Trong những năm gần đây, ngành hậu cần (logistics) của Malaysia đã phát triển nhờ các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ như cơ sở hạ tầng được cải thiện, khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng và tăng trưởng cơ cấu trong thương mại điện tử.
Ngành hậu cần của Malaysia phát triển những năm gần đây
Ngành hậu cần cũng là xương sống của hệ sinh thái chuỗi cung ứng của Malaysia. Malaysia đang hướng tới trở thành trung tâm hậu cần khu vực.
Bộ Giao thông vận tải Malaysia đã xây dựng Chính sách Giao thông vận tải quốc gia (2019-2030) nhằm cải thiện kết nối hậu cần để phục vụ cho sự bùng nổ thương mại điện tử, các kế hoạch nâng cấp và mở rộng cảng liên tục, đồng thời nâng cao năng suất và tăng khả năng cạnh tranh.
Là quốc gia thương mại lớn thứ 24 thế giới năm 2021, hậu cần đóng vai trò không thể thiếu để thúc đẩy tăng trưởng chuỗi cung ứng của Malaysia. Với sự phát triển của thương mại điện tử, các công ty đang tận dụng xu hướng mới nổi này. Mối quan tâm của các công ty đối với các lĩnh vực mới nổi như hậu cần chuỗi lạnh, dịch vụ giao hàng chặng cuối đang tăng lên do tỷ suất lợi nhuận và nhu cầu ngày càng tăng.
Theo xu hướng này, Chính phủ Malaysia đã đưa ra nhiều nỗ lực và kế hoạch để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương nâng cao chuỗi giá trị nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu. Chính phủ Malaysia đã công bố sáng kiến chứng nhận Dịch vụ hậu cần tích hợp quốc tế (IILS) nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành hậu cần. Chứng nhận được cấp cho các công ty có khả năng cung cấp dịch vụ hậu cần tích hợp và liền mạch từ kho hàng nhận đến kho hàng gửi dọc theo chuỗi giá trị với tư cách là một thực thể duy nhất trên quy mô khu vực hoặc toàn cầu.
Chứng nhận IILS không áp đặt bất kỳ hạn chế vốn chủ sở hữu nào và khuyến khích dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia thông qua việc thành lập hoặc hợp tác trực tiếp với các công ty địa phương.
Giám đốc điều hành phát triển dịch vụ của Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) Zuaida Abdullah cho biết các sáng kiến như khuyến khích dịch vụ hậu cần tích hợp (ILS) và chứng nhận IILS được coi là bước đệm cho các công ty địa phương cung cấp dịch vụ toàn diện để tiếp tục mở rộng thị trường, phục vụ cả thị trường trong nước và toàn cầu.
MIDA sẽ liên tục tìm kiếm, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư công nghệ cao, dựa trên tri thức và thâm dụng vốn để tạo ra hiệu ứng số nhân cho nền kinh tế.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh nhu cầu số hóa trong toàn cảnh kinh doanh. Do hậu cần là chìa khóa cho nhiều lĩnh vực, tốc độ gián đoạn kỹ thuật số đối với các quy trình chuỗi cung ứng truyền thống sẽ tăng lên cùng với tiến bộ của các lĩnh vực khác.
Lãnh đạo MIDA nhấn mạnh các chương trình và sáng kiến nhằm tăng cường kết nối kỹ thuật số, nâng cao năng lực của lực lượng lao động hiện có, đồng thời phát triển các tài năng và kỹ năng mới.
Bà Zuaida cho rằng trong giai đoạn thay đổi hiện nay, Malaysia có tất cả các yếu tố cần thiết để thành công. Những nỗ lực liên tục để cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng hậu cần, giảm tệ quan liêu và tăng cường quan hệ thương mại giữa các quốc gia đối tác là rất quan trọng cũng như mang lại trải nghiệm liền mạch cho các công ty hậu cần trong khu vực của họ