• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 4:15:14 SA - Mở cửa
Thủ phủ chăn nuôi miền Bắc điêu đứng trong cơn 'bão kép'
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam | 22/03/2023 6:00:00 SA
Từ người chăn nuôi đến lãnh đạo một số xã thủ phủ chăn nuôi Hà Nam nhận định: Lợn ăn sổ đỏ, ăn nhà ăn cửa và có khi còn 'ăn' cả mạng người.
 
 
Ghi ở thủ phủ chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc
 
Cứ mỗi dịp ngành chăn nuôi gặp cơn biến động chúng tôi lại về huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, bởi nơi đây không chỉ là vùng chăn nuôi trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng mà còn là chợ lợn lớn bậc nhất cả nước. Tự bao đời nay người dân các xã Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Nội, Bối Cầu, Vũ Bản, Hưng Công, An ninh, Đồng Du… vốn sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi, chính vì thế mà vào những thời điểm bão giá hay dịch bệnh, đi qua những vùng đất này không khí tiêu điều, xơ xác không khác gì vừa trải qua những cơn bão từ thiên nhiên đổ bộ.
 
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã Ngọc Lũ, bà Trần Thị Bốn, cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y của xã này phân trần, các anh xem, chuồng trại đa số bỏ không còn người nuôi lợn số thì vỡ nợ, số bỏ làng đi làm công nhân hết cả rồi. Từ vị thế của một xã chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh Hà Nam, thậm chí nhất khu vực miền Bắc với số hộ nuôi xấp xỉ 1.600 và quy mô đàn khoảng hơn 100.000 con/mỗi lứa, vậy mà bây giờ Ngọc Lũ chỉ còn khoảng 19.000 con, tập trung trong các trang trại chăn nuôi kiểu “hàng xáo” của mười mấy hộ gia đình. Gặp thêm cơn bão này có khi chỉ vài tháng nữa là xã tôi hết lợn.
 
 
Thủ phủ chăn nuôi lợn miền Bắc đồng loạt bỏ chuồng. Ảnh: Hoàng Anh.  
 
“Cơn bão” mà bà Bốn nói đến là một cơn bão kép. Giá lợn tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam những ngày này đang bán dao động từ 47-49 nghìn đồng/kg lợn hơi. Mức giá không đến mức quá rẻ mạt so với quãng thời gian trước, nhưng cái chính là bởi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng vọt từ khoảng hai năm nay khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh khốn cùng. Các chú tính mà xem, một bao cám 25 kg đang bán với giá 350 nghìn đồng, so với năm ngoái đã tăng lên gần gấp đôi, mỗi một con lợn nuôi đến tầm khoảng 1 tạ đã ngốn mất gần 4 triệu tiền cám, cộng với tiền giống, tiền thuốc men, chưa kể công chăm sóc cũng đã lỗ mất từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng rồi. Càng nuôi nhiều càng lỗ nặng, bảo làm sao người dân có thể chịu nổi. Đợt rồi Ngọc Lũ thống kê ít nhất có hơn 70% người dân nuôi lợn đã bỏ chuồng chuyển sang kiếm công ăn việc làm khác. Chuồng nuôi một số cải tạo thành chỗ may do người dân xin việc ở các công ty về làm, số khác bị đập bỏ để trồng cây ăn quả, nói chung nhắc đến lợn ở Ngọc Lũ bây giờ dân chán lắm.
 
Phải rất khó khăn bà Bốn mới đưa chúng tôi tìm được ông Trần Văn Khanh (70 tuổi), một trong số ít hộ dân ở Ngọc Lũ còn bám trụ với nghề nuôi lợn. Và cũng vất vả không kém để ông Khanh mở lòng chia sẻ về cái nghề “chết sạch rồi còn đâu” này.
 
 
Ông Khanh nói về thảm cảnh nghề chăn nuôi lợn ở Ngọc Lũ. Ảnh: Võ Việt. 
 
