Bộ trưởng Bộ Xây dựng Cộng hòa Cuba Rene Mesa Villafana khẳng định: Chúng tôi mong muốn Viglacera sớm mở nhà máy, chiếm lĩnh thị trường mới giàu tiềm năng như châu Mỹ La Tinh, vùng Caribe trong đó có Cuba.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera Nguyễn Anh Tuấn (thứ 2 từ trái sang) cho biết: “Viglacera sẵn sàng làm hết sức mình vì Cuba phát triển”.
Ngày 30/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Cộng hòa Cuba - ngài Rene Mesa Villafana cùng Đoàn công tác Chính phủ đến thăm cụm nhà máy Vigalcera tại tỉnh Bình Dương. Dẫn đoàn tham quan còn có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Xây dựng và lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera.
Sau khi tham quan, thăm hỏi người lao động tại 3 nhà máy, ngài Rene Mesa Vilafana đánh giá cao sự phát triển, công tác tổ chức quản lý, quy trình sản xuất xanh, tự động hóa bằng công nghệ hiện đại tại các nhà máy của Viglacera.
Ngài Rene Mesa Vilafana chia sẻ: Thời tiết, khí hậu tại Cuba rất giống Việt Nam. Đặc biệt, Cuba hiện có nguồn nguyên liệu dồi dào, chính sách thu hút đầu tư cùng với sức tiêu thụ mạnh sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và chinh phục thị trường châu Mỹ La Tinh và vùng Caribe. Với lợi thế của mình và tình cảm truyền thống Việt Nam – Cuba, chúng tôi mong muốn sản phẩm sứ vệ sinh, kính nổi thương hiệu Viglacera sớm được sản xuất ngay trên đất nước Cuba và xuất khẩu sang thị trường lân cận. Chúng tôi đảm bảo sẽ tạo mọi thuận lợi để Viglacera sớm mở nhà máy, phát huy thế mạnh và mở rộng thị trường.
Ngài Rene Mesa Vilafana cũng gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã hỗ trợ, tạo điều kiện để đoàn công tác đến thăm, làm việc với các đơn vị liên quan suốt 10 ngày qua rất hiệu quả, thắm tình hữu nghị.
Lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Cuba Rene Mesa Vilafana.
Dẫn đoàn tham quan, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera CTCP cho biết: Tại Bình Dương có 3 nhà máy thuộc Tổng Công ty Viglacera CTCP gồm: Nhà máy gốm sứ Vilacera thành lập năm 2002, thiết kế ban đầu 33.000 sản phẩm/năm với 340 cán bộ công nhân viên, chuyên sản xuất sứ vệ sinh. Tỷ lệ xuất khẩu 20% sang các thị trường châu Âu như Pháp, Ý, châu Mỹ… Sau 21 năm vận hành, nhà máy đã chuyển đổi công nghệ theo hướng hiện đại hóa, năng suất tăng lên 400.000 sản phẩm/năm. Cán bộ công nhân viên và lao động giảm xuống còn 290 người.
Nhà máy kính nổi Viglacera được thành lập năm 2000, đến nay sau nhiều lần cải tiến, nhà máy đã sản xuất được 5 loại kính cao cấp dùng trong xây dựng và công nghiệp và xuất khẩu. Trong suốt hơn 20 năm qua, nhà máy kính Viglacera Bình Dương chưa một lần ngừng nghỉ. Hiện tại, đơn hàng từ các nước châu Âu, châu Mỹ tăng mạnh do ảnh hưởng giá năng lượng châu Âu tăng cao. Viglacera đang mở thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài để tận dụng lợi thế xuất khẩu như: Nguồn gốc xuất xứ, nguồn nguyên liệu, công nghệ…
Trong không khí thắm tình đồng chí, anh em, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera CTCP đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác tổ chức bộ máy, tổ chức sản xuất, xuất khẩu, tận dụng và phát huy các lợi thế về nguyên liệu, lợi thế cạnh tranh, lợi thế nguồn gốc xuất xứ tạo nên thành công của Viglacera.
Sau chuyến công tác của Bộ trưởng Rene Mesa Vilafana, Tổng Công ty Viglacera sẽ cử cán bộ đến khảo sát, xúc tiến mở nhà máy. Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Nhà máy Viglacera trong tương lai tại Cuba sẽ hiện đại hơn, năng suất cao, khả năng thâm nhập thị trường mạnh hơn vì Việt Nam – Cuba là quan hệ truyền thống anh em son sắc. Viglacera sẽ làm hết sức mình vì Cuba phát triển.
Một số hình ảnh Bộ trưởng Rene Mesa Vilafana thăm 3 nhà máy Vigracera Bình Dương:
Đoàn công tác do Bộ trưởng Rene Mesa Vilafana (thứ 3 từ phải sang) dẫn đầu thăm Nhà máy tiết kiệm năng lượng Viglacera.
Thăm quan dây chuyền sản xuất kính tự động.
Sản phẩm kính thương hiệu Viglacera sẽ được chào đón tại thị trường Cuba và châu Mỹ La Tinh, Bộ trưởng Rene Mesa Vilafana cho biết.
Chia tay Đoàn công tác, lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera cho biết: “Nhà máy Viglacera tại Cuba trong tương lai sẽ hiện đại hơn nhà máy tại Việt Nam và phát huy nhiều lợi thế, giúp Chính phủ thu về nguồn ngoại tệ để phát triển đất nước”.