Kết quả khảo sát bức tranh triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp vừa được Vietnam Report công bố mới đây chỉ ra rằng, lo ngại về suy thoái toàn cầu sẽ diễn ra (93,9%) là rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm tới.
Theo khảo sát, cộng đồng doanh nghiệp vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch, cần tích lũy để phục hồi, nhưng lại phải đương đầu với nhiều cú sốc như: tình hình xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và EU, lạm phát tăng cao… Sự kết hợp cùng lúc của nhiều cú sốc đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Nhiều tổ chức dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc trong năm 2023. GDP thế giới năm nay được Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng ở mức 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3% mà WB công bố hồi tháng 6/2022.
Trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro; lãi suất, tỷ giá đều phải điều chỉnh tăng. Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn từ phát hành trái phiếu, do ảnh hưởng của khủng hoảng niềm tin… 69,7% số doanh nghiệp cho rằng, giá cả chi phí đầu vào, chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, vật tư tăng cao..., là “chướng ngại vật” mà doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt trong năm nay. Các khó khăn tiếp theo bao gồm: quan ngại từ thiên tai, dịch bệnh khó lường (36,4%); áp lực đơn hàng giảm, triển vọng xuất khẩu kém (33,3%); khó khăn trong tuyển dụng được nhân tài phù hợp với yêu cầu lao động của doanh nghiệp (33,3%).
Mặc dù có nhiều lo ngại về một tương lại ảm đạm, nhưng theo chia sẻ của các chuyên gia và doanh nghiệp, vẫn còn có cơ sở cho những kỳ vọng tích cực. Đặc biệt, vào nửa sau của năm 2023, triển vọng của nền kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn khi mối lo ngại lạm phát dần được giải tỏa và các ngân hàng trung ương đi đến chu kỳ cuối của chính sách thắt lưng buộc bụng. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt mức 6,3%, cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo rất tích cực về tăng trưởng của toàn nền kinh tế nước ta với tốc độ 7,2% trong cả năm 2023.
Với việc Việt Nam đã có những “nước cờ” tốt, trở thành một đối tác đáng tin cậy, nhanh nhạy và nổi lên như một nền kinh tế kiên cường trong thế giới đầy bất ổn vào năm 2022, các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực đã trở nên linh hoạt hơn và tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Động lực từ mức FDI cao trong năm 2022, đặc biệt là tỷ lệ FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, các dự án phức hợp sản xuất hoặc nghiên cứu phát triển (R&D) ngày càng tăng, được kỳ vọng sẽ có tác động lan tỏa công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước, cũng như tiềm năng để các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI lớn.
Hơn nữa, việc đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc tái mở cửa vào năm 2023 tạo thêm cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt. Động thái mở cửa của thị trường đông dân nhất thế giới sẽ giúp hàng hóa, kể cả nông sản lẫn sản phẩm công nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu tương đối mạnh mẽ sang Trung Quốc. Việc xuất nhập khẩu thuận lợi hơn sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí logistics, từ đó tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và giảm áp lực về lạm phát.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch sôi động trở lại cũng tạo thêm xung lực mới cho tăng trưởng năm 2023 khi tính chung hai tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước.
Một động lực khác được kỳ vọng là tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới. Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất (FAST500), đa số đều giữ một thái độ thận trọng về triển vọng tăng trưởng trong năm 2023 (Hình 1). Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch dự kiến trong năm nay, 62,5% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh và 37,5% doanh nghiệp muốn giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.
Hình 1: Đánh giá về triển vọng tăng trưởng năm 2023 từ góc nhìn của doanh nghiệp FAST500
Nguồn: Vietnam Report
Nhận diện về các cơ hội trong năm mới, 72,7% số doanh nghiệp kỳ vọng tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng và nắm bắt được xu hướng thị trường sẽ là động lực lớn nhất đóng góp cho sự “vươn mình” của doanh nghiệp trong năm 2023. Cùng với đó, những cái tên còn lại trong top 6 động lực đóng góp cho sức tăng trưởng doanh nghiệp trong năm 2023 bao gồm: Sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh (54,5%), Đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao (51,5%), Vị thế và năng lực cạnh tranh (42,4%), Có mối quan hệ tốt với đối tác và khách hàng 42,4% và Trung Quốc mở cửa trở lại (39,4%).
