Những giải pháp thiết thực và cụ thể tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ được đánh giá là sẽ gỡ khó toàn diện và tạo lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Nhà ở xã hội tại Mê Linh, Hà Nội do HUD làm chủ đầu tư. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Sau khi gỡ "điểm nghẽn" trái phiếu cho doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Những giải pháp thiết thực và cụ thể này được đánh giá là sẽ gỡ khó toàn diện và tạo lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
* Tạo động lực mới
Chính phủ xác định tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Cụ thể là hoàn thiện thể chế; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; nguồn vốn tín dụng; nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương; thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản.
Để tạo động lực mới cho thị trường bất động sản, các khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn; trong đó, tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, tiến hành tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản.
Cùng đó, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường quá “nóng" hoặc quá "lạnh", giữ cân đối cung - cầu, đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chi Minh - ông Lê Hoàng Châu đánh giá: Nghị quyết số 33/NQ-CP lần này đặc biệt tác động vực dậy niềm tin thị trường. Chính phủ đã đánh giá chính xác tình hình thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
“Điều quan trọng nhất là tại Nghị quyết số 33/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn bó hữu cơ với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới và nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp và đứng trước những thách thức rất lớn với các nhân tố bất định, khó lường” – ông Châu phân tích.
Các tòa nhà chung cư bên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt - TTXVN
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp rất đúng, rất trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh; chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản theo quan điểm “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”.
* Gỡ điểm nghẽn
Các chuyên gia nhận định, Nghị quyết số 33/NQ-CP đã tập trung tháo gỡ hai vướng mắc cơ bản của thị trường bất động sản là pháp lý và nguồn vốn.
Liên quan đến “điểm nghẽn” pháp lý, các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế phải được tháo gỡ. Do đó, tại Nghị quyết này, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và ban hành 4 nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đầu tư, nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng và quy định về trình tự, thủ tục triển khai dự án nhà ở thương mại, khu đô thị…
Trong số đó, có việc tháo gỡ vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá…. Đồng thời, tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường.
Bên cạnh đó, Nghị quyết khẳng định phải tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… để khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.
Trên thực tế, suốt thời gian qua, dòng vốn luôn là điểm nghẽn lớn của thị trường bất động sản. Nhưng trong Nghị quyết số 33/NQ-CP đã đề cập đến việc giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ, dự án đáp ứng nhu cầu thực, thanh khoản tốt được tạo điều kiện vay vốn… Điều này đã mở ra hành lang pháp lý để doanh nghiệp đang gặp khó có thể tiếp cận được dòng vốn, từ đây tái cơ cấu và khôi phục lại hoạt động.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hoà - ông Trần Khánh Quang chia sẻ, Chính phủ đồng ý cho cơ cấu lại nợ để doanh nghiệp xoay xở dòng tiền tiếp tục hoặc chính sách về trái phiếu tức là đồng ý cho gia hạn trái phiếu đến hạn thêm hai năm nữa. Điều này hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp. Rõ ràng doanh nghiệp có những tài sản rất tốt nhưng dòng tiền lại đang “chững” ở đây nên việc tháo gỡ này sẽ giúp cho doanh nghiệp có lượng tiền mặt để tiếp tục hoạt động ổn định.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung - Tổng giám đốc SGO Home cho rằng, có hai khó khăn lớn nhất trên thị trường bất động sản hiện nay là khan hiếm nguồn cung do vướng mắc pháp lý và thiếu hụt dòng tiền.
“Khi pháp lý chồng chéo, mâu thuẫn việc phê duyệt, cấp phép dự án kéo dài khiến nguồn cung trên thị trường bị ảnh hưởng. Càng ngày, thị trường càng ghi nhận ít nguồn cung bất động sản khiến chênh lệch cung - cầu tăng cao, đẩy giá bất động sản tăng nóng” – đại diện doanh nghiệp phản ánh.
Theo ông Chung, về nguồn vốn, do khó tiếp cận vốn tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu khiến doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền. Quy luật trước đây, dòng tiền luân chuyển từ ngân hàng (tín dụng), cá nhân (trái phiếu, người mua trả trước) sang doanh nghiệp và quay vòng liên tục. Nhưng nửa năm trở lại đây, dòng tiền "nằm" ở ngân hàng và cá nhân, không còn quay trở lại doanh nghiệp vì khi hai kênh huy động vốn khác là chứng khoán và trái phiếu đều khó khăn và niềm tin ở người dân thì đang suy giảm.
Bởi vậy, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cùng việc cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn nợ, chủ động thương lượng với trái chủ tại Nghị quyết 33 là giải pháp hợp lý và cần thiết. Các chuyên và doanh nghiệp đều chung kỳ vọng, những giải pháp của Chính phủ trong thời gian gần đây, nhất là Nghị quyết số 33/NQ-CP sẽ tháo gỡ khó khăn một cách toàn diện, đưa thị trường bất động sản vào đúng lộ trình phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững./.