Từng nuôi khoảng 100 con mỗi lứa nhưng khu chuồng trại gia đình ông Khanh ở đội 5 xã Ngọc Lũ hiện chỉ còn đôi lợn sề và mấy con lợn con. Ông nói rằng cầm cự được đến như thế cũng là rất siêu bởi chỉ trong vòng mấy năm mà người chăn nuôi Ngọc Lũ gặp hết cơn bão này đến cơn bão khác. Ông Khanh kể, từ năm 2017, thời điểm gặp cơ bão giá một 1kg lợn hơi xuống còn 16-17 nghìn đồng đa số người nuôi lợn ở Ngọc Lũ lâm vào cảnh vỡ nợ, xã hội đen kéo đến tróc nã từng nhà khiến không ít gia đình mất nhà mất cửa phải bỏ xứ mà đi. Năm 2018, 2019 hết dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi quét qua đã vét nốt những hộ chăn nuôi còn cố sức gượng gạo. Nhiều gia đình vay mượn cả tỉ đồng đổ vào nuôi lợn cuối cùng lâm cảnh trắng tay, lại vỡ nợ, lại bỏ làng. Đến cơn “bão kép” lần này chắc thủ phủ chăn nuôi lợn Ngọc Lũ không còn ai có thể trụ nổi.
 
Gia đình ông Khanh đã đập bỏ một phần chuồng để chuyển sang trồng cây. Gia đình bà Bốn, “có cán bộ chăn nuôi thú y trong nhà” thế mà vẫn lỗ. “Hạch toán chi li ra bây giờ bán 3 xe lợn mới bằng 1 xe ngày trước. Dân Ngọc Lũ vốn chỉ quen với nghề chăn nuôi, tất cả đều trông vào lợn. Công lớn việc bé gì cũng chờ bán lợn để làm, nhưng bây hạch toán ra lỗ gắp 2, gấp 3 ngày trước không còn ai chịu nổi. Nuôi nhiều lỗ nhiều, nợ nhiều, nhà tôi nợ gần 20 triệu tiền nuôi lợn bao năm nay rồi có trả nổi đâu”, cán bộ chăn nuôi thú y xã Ngọc Lũ chua chát nói.
 
 
Đàn lợn hiếm hoi còn sót lại của gia đình ông Khanh. Ảnh: Võ Việt. 
 
Cạnh xã Ngọc Lũ là Bồ Đề cũng là xã chăn nuôi tốp đầu của huyện Bình Lục. Ông Trần Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã ngán ngẩm: Nói chuyện vỡ nợ, phát điên cởi truồng đi ngoài đường vì lợn mãi rồi, gia đình tôi cũng đang nợ đại lý mấy trăm triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi chưa biết lấy gì để trả đây. Nhà nước phải làm sao đó để hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi sớm chứ cứ như thế này dân không thể nào chịu nổi. Lợn ăn sổ đỏ, ăn nhà ăn cửa, có khi còn “ăn” cả mạng người mất thôi.
 
Bồ Đề là xã thuần nông, xấp xỉ 2.200 hộ dân sống dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Vào lúc cao điểm có hơn một nửa xã Bồ Đề nuôi lợn với tổng đàn khoảng hơn 30.000 con, còn lại là trồng trọt, nuôi gà, nuôi vịt, nuôi cá… Đa số hộ chăn nuôi đều phải vay vốn ngân hàng, nhiều thì 2-3 tỉ đồng, ít cũng tầm hai ba trăm triệu. Liên tiếp hứng bão, đến thời điểm này ông Trần Hữu Ngọc nói nếu ngân hàng không “tranh tối tranh sáng” tạo điều kiện cho người chăn nuôi khoanh nợ, kiếm tiền trả lãi thì chỉ có nước thắt cổ, nhảy cầu chứ không gì có thể cứu vãn được.
 
“Giá cả thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt thế này thì nuôi lợn chết, nuôi cá chết, nuôi vịt cũng chết không kịp giãy. Ví dụ nuôi vịt trang trại chẳng hạn, bình thường 1kg vịt chi phí hết khoảng 30 nghìn, trong đó 7-8 nghìn tiền giống, còn lại là tiền thức ăn. Nuôi lợn, nuôi cá cũng đều như thế cả. Giá bán không phải quá thấp nhưng do giá thành cao, chủ yếu là thức ăn chăn nuôi tăng vọt khiến người dân không chết cũng ngắc ngoải”, Phó Chủ tịch UBND xã Bồ Đề nói.
 
