Sáng 18/4, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, UPCoM: SAS) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. Ban lãnh đạo dự báo kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với các bất ổn từ xung đột chính trị, các rủi ro của thị trường tài chính toàn cầu. Dù vậy, Việt Nam vẫn được xem là một trong những điểm sáng về tiềm năng phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, khủng hoảng dịch Covid đã giảm tác động đối với ngành hàng không và du lịch. Sasco kỳ vọng sự tăng trưởng của hàng khách quốc tế sẽ khởi sắc từ cuối quý II, mang lại khả năng phục hồi mạnh mẽ của thị trường so với thời gian trước dịch.
Công ty lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 2.252 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 274 tỷ đồng, tăng lần lượt 61% và 19% so với năm 2022.
Kế hoạch trên được tính toán dựa trên sản lượng hành khách đi và đến ước tính ở mức 39 triệu lượt, tương đương 95% năm 2019. Lượng khách quốc tế được kỳ vọng đạt 84% sản lượng 2019, tương ứng 6,7 triệu lượt khách đi và 6,3 triệu lượt khách đến. Thị trường nội địa dự kiến hồi phục hoàn toàn, ước tính 13,2 triệu lượt khách đi và 12,9 triệu lượt khách đến. Năm 2023, toàn bộ hoạt động kinh doanh của Sasco tại nhà ga quốc tế và quốc nội được khôi phục, trong đó sẽ tập trung đổi mới và phát triển các loại hình mang lại hiệu quả cao.
Về yếu tố biên lợi nhuận gộp, Tổng giám đốc Đoàn Thị Mai Hương cho biết hiện công ty quan tâm hơn đến con số lợi nhuận gộp tuyệt đối. Điều này có nghĩa là nếu năm nay thị trường quốc tế quay trở lại, công ty bán được hàng hơn, tỷ lệ biên lợi nhuận có thể thấp hơn trước nhưng con số tuyệt đối sẽ cao hơn.
Trong trường hợp tình hình thị trường thay đổi do bị ảnh hưởng bởi các trường hợp bất khả kháng từ các bất ổn kinh tế, chính trị trên thế giới, và/hoặc thay đổi về chi phí hợp tác kinh doanh và khai thác mặt bằng theo chính sách năm 2023 của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, công ty trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT được điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tế.
Cập nhật về tình hình kinh doanh quý I, đại diện công ty cho biết Sasco đạt 569 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 45 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 3 lần và 24 lần cùng kỳ quý I/2022. Doanh thu đạt 25,2% còn lợi nhuận thực hiện 16,4% kế hoạch 2023 đề ra.
Tại đại hội, Tổng giám đốc Đoàn Thị Mai Hương đánh giá 2022 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu. Riêng ngành hàng không Việt Nam, năm 2022, tổng hành khách đi và đến đạt 99 triệu lượt, tăng 229% so năm trước, nhưng vẫn thấp hơn 15% so với năm 2019 (giai đoạn trước dịch). Khách quốc tế tới Việt Nam qua đường hàng không đạt 3,3 triệu lượt, gấp 29 lần năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn 77% so với năm 2019.
Sasco báo lãi trước thuế 230 tỷ đồng trong năm 2022, gấp hàng chục lần năm 2021 nhưng giảm 48% so với 2019. Bà Đoàn Thị Mai Hương cho biết kết quả sản xuất kinh doanh chưa phục hồi được bằng thời gian trước dịch nhưng đã hoàn thành vượt kế hoạch cổ đông giao (doanh thu vượt 12% và lợi nhuận vượt 180%).
Giai đoạn 2020-2021, do tác động khách quan từ dịch Covid, một số nhân viên của công ty đã phải tạm dừng hợp đồng lao động. Từ tháng 3/2022, khi việc đi lại khởi sắc, công ty đã mời một số các nhân viên cũ quay lại làm việc, đồng thời tuyển dụng thêm, từ đó nhanh chóng đưa Sasco trở lại hoạt động kinh doanh.
Năm qua, công ty đã khai trương thêm Sasco Shop flagship thứ hai ở ga quốc tế, ra mắt phòng chờ thương mại Jasmine ở ga đi quốc tế tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Về phòng chờ mới này, bà Hương chỉ ra mục đích nhằm hướng đến nhóm hành khách đến từ Trung Đông, Ấn Độ... Tuy nhiên, hoạt động phòng chờ không phải là hoạt động mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất trong các mảng của Sasco. Các chi phí hoạt động cao, đồng thời trong giai đoạn dịch phải chia sẻ khó khăn với các hãng hàng không, công ty vẫn giữ mức giá dịch vụ phòng chờ của 5 năm nay.
Kỳ vọng có vị trí kinh doanh tốt tại hai dự án lớn
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT, cho biết đến tháng 7 năm nay Sasco kỷ niệm 30 năm thành lập. Đây cũng là cột mốc công ty kỳ vọng sẽ có những thay đổi đột phá trong kinh doanh cho giai đoạn kế tiếp. Hiện công ty đang dùng toàn bộ là vốn tự có và vốn cổ đông góp, chưa vay vốn bên ngoài. Không chỉ vậy, lượng tiền trong tài khoản của công ty vẫn khá lớn, sẵn sàng để triển khai những kế hoạch mới.
Liên quan các dự án nhà ga hàng khách T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết tuy Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) là cổ đông lớn nhưng Sasco sẽ vẫn được đối xử như mọi đơn vị khác, không có bất kỳ ưu tiên nào, phải thực hiện đúng quy trình chung của ACV và Cục Hàng không. Tuy nhiên, công ty kỳ vọng với kinh nghiệm và thế mạnh của mình, Sasco có thể đấu thầu thành công tại các dự án này, từ đó có địa điểm kinh doanh phù hợp.
Dự kiến trả tạm ứng cổ tức năm 2023 tỷ lệ 8%
HĐQT trình kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 8%, sở hữu 1 cổ phiếu nhận 800 đồng. Với hơn 133 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến chi gần 107 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này. Ban lãnh đạo cho biết sau khi có kết quả kinh doanh 6 tháng đạt mức dự kiến, công ty sẽ thực hiện trả tạm ứng cổ tức 8% này.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, công ty dự kiến chia cổ tức tiền mặt 14%, sở hữu 1 cổ phiếu nhận 1.398 đồng, tương ứng với gần 187 tỷ đồng. Trước đó, công ty đã trả tạm ứng đợt 1/2022 tỷ lệ 10%.
Cuộc họp kết thúc với việc thông qua tất cả các tờ trình.
GÃ ĐẦU TƯ