Ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín đã thi hành xong 2 bản án hình sự và ra tù, trong khi đó, sau nhiều năm bệnh nặng, bà Hứa Thị Phấn (cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) đã qua đời.
Theo tờ Tuổi Trẻ Online, ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã thi hành xong 2 bản án hình sự.
Ông Trầm Bê là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1959, quê quán Trà Vinh, lập nghiệp tại TP.HCM. Trước khi bước chân vào lĩnh vực ngân hàng, ông đã đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác như mở Công ty Chế biến lâm sản Đông Anh, thành viên hội đồng quản trị của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Triều An.
Ông Trầm Bê. Ảnh: internet
Năm 2002-2004, Công ty Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn do ông là Chủ tịch HĐQT chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam.
Năm 2004, ông Trầm Bê tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực tài chính với việc mua một lượng lớn cổ phần của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) và trở thành thành viên HĐQT.
Ông Trầm Bê sau đó tiếp tục thâu tóm cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và kiến nghị cho sáp nhập Ngân hàng Phương Nam - khi đó là một ngân hàng yếu kém, có tỉ lệ nợ xấu cao - vào Sacombank và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận vào tháng 8/2015.
Tuy nhiên cùng với việc cho phép Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank, ông Trầm Bê cũng bị truất quyền điều hành tại Sacombank.
Theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước, ông Trầm Bê, khi đó là Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, phải tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước chỉ định đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Ngân hàng Phương Nam và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.
Ông Trầm Bê không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập và ông cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông.
Ông Trầm Bê bị bắt giam ngày 1/8/2017. Sau đó, ông phải chấp hành 2 bản án hình sự: vụ án Phạm Công Danh 4 năm tù; vụ án Dương Thanh Cường 3 năm tù, tổng cộng 7 năm tù.
Bà Hứa Thị Phấn. Ảnh: internet
Trái ngược với ông Trầm Bê, bà Hứa Thị Phấn (cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) đã qua đời sau nhiều năm bệnh nặng. Bà Hứa Thị Phấn là một nữ đại gia nổi tiếng, liên quan tới nhiều sai phạm ở nhiều ngân hàng.
Theo tờ Vietnamnet, liên quan tới sai phạm tại ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), bà Phấn bị TAND TP. Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên 17 năm tù về tội "Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Được xác định giữ vai trò chính trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - nay là ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB), tháng 10/2018, bà Phấn bị TAND cấp cao tại TP.HCM bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án 30 năm tù.
Theo nội dung vụ việc, lợi dụng việc nắm giữ hơn 84% vốn điều lệ, là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn đã thông qua Lâm Kim Dũng, Bùi Thị Kim Loan và Ngô Kim Huệ chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (công ty không có chức năng thẩm định giá) tiến hành thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bị can Phấn lên 1.268 tỷ đồng (cao gấp 8 lần giá thị trường).
Bà Hứa Thị Phấn còn chỉ đạo Lâm Kim Dũng mua bán lòng vòng rồi bán cho TrustBank, chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng.
Về hành vi hạch toán thu chi khống vi phạm các quy định của pháp luật, bà Hứa Thị Phấn đã thâu tóm, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang.
Bà Hứa Thị Phấn còn chỉ đạo một số công nhân viên của ngân hàng Đại Tín thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt, thực hiện giao dịch, hạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục... để lấy và sử dụng bất hợp pháp tổng số tiền hơn 5.256 tỷ đồng.
Ở vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm đã gây thất thoát hơn 1.338 tỷ đồng, tại Ngân hàng Thương mại CP Đại Tín (TrustBank).
Với hành vi này, cuối tháng 11/2019, bà Phấn bị TAND TP.HCM tuyên phạt 20 năm tù. Sau đó, bà Phấn làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng sau đó đã bị bác kháng cáo. Tổng hợp mức hình phạt trong các vụ án mà bà Phấn phải chịu là 30 năm tù. Tuy nhiên, do mất 93% sức khỏe nên suốt những năm qua bà Hứa Thị Phấn chưa đi thi hành án. Tới nay, sau nhiều năm nằm viện, nữ đại gia đã qua đời.