6 trụ cột tăng trưởng
Trong 6 trụ cột được kỳ vọng là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2023, có tới 5 yếu tố đến từ nội lực của doanh nghiệp. Động lực bên ngoài duy nhất lọt top là “Trung Quốc mở cửa trở lại” cũng nằm ở vị trí cuối. Kết quả này khá tương đồng với nhận định phía trên của các doanh nghiệp khi cho rằng, các yếu tố đến từ nội lực doanh nghiệp đã đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng trong năm qua. Ngoài ra, động lực được doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng nhất là tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng, nắm bắt được xu hướng thị trường cũng là động lực có tỷ lệ bình chọn tăng cao nhất so với kết quả khảo sát năm ngoái, từ 53,5% lên 73,0%.
Vào năm 2023 khi thị trường được dự đoán là có tính cạnh tranh cao và thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp tin tưởng việc có một tầm nhìn và chiến lược kinh doanh rõ ràng và hiệu quả có thể có tác động đáng kể đến sự phát triển của doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thể duy trì sự tập trung vào mục tiêu cốt lõi, khả năng thích ứng và phù hợp với xu hướng thị trường, định vị mình để phát triển và thành công.
Hình 2: Top 6 cơ hội đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp FAST500 trong năm 2023
Nguồn: Vietnam Report
Về tiềm năng tăng trưởng của các ngành, công nghệ thông tin vốn đã là “ngôi sao” trong mấy năm gần đây, lại là ngành ít chịu ảnh hưởng từ lãi suất cao trong thời gian qua, tiếp tục được các doanh nghiệp đặt niềm tin lớn nhất về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới với 63,6% doanh nghiệp lựa chọn. Tiếp theo, với động thái dỡ bỏ chính sách chính sách zero-covid của đối tác lớn Trung Quốc, 60,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng Du lịch/Khách sạn/Giải trí sẽ có sức bật trong năm 2-3 năm tới. Đây cũng là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đặt niềm tin vào tăng mạnh nhất so với kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022, tăng 28,0%.
Bên cạnh đó, mặc dù từ giữa năm 2022, ngành vận tải biển “đảo chiều” mạnh, giá cước vận chuyển giảm sâu trở về thời điểm trước đại dịch, 48,5% số doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin Vận tải/Logistics sẽ có những tín hiệu tích cực trong tương lai. Ở chiều ngược lại, Bất động sản-Xây dựng và Tài chính/Ngân hàng/Bảo hiểm là những ngành được dự báo không tích cực trong năm 2023 với tỷ lệ sụt giảm đáng kể so với cách đây một năm.
Hình 3: Những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2 - 3 năm tới theo đánh giá của doanh nghiệp FAST500
Nguồn: Vietnam Report
Chiến lược của doanh nghiệp trong năm 2023: Tập trung củng cố nguồn lực, tái thiết để tăng trưởng
Các doanh nghiệp FAST500 ưu tiên 5 chiến lược chủ đạo để vượt qua thách thức trong thời gian này, đó là: Tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự (78,1%); Tăng cường hệ thống quản trị rủi ro (59,4%); Phát triển các dòng sản phẩm và dịch vụ mới (50,0%); Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh (43,8%) và Tái cấu trúc doanh nghiệp (43,8%).
Hình 4: Top 5 ưu tiên về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2022 và năm 2023
Nguồn: Vietnam Report
Đáng chú ý, Tái cấu trúc doanh nghiệp đã vươn lên lọt top 5 chiến lược của doanh nghiệp trong năm nay. Phân bổ lại nguồn lực, thu hẹp hoạt động nếu không mang lại hiệu quả cao, đồng thời mở rộng những lĩnh vực kinh doanh tiềm năng có thể giúp các doanh nghiệp hợp lý hóa hoạt động và loại bỏ hạng mục dư thừa, qua đó tiết kiệm chi phí, giảm nợ vay, cải thiện dòng tiền và tăng khả năng sinh lời; đồng thời, giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi của thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tái cấu trúc có thể là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải lập kế hoạch và thực hiện cẩn thận để thành công.
