Vấn đề tái cơ cấu ngành công nghiệp đã được nêu rõ tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Hoạt động tái cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.
Hoạt động tái cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại
Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ đặt các mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu nói trên, các nhóm nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra gồm:
Thứ nhất, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,5 - 9%/năm; Tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp...
Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9 - 10%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
Thứ ba, cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp của các vùng, địa phương đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng, địa phương về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực. Tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tạo lập không gian phát triển mới đối với các ngành công nghiệp và tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.
Thứ tư, hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trong các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành. Nâng cao năng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương. Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thúc đẩy các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn…
Với các nhiệm vụ nói trên, theo Quyết định số 165/QĐ-TTg, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:
Một là, xây dựng hệ thống pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, làm cơ sở để thúc đẩy hoạt động phát triển công nghiệp từ trung ương đến địa phương, thực thi có hiệu quả công tác điều phối, phân cấp theo ngành, vùng, lãnh thổ và giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp. Xây dựng và ban hành các đạo luật làm cơ sở pháp lý để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng; tạo lập khuôn khổ pháp lý cho phát triển sản xuất thông minh và các cơ chế thử nghiệm, thí điểm có kiểm soát.
Hai là, xây dựng tiêu chí để cơ cấu lại danh mục các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên cho giai đoạn tới năm 2030 và 2045 để đảm bảo tính thống nhất và theo hướng thu hẹp để tập trung xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên và bố trí nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về đầu tư để phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Ba là, rà soát, xây dựng các chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển công nghiệp đối với các ngành công nghiệp và trên từng địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp vào quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương theo lợi thế phát triển của quốc gia, vùng và địa phương.
Bốn là, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hoá. Ưu tiên lựa chọn phát triển tại các vùng, địa phương đã bước đầu hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp hoặc có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistics, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng và thúc đẩy Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm là, xây dựng chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, các trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn công nghiệp từ trung ương đến địa phương về đầu tư, tài chính, thị trường, xúc tiến thương mại, quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghiệp… Xây dựng và nâng cấp mạng lưới và cổng thông tin về các tổ chức và chuyên gia tư vấn công nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất. Xây dựng các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp theo vùng và địa phương.
Sáu là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý cụm công nghiệp tại các địa phương và các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp theo hướng khuyến khích doanh nghiệp làm chủ hạ tầng cụm công nghiệp, tăng cường xã hội hóa trong đầu tư phát triển cụm công nghiệp và xử lý tốt các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu của các cụm công nghiệp.