Chào bán chứng khoán là một trong những cách thức mà các doanh nghiệp huy động vốn và đầu tư. Việc chào bán chứng khoán phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Khái niệm chào bán chứng khoán
Chào bán chứng khoán là hoạt động phát hành chứng khoán để thu hút vốn đầu tư, đáp ứng nhu cầu về vốn của chủ thể chào bán. Bên cạnh đó, với sự phát triển của thị trường chứng khoán và nhu cầu của doanh nghiệp, hoạt động chào bán chứng khoán còn phục vụ một số mục đích khác như để chia thường, để tái cơ cấu nguồn vốn hoặc để tái cơ cấu cổ đông.
Các hoạt động chào bán chứng khoán có thể được thực hiện qua: Internet, phương tiện truyền thông, chào bán cho 100 nhà đầu tư trở lên, chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định… (Theo Luật chứng khoán 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010).
Đặc điểm của chào bán chứng khoán
Chủ thể thực hiện hoạt động chào bán chứng khoán có thể là: Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp. Ngoài ra, hoạt động chào bán còn có sự tham gia của các chủ thể như: Nhà bảo lãnh, đại lý phát hành, trung gian thanh toán, tổ chức định mức tín nhiệm…
Đối tượng của hoạt động chào bán là: Chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu). Trong đó, chứng khoán được định nghĩa là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu tài sản với phần vốn góp phát hành.
Hoạt động chào bán chứng khoán chỉ được thực hiện ở thị trường sơ cấp. Đây là nơi diễn ra hoạt động giao dịch trực tiếp giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành chứng khoán.
Hoạt động chào bán phải được thực hiện theo trình tự và quy trình nhất định. Quá trình từ lập, thông qua đề án, đăng ký chào bán đến việc đưa ra các đề nghị với nhà đầu tư, đơn vị phân phối chứng khoán. Một số chứng khoán sẽ không có giá trị nếu không thực hiện đúng quy trình thủ tục.
Vai trò của chào bán chứng khoán
Cung cấp hàng hóa cho thị trường, tạo nền tảng cơ sở cho các hoạt động giao dịch mua bán.
Với đơn vị chào bán, hoạt động này là giải pháp giúp huy động vốn hiệu quả, linh hoạt, giải quyết các vấn đề về khó khăn về nguồn vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn huy động được từ hoạt động chào bán là nguồn vốn dài hạn, ổn định, giúp doanh nghiệp ít phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng và các vấn đề pháp lý.
Để thực hiện được hoạt động chào bán chứng khoán, bắt buộc doanh nghiệp phải hoàn thiện các chế độ tài chính, kế toán, nhiệm vụ công bố thông tin… Từ đó, công ty sẽ phải hoạt động và làm việc nghiêm chỉnh, minh bạch hơn.
Hoạt động chào bán tạo điều kiện cho các nhà đầu tư kiếm được một khoản lợi nhuận từ các giao dịch.
Với các tổ chức trung gian (Đại lý, đơn vị bảo lãnh, thanh toán…), hoạt động chào bán sẽ giúp đơn vị thu được 1 khoản lợi nhuận nhất định và cải cách các chiến lược kinh doanh phù hợp.
Với kinh tế và xã hội, chào bán sẽ đem lại nguồn vốn để thúc đẩy hoạt động kinh tế, gia tăng sản xuất, góp phần gia tăng ngân sách nhà nước.