Trong điều kiện hiện nay, các bên tham thị trường đang tận dụng thời gian để đánh giá lại năng lực, cơ hội lẫn rủi ro của danh mục tài sản. Nếu nắm bắt và đáp ứng được xu thế mới, đây sẽ là thời điểm để thị trường bất động sản Việt Nam bước vào chu kỳ phát triển mới, bền vững, ổn định hơn…
Ảnh minh họa.
Đối với phân khúc bất động sản văn phòng, bà Nhung Vũ, Phó Giám đốc dịch vụ văn phòng Colliers Việt
Nam, cho biết dù mô hình văn phòng truyền thống vẫn chiếm ưu thế tại Việt Nam, nhưng xu hướng làm việc linh hoạt ngày càng được chấp nhận rộng rãi. Điều này đặt ra yêu cầu cần tái thiết không gian làm việc theo hướng bền vững, linh hoạt mà vẫn đảm bảo gắn kết nội bộ.
Theo Báo cáo triển vọng nhân sự 2023 của Universum, các công việc linh hoạt sẽ dẫn đầu thị trường tuyển dụng từ năm 2023 trở đi. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có cách tiếp cận khác nhau tùy tính chất ngành nghề. Trên thế giới, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, công nghệ thông tin… đã cho phép chia nhỏ thời gian biểu đến văn phòng, làm theo yêu cầu công việc, hoặc để nhân viên tùy chọn.
“Trước những nhu cầu mới, các nhà phát triển và đơn vị tư vấn phải đánh giá lại, làm mới và đa dạng hóa mặt bằng cũng như dịch vụ cho thuê văn phòng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách thuê”, chuyên gia nhận xét.
Ngoài ra, thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam cũng có tiềm năng rất dồi dào bởi nhiều thương hiệu lớn vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô. Theo chuyên gia Colliers, Aeon Mall Việt Nam vừa khởi công Aeon Huế, sau đó nhận phê duyệt quy hoạch cho dự án Aeon Hoàng Mai – Hà Nội. Tiếp theo, Central Retail công bố đầu tư 25%-30% trong tổng số 28 tỷ baht, tương đương gần 800 triệu USD cho thị trường Việt Nam, với 5-7 trung tâm thương mại mới vận hành vào năm 2024.
“Thực tế diện tích mặt bằng bán lẻ trên đầu người của Việt Nam còn khá thấp, giá thuê mặt bằng bán lẻ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, vì chủ đầu tư nhân có lợi thế cầu vượt cung”, chuyên gia phân tích.
Còn về loại hình chung cư, nhà phố (nhà ở đa gia đình) thực tế đang dẫn đầu mức độ quan tâm trong xã hội, nhưng nguồn cung và giá bán, cũng như thanh khoản dự kiến tiếp tục khó khăn đến ít nhất quý 3/2023. Tâm lý thị trường nhìn chung sẽ theo hướng đòi hỏi tính minh bạch và tập trung vào dự án ở phân khúc tầm trung với giá hợp lý. Thị trường tăng trưởng mạnh hơn ở khu vực có khu đô thị, khu dân cư mới gần khu công nghiệp. Loại hình nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội kỳ vọng nhận được nhiều sự quan tâm. Xét ở góc độ đầu tư, thị trường bất động sản nhà ở vẫn duy trì sức hấp dẫn đối với dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.
Đặc biệt, với loại tài sản phòng thủ được đánh giá cao là bất động sản công nghiệp (nhà máy, kho bãi, hậu cần), chuyên gia Collier cho rằng, “Dù nguồn cung đất cho thuê trong khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, và còn vướng mắc ở thủ tục, nhưng đây sẽ là loại hình sôi động nhất thị trường Việt Nam năm nay”.
Đưa ra dự báo, Savills Việt Nam nêu, nhu cầu thuê đất công nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao trong 2023. Đáng chú ý là xu hướng gia tăng đầu tư cho các sản phẩm chuyên biệt như: nhà kho xây sẵn, nhà xưởng xây sẵn, logistics (kho bãi hậu cần)…
Bình luận tiềm năng của lĩnh vực này ở Việt Nam, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp Savills, khẳng định thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như: kho lạnh và logistics…
“Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối và triển khai hệ thống logistics 4.0. Hơn nữa, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh tại Việt Nam là điểm các chủ đầu tư có thể tận dụng để phát triển thêm dự án mới, tăng nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu, nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm rất thu hút đầu tư”, vị Phó Giám đốc Savills Việt Nam nhấn mạnh.