Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Bộ Tài chính
Theo đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính; khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu; tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Về phía nhà đầu tư, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, cần hiểu biết về quy định của pháp luật; tiếp cận thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu; đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Đồng thời, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Cùng với đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu.
Bên cạnh đó, làm rõ sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng; không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 05/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định của các Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nghị định ban hành trong bối cảnh cần phải tháo gỡ một số khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Cụ thể, Nghị định quy định doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác khi có khó khăn trong việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành. Theo đó, doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư có thể đàm phán để cân đối các nguồn lực của doanh nghiệp, thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn.
Cùng với đó, doanh nghiệp được đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu theo quy định, được đàm phán để kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 02 năm đối với các trái phiếu đã phát hành trước ngày 16/9/2022.
Ngoài ra, hiệu lực thi hành đối với các quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về 3 nội dung là xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, các quy định này của Nghị định 65 sẽ được triển khai từ ngày 01/01/2024.
Bộ Tài chính cho biết, trong quý I, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành được 24.708 tỷ đồng; trong đó khối lượng phát hành kể từ ngày 06/03/2023 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng. /.