Theo thông tin mới nhất từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc vừa công bố cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực vào Trung Quốc...
Cửa khẩu Móng Cái đủ điều kiện nhập khẩu lương thực vào Trung Quốc
Các địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực theo quy định của nước này. Trong đó, cửa khẩu Đông Hưng (cầu Bắc Luân 2 - phía Việt Nam là cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chính thức trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực vào Trung Quốc.
Theo đó, lượng lương thực được làm thủ tục thông quan sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Đông Hưng, đạt tối đa là 200 ngàn tấn/năm. Địa điểm giám sát nhập khẩu lương thực được chỉ định tại khu vực cửa khẩu Đông Hưng gồm: Nơi kiểm hóa chuyên dụng đối với lương thực nhập khẩu, phòng kỹ thuật giám sát, quản lý của hải quan, kho lấy mẫu chuyên dụng và khu vực xử lý kiểm dịch với 4 điểm kiểm hóa khép kín, kho chuyên dụng có diện tích 400 m2.
Như vậy, cùng với của khẩu Hữu Nghị Quan, phía Việt Nam là cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), Việt Nam có hai cửa khẩu đường bộ được phép xuất khẩu lương thực sang Trung Quốc. Sau khi đưa vào hoạt động, cửa khẩu Đông Hưng (phía Việt Nam là cầu Bắc Luân 2 - cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) sẽ trở thành một trong những cửa khẩu nhập khẩu lương thực từ các nước ASEAN.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), mỗi năm Việt Nam sản xuất từ 43 - 44 triệu tấn lúa, tương đương 22-23 triệu tấn gạo. 15% sản lượng gạo Việt Nam được xuất khẩu đi các nước. Tổng kết năm 2022 cho thấy, trong bối cảnh lạm phát và bất ổn về kinh tế toàn cầu Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn giữ được đà tăng trưởng trong xuất khẩu gạo (năm sau cao hơn năm trước). trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỷ USD, Cùng với năng suất được năng cao, chất lượng ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sạch, bền vững.
Trung Quốc là thị trường truyền thống với nhu cầu tiêu thụ rất cao đối với nông sản Việt Nam. Tuy nhiến, quốc gia đông nhất thế giới này cũng đang liên tục có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,…
Hiện tại có khoảng 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo chính ngạch vào Trung Quốc nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định. Hải quan Trung Quốc hiện có thể truy xuất rõ ràng sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép nên các đơn vị xuất khẩu không có cơ hội để gian dối trong hoạt động này.
Đồng thời, cũng cần lưu ý thị trường Trung Quốc mỗi năm cần nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo nhưng có đến 90% là gạo thường, phổ thông và chỉ có vài % là gạo cao cấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường Trung Quốc để quan sát biến động thường xuất hiện từ phía Trung Quốc, giảm thiểu trường hợp khi đưa hàng lên cửa khẩu lại phải quay đầu sẽ rất tốn kém.