Câu chuyện phát triển bền vững – Góc nhìn từ doanh nghiệp FAST500
Trong bối cảnh thực hiện phát triển bền vững cũng như tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero của chính phủ vào năm 2050, các doanh nghiệp FAST500 ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của các tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) và sẵn sàng bắt tay vào hành trình thực thi chiến lược này.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tính đến thời điểm hiện tại, có 85,1% doanh nghiệp được khảo sát đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG. Cụ thể, 14,8% doanh nghiệp cho biết họ đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG, 37,0% doanh nghiệp cho biết đã lập kế hoạch và triển khai toàn diện cam kết, 33,3% doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch, trong khi số doanh nghiệp không đặt ra cam kết ESG hoặc không có kế hoạch cụ thể chỉ chiếm 14,8%. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đối với các vấn đề chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, với một phần ba số doanh nghiệp có cam kết ESG thừa nhận mới đang ở giai đoạn lập kế hoạch, vẫn còn một chặng đường dài từ nhận thức tới hành động thực tế.
Hình 5: Tình hình triển khai cam kết ESG của doanh nghiệp FAST500
Nguồn: Vietnam Report
Chặng đường theo đuổi ESG của doanh nghiệp vẫn đương đầu với khá nhiều trở ngại. 83,3%% doanh nghiệp thừa nhận Chưa có đầy đủ thông tin là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi cam kết và thực hành ESG. Nếu không nắm bắt đủ dữ liệu và thông tin chi tiết, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc xác định và ưu tiên các vấn đề về ESG, thiết lập các mục tiêu và số liệu có ý nghĩa, đồng thời đo lường và báo cáo tiến độ của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Thông tin không đầy đủ cũng có thể cản trở khả năng của doanh nghiệp trong việc tương tác với các bên liên quan, xây dựng niềm tin, quản lý các cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG.
Do đó, việc được cung cấp và truy cập vào thông tin đáng tin cậy và có liên quan là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp để đưa ra các quyết định và hành động ESG sáng suốt. Ngoài ra, các khó khăn còn lại trên hành trình thực thi ESG được doanh nghiệp đưa ra là Nhân viên chưa có kiến thức, chuyên môn cần thiết về ESG (58,3%); Đội ngũ lãnh đạo cấp cao cần nâng cao kiến thức về năng lực thực thi ESG (50,0%); Quy mô công ty (50,0%) và Khung pháp lý chưa minh bạch, rõ ràng (33,3%).
Hình 6: Các rào cản trong quá trình triển khai cam kết ESG của doanh nghiệp FAST500
Nguồn: Vietnam Report
Lồng ghép ESG vào hoạt động kinh doanh không đơn thuần xoay quanh việc bổ sung tính năng sản phẩm, cải thiện năng suất, doanh thu hay tái định vị thương hiệu. Cam kết thực hiện ESG cần doanh nghiệp thay đổi những vấn đề vĩ mô hơn: tầm nhìn, giá trị cốt lõi và lợi ích con người (gồm cả nhân viên lẫn khách hàng). Thực thi ESG giúp doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, tối ưu hóa quan hệ khách hàng, chuỗi cung ứng và tăng khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Đặc biệt, từ năm 2023, một trong những thị trường chủ lực của Việt Nam là EU sẽ áp thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), các doanh nghiệp muốn tiếp tục tham gia thị trường EU sẽ bắt buộc phải thực hiện, đáp ứng các tiêu chuẩn này. Như vậy, ESG sẽ là giải pháp tạo nên giá trị lâu dài của doanh nghiệp và là chìa khóa để các doanh nghiệp thành công tại thị trường quốc tế./.