Với kỳ vọng kinh tế khởi sắc cuối năm, Phục Hưng Holdings (PHC) đặt mục tiêu ký mới 4.000 tỷ đồng hợp đồng xây lắp.
Đại hội cổ đông thường niên 2023 của CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC).
CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã PHC) mới tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Theo tổng kết của lãnh đạo PHC, năm 2022 là năm đầu tiên của giai đoạn hồi phục hậu đại dịch COVID-19, nhưng cũng là năm thị trường bất động sản, xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có.
Từ giai đoạn giữa và cuối năm, nhà nước đã tiến hành việc thắt chặt tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, cùng với đó là việc làm chặt thủ tục đầu tư, thủ tục giao đất dẫn đến rất ít dự án mới được phê duyệt, nhiều dự án đang triển khai phải tạm dừng. Trong vòng xoáy khó khăn chung, tình hình sản xuất kinh doanh của PHC năm 2022 cũng bị ảnh hưởng lớn, thể hiện qua việc chưa hoàn thành các chỉ tiêu đã được đề ra. Doanh thu đạt 1.853 tỷ đồng, bằng 69% so với kế hoạch (2.700 tỷ).
Tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng doanh thu năm 2022 đã tăng gần 200% so với con số 935 tỷ của năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỷ đồng, bằng 29% so với kế hoạch (60 tỷ). Cùng với đó, Công ty đã trúng 17 gói thầu với giá trị hơn 2.600 tỷ đạt gần 100% kế hoạch, trong đó có nhiều chủ đầu tư lớn như Flamingo, Ecopark, Tân Á Đại Thành, An Lạc, HBI, Hòa Phát.
Để triển khai kế hoạch năm 2023, Phục Hưng Holdings tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển 3 lĩnh vực trụ cột chính là Xây lắp, Bất động sản và Năng lượng. PHC đưa kế hoạch đạt doanh thu 2.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, giá trị hợp đồng kí mới là 4.000 tỷ đồng.
Công ty đặc biệt chú trọng tới việc ứng dụng BIM trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình văn phòng điện tử và áp dụng phần mềm ERP về quản lý dự án tại công ty mẹ (quản lý chi phí, quản lý dòng tiền, quản lý vật tư…).
Việc thử nghiệm BIM đã mang lại cho Phục Hưng Holdings những hiệu quả tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ việc xây dựng mô hình 3D trực quan cho toàn bộ dự án, các bộ phận dễ hình dung hơn trong việc nắm bắt, quản lý và thi công. Ứng dụng công nghệ BIM làm tăng hiệu quả làm việc nhóm, cho phép PHC phân chia khối lượng thực hiện theo từng giai đoạn, từng nhà thầu, giảm bớt tình trạng thiếu hoặc trùng lặp khối lượng.
Thời gian cho việc bóc tách và quản lý khối lượng được đẩy nhanh 5 - 7 lần so với phương pháp truyền thống. Đặc biệt, việc cài đặt các quy tắc tính toán linh hoạt theo yêu cầu của phía đối tác, giúp cho việc thay đổi cách tính toán nhanh hơn nhiều so với làm thủ công.
Công tác tổ chức và quản lý dữ liệu cũng trở nên thuận tiện, thông minh hơn, truy xuất dễ dàng hơn so với quản lý theo phương pháp truyền thống. Qua đó, Công ty quản lý được khối lượng của các đầu mục công việc của toàn bộ dự án và khối lượng thực hiện của các nhà thầu phụ theo từng đợt thanh toán, kiểm soát được tỷ lệ thực hiện/nghiệm thu/thanh toán với các nhà thầu phụ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Cũng theo tiết lộ từ Chủ tịch Cao Tùng Lâm, Công ty vừa được tỉnh Lạng Sơn chấp thuận làm chủ đầu tư khu công nghiệp với diện tích hơn 70ha. Sự kiện này sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp trong mảng cho thuê Khu công nghiệp.
Ngoài ra, Công ty hiện cũng đang theo đuổi một số dự án trong lĩnh vực giao thông và hạ tầng kỹ thuật để đón làn sóng cao điểm đầu tư công giai đoạn 2023-2024, hứa hẹn là điểm sáng trong hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Mai Hương