Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời công văn của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.
VCCI đánh giá nhiều quy định trong dự thảo Nghị định Luật Dầu khí không minh bạch. (Ảnh minh họa)
Về việc lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí, dự thảo hiện quy định theo hướng các tổ chức đủ năng lực chủ động đề xuất thực hiện các đề án điều tra cơ bản về dầu khí cho từng giai đoạn 5 năm tiếp theo và gửi hồ sơ về Tập đoàn Dầu khí. Tập đoàn sẽ lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện đề án (Điều 3.3 của Dự thảo) và báo cáo Bộ Công Thương để đưa vào danh mục đề án điều tra điều tra cơ bản về dầu khí.
Theo đánh giá của VCCI, quy định này chưa rõ ràng về hình thức lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí. Trong trường hợp có nhiều tổ chức cùng đủ điều kiện và đề xuất các đề án giống nhau hoặc có sự chồng lấn với nhau thì không rõ Tập đoàn Dầu khí sẽ tiến hành lựa chọn như thế nào. Việc thiếu vắng quy định này có thể dẫn đến sự tùy tiện trong quá trình thực hiện, thậm chí gây tranh chấp, xung đột giữa các bên liên quan.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về phương thức lựa chọn khi các đề án được đề xuất có nội dung trùng lặp hoặc chồng lấn.
Ngoài ra, theo VCCI, tại Điều 4 của dự thảo quy định về điều kiện của tổ chức chủ trì thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, trong đó điều kiện thứ nhất về năng lực tài chính và điều kiện thứ 2 về máy móc, thiết bị, nhân lực là chưa đủ minh bạch.
VCCI đánh giá quy định này mới chỉ xác định được hình thức hồ sơ (báo cáo gì, thư bảo lãnh gì) chứ chưa xác định được năng lực tài chính như thế nào (bao nhiêu tiền) mới đủ điều kiện. Theo quy định tại Điều 10.4 của Luật Dầu khí thì việc lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện trước khi phê duyệt dự toán chi phí. Như vậy, không có cơ sở nào để xác định năng lực tài chính như thế nào là đủ để thực hiện đề án.
Cùng với đó, Điều 4.2 quy định “có phương án huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thực hiện đề án”. Theo đánh giá của VCCI quy định này cũng không rõ máy móc, thiết bị, nhân lực như thế nào là đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thực hiện đề án.
“Các quy định không minh bạch này có thể dẫn đến tùy tiện trong quá trình áp dụng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ, hoặc quy định chi tiết hơn 2 điều kiện này”, VCCI đánh giá.