Dù đối mặt với khủng hoảng kép về thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga và sự sụt giảm sản lượng điện nhưng châu Âu vẫn tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo và đạt mức kỷ lục trong năm 2022.
Điện gió và điện mặt trời đã tạo ra sản lượng điện kỷ lục, chiếm 1/5 tổng sản lượng điện của EU vào năm 2022.
Theo báo cáo Đánh giá điện năng châu Âu do Tổ chức tư vấn năng lượng Ember công bố ngày 31/1, điện gió và điện mặt trời đã tạo ra sản lượng điện kỷ lục, chiếm 1/5 (22%) tổng sản lượng điện của EU vào năm 2022, lần đầu tiên vượt qua điện khí (20%).
Tỷ trọng điện than chỉ tăng 1,5 điểm phần trăm với sản lượng điện chiếm 16% sản lượng điện của EU vào năm 2022, trong đó sản lượng trong 4 tháng cuối năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm ngoái do châu Âu ngăn chặn nguy cơ quay trở lại điện than sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022.
Phân tích của Tổ chức Ember cho thấy, châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép trong lĩnh vực điện vào năm 2022. Ngay sau khi cắt đứt quan hệ với Nga - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của họ, châu Âu đã phải đối mặt với sản lượng thủy điện và điện hạt nhân thấp nhất trong ít nhất hai thập kỷ, gây ra thiếu hụt khoảng 7% tổng nhu cầu điện của châu Âu vào năm 2022.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng kỷ lục về điện gió và điện mặt trời đã giúp bù đắp mức thiếu hụt từ thủy điện và điện hạt nhân. Sản xuất năng lượng mặt trời tăng nhanh nhất, với mức tăng kỷ lục (+24%) vào năm 2022, gần gấp đôi kỷ lục trước đó, giúp châu Âu tránh được 10 tỷ Euro chi phí khí đốt.
Song trên thực tế, nhu cầu điện của EU đã giảm 7,9% trong quý cuối cùng của năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, chỉ 1/6 sản lượng thiếu hụt từ năng lượng hạt nhân và thủy điện được đáp ứng bằng nhiệt điện than. Trong đó, sản lượng điện than tăng 7%, chỉ bổ sung 0,3% vào sản lượng điện than toàn cầu. Lượng phát thải của ngành điện của EU đã tăng 3,9% vào năm 2022 so với năm 2021.
Đồng thời, sản lượng điện than ở EU đã giảm trong cả bốn tháng cuối năm 2022, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. 26 tổ máy điện than dù đã được đặt ở chế độ chờ khẩn cấp, sẵn sàng cho mùa đông nhưng chỉ hoạt động ở mức trung bình 18% công suất. Mặc dù đã nhập khẩu thêm 22 triệu tấn than trong suốt năm 2022 nhưng EU chỉ sử dụng khoảng 1/3 trong số đó.
Đáng chú ý, việc sản xuất điện từ khí đốt hầu như không thay đổi vào năm 2022 so với năm 2021, bất chấp giá cao kỷ lục. Điện khí tạo ra 20% điện năng của EU vào năm 2022, tăng so với mức 19% của năm trước. Tuy nhiên, xu hướng này dự kiến sẽ thay đổi mạnh mẽ trong năm tới.
Mặt khác, theo các dấu hiệu mới nhất từ ngành công nghiệp cho thấy, vào năm 2023, quá trình chuyển đổi sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời của châu Âu sẽ tăng tốc để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó, sản lượng thủy điện cũng như điện hạt nhân của Pháp sẽ phục hồi. Do vậy, phân tích của Tổ chức Ember ước tính rằng, việc sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch có thể giảm mạnh 20% vào năm 2023, gấp đôi mức giảm kỷ lục trước đó vào năm 2020. Sản xuất điện than sẽ giảm, nhưng sản xuất điện khí, vốn dự kiến vẫn đắt hơn điện than ít nhất cho đến năm 2025, sẽ giảm nhanh nhất.
Theo ông Dave Jones, người đứng đầu bộ phận chuyên sâu về dữ liệu của Ember, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của châu Âu nổi lên từ cuộc khủng hoảng này mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các nước châu Âu không chỉ cam kết loại bỏ dần than đá, mà giờ đây họ cũng đang cố gắng loại bỏ khí đốt. Cuộc khủng hoảng năng lượng chắc chắn đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi điện của châu Âu. Có thể thấy, châu Âu đang hướng tới một nền kinh tế sạch, điện khí hóa và điều này sẽ được thể hiện đầy đủ vào năm 2023.
Hiện nay, châu Âu đã xây dựng 15GW điện gió mới.
Còn theo ông Walburga Hemetsberger, Giám đốc điều hành của SolarPower Europe, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng mặt trời thực sự là nền tảng của quá trình chuyển đổi năng lượng. Năm 2023, với sự hỗ trợ phù hợp, năng lượng mặt trời sẽ phá vỡ nhiều kỷ lục hơn, giúp giảm nhu cầu năng lượng hóa thạch hơn nữa và đưa chúng ta tiến thêm một năm để hướng tới một châu Âu sử dụng 100% năng lượng tái tạo…
Nhận định về vấn đề này, ông Giles Dickson, Giám đốc điều hành của WindEurope cho hay, năng lượng gió và năng lượng mặt trời tạo ra nhiều điện hơn khí đốt vào năm 2022. Hiện nay, châu Âu cũng đã xây dựng 15GW điện gió mới.
“Châu Âu cần hành động nhiều hơn nữa để đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo. Đồng thời cần đẩy mạnh chính sách công nghiệp năng lượng sạch của mình và thiết kế thị trường đúng đắn, trở thành nơi hấp dẫn đầu tư vào năng lượng tái tạo một lần nữa”, ông Giles Dickson nói.