấy những công ty này đã áp dụng công cụ lập kế hoạch mới nhưng vẫn còn nhiều tranh luận về mức giá như thế nào có thể thúc đẩy các công ty hành động đáng kể để cắt giảm khí thải.
Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz của Đại học Columbia, cho biết các công ty đã sẵn sàng cho việc áp dụng giá carbon, nhưng mức giá trung bình vẫn còn quá thấp để có thể tác động lớn đến việc ra quyết định của doanh nghiệp, khiến nỗ lực này trở thành một “đống hỗn độn”. Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz từng nhận giải Nobel Kinh tế vào năm 2001.
Nhiều công ty không có một lộ trình rõ ràng để đi theo, bởi sử dụng giá carbon cao có thể làm thay đổi đáng kể các kế hoạch đầu tư, còn sử dụng giá carbon thấp có thể bị tính phí “green washing” (là quá trình truyền đạt sai lầm hoặc đưa thông tin sai lệch về yếu tố thân thiện môi trường của một sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu).
Do đó, việc định giá carbon nội bộ giúp các công ty cắt giảm lượng khí thải và làm rõ tác động của việc chi tiêu vốn, cũng như các hoạt động kinh doanh khác đối với hành tinh.
Giám đốc Joe Speicher của nhà sản xuất phần mềm Autodesk, cho biết giá thị trường cho việc bù đắp lượng carbon có thể dao động từ 5 USD/tấn đến 1.500 USD/tấn.
Autodesk đã liên tục tăng giá carbon nội bộ của mình lên 20 USD. Ông Joe Speicher cho hay Autodesk sử dụng giá carbon để giúp xác định những thứ như giá trị của khoản đầu tư vào các dự án loại bỏ carbon.
Trên thế giới hiện có nhiều nơi áp dụng các hệ thống khác nhau để tính giá carbon, trong đó có Hệ thống Thương mại châu Âu, nơi giá carbon hiện được giao dịch quanh mức 70 USD/tấn.
Nhà sản xuất ô tô Volvo đã đưa ra "mức giá ước lượng" là 1.000 krona mỗi tấn carbon (khoảng 92 USD/tấn), trong các quyết định từ việc sản xuất mẫu xe nào cho đến sử dụng vật liệu gì trong các nhà máy. Trong khi đó, nhà sản xuất dược phẩm Amgen định giá "phí nội bộ" là 1.000 USD/tấn đối với những sản phẩm phát thải cao hơn. Trong báo cáo khí hậu CDP năm 2023, Amgen cũng đã sử dụng một "công cụ đánh giá đầu tư" để đánh giá xem có nên mua thiết bị giảm phát thải mới hay không, sử dụng mức giá carbon thậm chí còn cao hơn.
Một số nhà phân tích đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về mức giá mà các công ty nên sử dụng. Ông Gunther Thallinger, thành viên hội đồng quản trị của công ty bảo hiểm Allianz của Đức và là thành viên của hội đồng tư vấn khí hậu của Liên hợp quốc, cho biết thị trường carbon toàn cầu toàn diện sẽ là “cú hích lớn” cho nỗ lực cắt giảm khí thải. Nhưng sự biến động về giá hiện tại là một vấn đề, đặc biệt với một số mức giá dưới 5 USD/tấn. Ông bày tỏ lo ngại điều này đang đi theo hướng “green washing”.