68,5% doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam có những yếu tố thuận lợi so với các quốc gia khác để họ cân nhắc đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn đó những "rào cản" về thủ tục hành chính, chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công... khiến các doanh nghiệp FDI còn e ngại trong quá trình đầu tư .
Trong bối cảnh, FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm, Việt Nam nổi lên như “miền đất” để nhà đầu tư tránh bão. Thời gian qua, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chọn Việt Nam để đầu tư, như Lego đã đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương, hay Apple, Boeing… cũng đang rục rịch xây cứ điểm sản xuất tại Việt Nam.
Vẫn lo ngại thủ tục hành chính
Báo cáo đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa công bố cho thấy, có tới 68,5% doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam có những yếu tố thuận lợi so với các quốc gia khác khiến họ cân nhắc đầu tư tại đây. Tuy nhiên, những thủ tục hành chính, chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công vẫn là những vấn đề nổi lên, cần được khắc phục giúp Việt Nam thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
68,5% doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam có những yếu tố thuận lợi so với các quốc gia khác để cân nhắc đầu tư.
Một trong những vướng mắc mà gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài phản ánh là gặp khó khăn trong việc gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài. Bà Đặng Tuyết Vinh, Trưởng phòng chính sách EuroCham, cho biết trong số các câu hỏi liên quan đến việc xin giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì phổ biến nhất là thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động kéo dài.
Theo quy định chỉ hơn 10 ngày để xin giấy phép cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam, nhưng thực tế các doanh nghiệp có thể mất tới hơn 2 tháng để hoàn tất thủ tục và được cấp giấy phép lao động. Nguyên nhân là do thời gian xem xét kéo dài, nhiều hồ sơ đã đăng tải lên nhưng bị thất lạc…
Theo ông Trung Khuất, đồng Chủ tịch Tiểu ban Nhân lực và Đào tạo EuroCham, trong thời kỳ giữa đại dịch COVID-19, Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 đã được ban hành, đưa ra những quy định nới lỏng hơn trong quá trình xin giấy phép lao động so với các quy định trong Nghị định số 152.
Tuy nhiên, từ 01/01/2023, Nghị quyết số 105 đã chấm dứt hiệu lực, do vậy hồ sơ xin giấy phép lao động lại tiếp tục phải đối diện với thực tiễn thi hành khó khăn theo Nghị định số 152.
“Chúng tôi kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc việc đưa các biện pháp linh động tại Nghị quyết số 105 vào trong Nghị định 152 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, qua đó tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Trung cho biết.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Cophenhagen Infrastruture Partners – CIP (chuyên về năng lượng tái tạo), cho biết cùng với đối tác Việt Nam đang phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3.500 MW tại tỉnh Bình Thuận và song song với đó, đang nghiên cứu phát triển trên 10 GW dự án điện gió ngoài khơi tại cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam.
Không nên quá ‘tô hồng’
“Tương tự các ngành công nghiệp mới khác, ngành điện gió ngoài khơi cần vượt qua các trở ngại ban đầu về kỹ thuật, vận hành và pháp lý”, đại diện CIP đánh giá.
Do đó, Tập đoàn CIP khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng ban hành khuôn khổ pháp lý minh bạch, nhất quán và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư để giúp khởi tạo ngành. Các chính sách cần thiết bao gồm: quy hoạch không gian biển, quy trình cấp phép rõ ràng và nhất quán cho các dự án điện gió ngoài khơi; quy trình lựa chọn nhà đầu tư minh bạch và công bằng; hợp đồng mua bán điện phù hợp và các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư.
“Chính sách và cơ chế cấp phép khảo sát ngoài khơi cần được ưu tiên ban hành sớm để đảm bảo các hoạt động khảo sát có thể bắt đầu trong năm 2023. Đây là điều kiện quan trọng cho mục tiêu phát triển 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
“CIP tin rằng việc Chính phủ nhanh chóng thực thi các cam kết COP 26 và sớm ban hành các giải pháp chính sách phù hợp sản xuất giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, củng cố niềm tin và cam kết của các nhà đầu tư, từ đó đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường điện gió ngoài khơi hấp dẫn nhất thế giới.
Về đầu tư nước ngoài, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định Việt Nam được đánh giá là điểm sáng, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một con số cảnh báo là số vốn đăng ký mới đã có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Năm 2022, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,45 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ. “Chúng tôi đã liên tục cảnh báo đó là xu hướng nguy hiểm trong tương lai”, ông Cung nhấn mạnh rằng, không nên quá lạc quan về việc đón sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc, thay vào đó cần có giải pháp thu hút FDI hiệu quả.
Hơn nữa, Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút FDI. GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết Việt Nam đang có 2 đối thủ cạnh tranh lớn là Ấn Độ và Indonesia. Ấn Độ có nguồn nhân lực dồi dào, đào tạo nhiều kỹ sư nhất thế giới, trong khi tiền lương thấp hơn nhiều, khoảng 60-70% so với Việt Nam, đây là những lợi thế rất lớn của Ấn Độ.
Trong ASEAN, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Indonesia, dân số và GDP gấp 3 lần Việt Nam. Indonesia đã công bố nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư FDI dịch chuyển từ Trung Quốc. “Nếu không tìm cách vượt qua thách thức trên thì không thể tận dụng cơ hội”, ông Mại khuyến nghị.