Tài nguyên than còn lại của Việt Nam dự báo khá lớn, nhưng trữ lượng đã được thăm dò không nhiều, nhất là điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, làm gia tăng giá thành nên khó cạnh tranh với các nguồn than nhập khẩu. Còn với than nhập khẩu, do không có cơ chế chính sách của Nhà nước đối với việc nhập khẩu than rõ ràng, cụ thể dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp khi triển khai nhập khẩu than, cũng như đầu tư khai thác than ở nước ngoài.
Như chúng ta đều biết, than là yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất điện, luyện kim và nhiều hoạt động của nền kinh tế. Trước năm 2015 Việt Nam nhập khẩu than rất ít, chủ yếu là than cốc cho luyện kim, nhưng từ 2015 chính thức phải nhập khẩu than, với khối lượng than nhập khẩu ngày càng lớn. Đặc biệt, từ năm 2020, lượng than nhập khẩu tăng đột biến, đạt 54,81 triệu tấn (gấp gần 8 lần so với năm 2015), chủ yếu là than nhiệt cho các nhà máy điện (do sản lượng than sản xuất trong nước chỉ dao động ở mức 40 triệu tấn/năm), không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu than ròng và xu hướng ngày càng tăng, nhưng theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), việc nhập khẩu than đang đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp. Cụ thể là, việc không chủ động nguồn cung, trong khi giá cả theo cơ chế thị trường không ổn định dẫn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo TKV, do không có cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng của Nhà nước đối với việc nhập khẩu than nên doanh nghiệp rất lúng túng, bế tắc. Chẳng hạn như: Khi giá than thế giới xuống thấp hơn giá than trong nước, các đơn vị sản xuất than bị ảnh hưởng mạnh do tồn kho tăng cao (năm 2016 TKV tồn kho hơn 12 triệu tấn). Ngược lại, khi than trên thị trường quốc tế khan hiếm, giá tăng cao (do nhu cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina...) dẫn đến nhu cầu than trong nước tăng cao so với năng lực khai thác nội địa. Nhưng khi đó, các doanh nghiệp sản xuất than trong nước không chuẩn bị kịp, hoặc chỉ thực hiện được theo quy hoạch, điều này gây khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu, doanh nghiệp khai thác than và doanh nghiệp tiêu dùng than mất cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh chung của các doanh nghiệp.
Còn về đầu mối nhập khẩu than, TKV cho biết: Theo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than đến năm 2015, định hướng đến năm 2050 quy định “Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm chính về việc phát triển ngành than, cung cấp than trong nước và làm đầu mối phối hợp với các hộ tiêu thụ than lớn thực hiện việc nhập khẩu than cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.
Còn theo Quy hoạch Than theo Quyết định số 403 năm 2016 và văn bản phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện quy hoạch, thì TKV được giao cùng với Tổng công ty Đông Bắc “chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện Quy hoạch phát triển bền vững ngành than; thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc cung cấp than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước...”.
Tuy nhiên, tại các văn bản số 46/TTg-CN ngày 16/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ và số 2172/VPCP-CN ngày 10/3/2017 của Văn phòng Chính phủ chỉ đạo việc cung cấp than cho sản xuất nhiệt điện, thì TKV chỉ là một trong những kênh cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, không còn chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng và cung cấp than cho nền kinh tế.
Theo báo cáo của TKV, trong giai đoạn từ 2016 - 2021, lượng than nhập khẩu trong nước liên tục tăng. Cụ thể, năm 2016 Việt Nam nhập 13,2 triệu tấn, trong đó TKV nhập 1,13 triệu tấn; đến năm 2020 khối lượng tăng lên 54,48 triệu tấn, trong đó TKV nhập 9,6 triệu tấn. Riêng trong năm 2021 TKV không nhập khẩu than.
Ngoài ra, TKV cho rằng: Trong chính sách điều hành của Nhà nước về thị trường than cũng còn những hạn chế, chưa nhất quán. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho TKV trong việc hoạch định chiến lược dài hạn và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh than để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đánh giá việc hợp tác với các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu than trong dài hạn và đầu tư khai thác than ở nước ngoài, TKV cho biết: Than nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu từ các nước sản xuất và xuất khẩu than hàng đầu thế giới như: Indonesia, Úc, Nga, Nam Phi… Than nhiệt nhập khẩu chủ yếu cho các nhà máy điện ngoài TKV và cho nhu cầu pha trộn than của TKV để cấp cho các nhà máy điện chạy than trong nước.
Nhìn chung, nguồn cung than nhập khẩu chưa chắc chắn và cơ sở hạ tầng cho nhập khẩu than (cảng, bến bãi, phương tiện pha trộn than, kiểm định chất lượng than, phương tiện vận tải…) năng lực còn hạn chế, chưa có các trung tâm than lớn, trình độ công nghệ của dây chuyền hậu cần than so với các nước phát triển còn tụt hậu, chưa xứng tầm.
Trên thực tế, hiện nay than nhập khẩu của Việt Nam không cần giấy phép nhập khẩu, không phải chịu thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu hiện nay chủ theo hình thức đấu thầu (đấu thầu quốc tế rộng rãi, hoặc chào hàng cạnh tranh). Điều này rất khó cạnh tranh với các nước lớn nhập khẩu như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… nhất là khi nhu cầu nhập khẩu than ngày càng tăng.
Cùng với đó, thủ tục đầu tư trực tiếp ở nước ngoài của chúng ta còn bị vướng và chưa triển khai được với các dự án đầu tư mỏ than tại nước ngoài.
Do chính sách nêu trên, nên khi giá than thế giới xuống thấp hơn giá than trong nước thì TKV và Tổng công ty Đông Bắc bị ảnh hưởng mạnh, tồn kho tăng cao (năm 2016 tồn kho của cả hai đơn vị trên 13 triệu tấn). Ngược lại, việc chậm được chấp nhận xuất khẩu than của TKV hàng năm cũng gây cho doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam, để thích ứng với cơ chế thị trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, TKV kiến nghị Nhà nước cần điều hành công tác xuất nhập khẩu than linh hoạt (bằng công cụ thị trường, không bằng biện pháp hành chính) để vừa khuyến khích nhập khẩu than, vừa tạo điều kiện cho sản xuất than trong nước phát triển.
Cụ thể, về cơ chế chính sách nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài, TKV kiến nghị:
Thứ nhất: Chính phủ khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược và các giải pháp đồng bộ để nhập khẩu than; đầu tư khai thác than ở nước ngoài, kể cả đầu tư mua mỏ than trên tinh thần đảm bảo sự đồng bộ mọi phương diện (sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ).
Thứ hai: Thực hiện chính sách đối ngoại năng lượng linh hoạt, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi. Đảm bảo hài hòa giữa các chính sách ngoại giao năng lượng, thương mại, đầu tư, tài chính và hợp tác với các nước có tài nguyên than và các tổ chức khai thác, xuất khẩu than.
Thứ ba: Để đảm bảo có được nguồn than nhập khẩu ổn định lâu dài đa phương, đa dạng, giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt than phục vụ cho sản xuất điện, TKV đã báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép tiến hành đàm phán mua than nhập khẩu trực tiếp và ký kết các hợp đồng mua bán than dài hạn với các nhà cung cấp than có tiềm năng lớn trên thế giới (đặc biệt nguồn than từ Úc).
Thứ tư: Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than theo hướng huy động tối đa nguồn lực Nhà nước và từ các thành phần kinh tế khác nhau trong nước và nước ngoài./.