Việc giá các loại nông sản thô có xu hướng giảm thời gian qua được kỳ vọng là cơ sở để giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, giúp các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi cải thiện biên lợi nhuận trong bối cảnh tình hình tiêu thụ còn nhiều khó khăn, giá bán giảm.
Loạt doanh nghiệp giảm sâu hiệu quả năm 2022
Năm 2022, Công ty CP Tập đoàn Dabaco - DN đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN), giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm - ghi nhận bức tranh kinh doanh kém khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, giảm 81,9% so với năm 2021. So với mục tiêu lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông Dabaco đề ra từ đầu năm, Công ty chỉ thực hiện được 16,3% kế hoạch.
Mặc dù doanh thu thuần hợp nhất năm 2022 của Dabaco đạt 12.269 tỷ đồng, tăng 13,5% so với kết quả thực hiện năm 2021, nhưng giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến biên lợi nhuận gộp hợp nhất giảm về 9,57% từ mức 17,1% của năm 2021. Riêng quý IV/2022, biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 5,11%, giảm mạnh từ mức 12,1% trong quý IV/2021, trở thành nguyên nhân chính khiến Công ty báo lỗ sau thuế 79,1 tỷ đồng trong quý IV/2022 và đây cũng là quý thua lỗ đầu tiên của Công ty trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Bà Nguyễn Thị Huệ Minh, Chánh văn phòng HĐQT Dabaco cho biết, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá lợn hơi giảm trong thời gian dài và nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng giảm mạnh, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty chăn nuôi thuộc Dabaco. Đây là nguyên nhân chính khiến Dabaco ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực trong quý cuối năm qua.
Theo báo cáo ngành chăn nuôi cuối tháng 12/2022 của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research), giá lợn hơi duy trì ổn định trong nửa đầu năm 2022 nhưng vẫn giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021. Dù có đợt tăng đáng kể trong tháng 7 và tháng 8 do thương lái thu mua lợn hơi để xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nhưng đã giảm trở lại khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn đối với thương mại biên giới để kiểm soát Covid-19.
Trong khi tiêu thụ gặp khó khăn thì chi phí đầu vào của DN, đặc biệt là các loại thức ăn chăn nuôi lại chịu áp lực tăng mạnh, đẩy giá vốn hàng bán tăng cao, kéo giảm biên lợi nhuận. Giá nhiều loại nguyên liệu thô như ngô tăng 17% trong năm 2022, lúa mì tăng 60% và đậu tương tăng 10%. Tình hình càng khó khăn hơn trong bối cảnh VND mất giá so với USD. Tính chung năm 2022, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng 38% so với năm 2021 và gấp đôi so với năm 2020.
Nhiều DN trong ngành cũng chung tình trạng thu hẹp biên lợi nhuận do chi phí tăng như Dabaco. Tại Công ty CP Nông nghiệp BaF (BaF), biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi giảm còn 25,4% trong năm 2022 từ mức 36% năm 2021. Riêng quý IV/2022, lợi nhuận gộp giảm sâu, không đủ bù đắp chi phí khiến hoạt động kinh doanh của BaF báo lỗ 6 tỷ đồng. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ thanh lý, nhượng bán tài sản. Kết quả này cũng khiến lợi nhuận sau thuế cả năm của Công ty giảm 9% so với năm 2021.
Theo bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc BaF, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn liên quan đến dịch bệnh và ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu. Giá nguyên vật liệu leo thang trong khi giá heo hơi giảm trong thời gian dài tác động cả hai chiều đến kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty.
Tại Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát, năm 2022, doanh thu mảng nông nghiệp (chủ yếu là chăn nuôi) giảm mạnh xuống 6.758 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 22 tỷ đồng, giảm 15,1% về doanh thu và 97% về lợi nhuận so với năm 2021.
Tại Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi heo năm 2022 cũng giảm mạnh về 24,2% từ mức 34,6% năm 2021.
Giá ngũ cốc trên thị trường thế giới giảm sau khi tạo đỉnh vào cuối quý II/2022, đem đến kỳ vọng giá thức ăn chăn nuôi sẽ hạ nhiệt trong năm 2023. Đơn vị tính: USD/giạ
Kỳ vọng giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt
Giá heo hơi tại nhiều địa phương trên cả nước đến giữa tháng 3/2023 tiếp tục giảm so với đầu năm và hiện đã xuống dưới mức 50.000 đồng/kg. Thậm chí, giá heo năm nay còn biến động trái ngược với quy luật hàng năm khi dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá heo hơi chẳng những không tăng mà còn tiếp tục đi xuống, đan xen có những đợt tăng giá nhưng không đáng kể.
Nguyên nhân của sự đi xuống này được đánh giá đến từ nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm do thu nhập của nhiều người lao động bị ảnh hưởng trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn. Câu chuyện lãi suất tăng cao cũng ảnh hưởng tới năng lực sản xuất của DN và sức mua của người tiêu dùng.
Trong khi đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 vốn được mong đợi sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại qua biên giới, là yếu tố hỗ trợ giá lợn hơi, đến nay chưa diễn ra như kỳ vọng.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ở mức thấp, giá bán giảm và chưa thấy động lực cải thiện, triển vọng lợi nhuận của DN chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào quá trình giảm giá thức ăn chăn nuôi, bởi thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Sau khi đạt đỉnh vào quý II/2022, giá nguyên liệu thô đã giảm tốc trong nửa cuối năm 2022. Bộ phận phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDirect (VNDS Research) đánh giá, có nhiều cơ sở cho kỳ vọng giá thức ăn chăn nuôi giảm trong năm 2023, đặc biệt là khi ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này; giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng.
Theo đánh giá của VNDS Research, dù biến động giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ so với giá nông sản thế giới, nhưng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần trong năm 2023.
SSI Research dự báo chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm trong quý II/2023, giúp các DN chăn nuôi phục hồi biên lợi nhuận sau khi đi qua năm 2022 với rất nhiều khó khăn.
Thực tế, từ đầu tháng 3/2023, một số DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước bắt đầu giảm giá bán. Mức giảm tùy DN, mã sản phẩm, thấp nhất là 100 đồng/kg và cao nhất là 1.100 đồng/kg.