Cơn bão vỡ nợ chực chờ
 
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Bình Lục, vào thời kỳ cao điểm, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện vào khoảng gần 250.000 con mỗi lứa, giá trị kinh tế từ lợn vào khoảng 1.600 - 1.700 tỉ đồng/năm. Vậy mà bây giờ ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Lục chia sẻ: Tổng đàn lợn của huyện chỉ còn xung quanh 100.000 con, mấy đợt “bão” như thế nông hộ cơ bản “chết” hết rồi, không còn lại mấy. Đợt “bão” này chủ yếu vẫn là do giá thức ăn chăn nuôi quá cao, cộng với giá lợn hơi xuống thấp khiến người chăn nuôi gặp lỗ nặng. Chính vì vậy nếu giảm được thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi xuống, từ đó giảm giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi thì không chỉ người nuôi lợn mà các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản khác cũng đỡ vất vả.   
 
 
Người dân Bình Lục chuyển hướng sang nuôi lợn kiểu "hàng xáo". Ảnh: Võ Việt. 
 
“Bão giá” thức ăn chăn nuôi ở Bình Lục bắt đầu xuất hiện từ hai năm trước khi giá bán mỗi bao cám 25 kg tăng từ 200.000 đồng lên 250.000 đồng. Kể từ bấy đến nay, theo thống kê của người chăn nuôi, giá cám đã tăng hàng chục lần liên tiếp. Lúc nhiều lúc ít, giá hiện tại của loại cám người dân đang sử dụng phổ biến là 350.000 đồng/25kg. Thực trạng khiến các nông hộ lần lượt chết dần chết mòn. Phần lớn người chăn nuôi ở Bình Lục bỏ chuồng, mỗi xã chỉ còn tầm 10 – 20 trang trại nuôi theo kiểu hàng xáo. Vay mượn ngân hàng vào tận miền Nam mua loại lợn khoảng 1 tạ mang về vỗ béo độ mười ngày rồi xuất chuồng. Nhằm lúc giá cả ổn định cũng khấm khá được một thời gian nhưng thời gian gần đây khi giá thức ăn chăn nuôi phi mã, gần như không còn trang trại nào trụ nổi.
 
Hộ ông Trần Thiện Thảo (41 tuổi) ở thôn 4 là một trong hơn 10 chủ hộ trang trại ở xã Bồ Đề. Gần 20 năm nuôi lợn bây giờ ông Thảo phàn nàn cưỡi lên lưng hổ thì phải theo chứ oải quá rồi, không vỡ nợ thì cũng bán mạng cho các đại lý, công ty thức ăn chăn nuôi.
 
Tổng cộng đàn lợn gia đình ông Thảo bây giờ có hơn 300 con, trong đó có 100 con nuôi nái, 200 con nuôi theo kiểu hàng xáo. Trung bình cứ mỗi ngày thức dậy là mất 7 triệu đồng tiền cám. Khốn nạn ở chỗ thời điểm gần xuất chuồng là lúc lợn khỏe ăn nhất, càng ăn càng lỗ. Như “giấc” này bán 200 con loại lợn hàng xáo lỗ 1 triệu đồng/con, 100 con lợn nái lỗ đỡ hơn, chỉ khoảng 800.000 đồng/con.
 
 
Ông Trần Thiện Thảo và "cục nợ" hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Võ Việt. 
 
“Nếu giá cám chỉ tầm 250.000/bao 25kg như thời điểm trước thì người chăn nuôi có lãi, chứ giá này đúng là không có cách gì. Ngân hàng không dám cho vay, đại lý, công ty giờ người ta cũng sợ không cho mình mua nợ nữa, chỉ có cách vay mượn anh em họ hàng, nhưng khổ nỗi ai cũng dính vào lợn nên ôm chừng này lợn, tính ra tiền cũng nhiều nhưng là tiền nợ cả đấy chú ơi”, ông Thảo lắc đầu ngán ngẩm.
 
Chúng tôi rảo một vòng quanh chợ đầu mối gia súc gia cầm tỉnh Hà Nam, thông tin giá cám, giá lợn được cập nhật liên tục nhưng vẫn chưa có tín hiệu nào khả quan đối với người chăn nuôi cả. Từ thương lái đến ban quản lý khu chợ này đều nhận định, chỉ cần giá thức ăn chăn nuôi giảm sẽ cứu được thủ phủ lợn lớn nhất miền Bắc, tuy nhiên không ai biết ngày mai sẽ như thế nào. 
 
Họ nói rằng, 10 ông nuôi lợn thì 9 ông nợ lãi, một cơn bão vỡ nợ đang chực chờ ập xuống Bình Lục, Hà Nam.