Trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao vừa khánh thành của Lazada rộng gần 20.000m2, có thể xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày, mức độ tự động hóa đến 99% nhờ công nghệ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine learning (máy học).
Lazada Logistics - công ty con của Lazada Việt Nam vừa công bố khánh thành Lazada Logistics Park với tâm điểm là Trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao, đồng bộ và hiện đại tại KCN Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương.
Đại diện hàng cho biết, với tổng diện tích gần 20.000m2, trung tâm phân loại mới của Lazada có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99%.
Công suất trên đạt được nhờ Trung tâm đã áp dụng hệ thống công nghệ hiện đại, tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learning (học máy) để tối ưu hiệu suất và nguồn lực vận hành.
Lazada Logistics Park chính thức được Lazada đưa vào hoạt động từ ngày 23/3.
Lazada Logistics đã đưa vào hệ thống phân loại này các cảm biến và phần mềm điều khiển quy trình nhiều bước để những sai sót thủ công thường gặp trước kia được loại bỏ kịp thời. Qua đó, hệ thống giúp giảm chi phí liên quan đến việc hoàn trả sản phẩm, tăng mức độ tin cậy và hài lòng của khách hàng.
Logistics Park Sóng Thần được trang bị hệ thống băng chuyền hiện đại 2 tầng với công suất xử lý tới 45.000 bưu kiện mỗi giờ.
Hệ thống này cũng được tăng cường khả năng theo dõi và truy xuất đơn hàng nhờ việc tích hợp với các công nghệ quét mã vạch hiện đại và hệ thống quản lý kho tự động, giúp theo dõi chính xác lượng hàng tồn kho và tình trạng của từng bưu kiện; từ đó dễ dàng quản lý đơn hàng và tăng cường khả năng truy xuất sản phẩm trong quá trình vận chuyển.
Khu vực phân loại hàng hoá lên dây chuyền.
Tại lễ khánh thành, ông Vũ Đức Thịnh – Giám đốc Logistics của Lazada Việt Nam nhìn nhận: "Trung tâm phân loại mới này không chỉ là bước đột phá trong quá trình phát triển của Lazada Logistics, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành logistics thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung".
Theo ông Thịnh, với trung tâm phân loại mới, Lazada kỳ vọng mang đến cho khách hàng sự tiện ích và trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt nhất, với tốc độ giao hàng nhanh chóng và đáng tin cậy nhất. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc xây dựng một hệ sinh thái logistics TMĐT bền vững, thiết lập các tiêu chuẩn mới và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển chung của ngành tại Việt Nam.
Quyết vượt qua vị trí "á quân"
Trong hơn một thập kỷ xuất hiện tại Việt Nam, cùng với nhiều chiến lược để đẩy mạnh doanh thu, thị phần - Lazada cũng đã bỏ những khoản đầu tư lớn vào xây dựng cơ sở hạ tầng logistics hiện đại và bền vững.
Gần nhất, cuối năm 2022, Lazada Logistics cũng đã chính thức cho ra mắt giải pháp giao hàng đa kênh dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến. Hệ thống theo dõi đơn hàng theo thời gian thực cho phép các nhà bán hàng trên app có thể nắm rõ hành trình của đơn hàng. Cùng với dịch vụ hỗ trợ giao lại nhiều lần, nhà bán hàng có thể dễ dàng quản lý chiến lược kinh doanh đa kênh, đồng thời đảm bảo trải nghiệm thông suốt cho người mua.
Đến nay, Lazada Việt Nam đang sở hữu hệ thống trung tâm phân loại, kho bãi lưu trữ, xử lý hàng hóa và mạng lưới bưu cục rộng hơn 150.000m2. Đồng thời, nền tảng TMĐT này cũng xây dựng nhiều trung tâm chia, chọn khác nhau tại TP.HCM và Hà Nội - cùng mạng lưới hàng trăm bưu cục trải khắp các tỉnh thành để có thể ngày càng rút ngắn hành trình xử lý, di chuyển của hàng hoá.
Bảng xếp hạng Top 5 sàn TMĐT theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội năm 2022. Nguồn Reputa
Tuy nhiên, theo báo cáo ngành TMĐT năm 2022 được Reputa công bố gần đây, Shopee hiện mới là sàn TMĐT phổ biến và có thị phần lớn nhất tại Việt Nam; đồng thời ngày càng "vượt mặt" Lazada về độ nhận diện trên các nền tảng số.
Cụ thể, dẫn lại báo cáo liên quan của Metric, với thống kê doanh số 4 sàn TMĐT hàng đầu là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo năm 2022 - Reputa nhận định - Shopee hiện là sàn TMĐT phổ biến nhất Việt Nam khi chiếm gần 73% tổng doanh số của 4 sàn này, tương đương với 91.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Lazada - đối thủ cận kề nhất của Shopee chỉ có với doanh thu khoảng 26,5 nghìn tỷ, chiếm 20%. Còn Tiki - sàn TMĐT "made in Vietnam" nổi bật nhất thì chỉ chiếm khoảng 5% thị phần với doanh thu (của 4 sàn được thống kê) tương đương 5.700 tỷ đồng.
Việt Nam hiện là quốc gia tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Theo thống kê từ Kepios, năm 2022, trong số 72 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam thì có đến 52 triệu người đang sử dụng TMĐT, tăng 13,5% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, chi tiêu hàng năm cho TMĐT là 12,4 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ.
Còn theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tới cuối năm 2022, ước tính số người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam khoảng từ 57 - 60 triệu người. Giá trị mua sắm trung bình của một người từ 260 - 285 USD, ứng với 7 triệu đồng.