• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 8:29:14 CH - Mở cửa
Làm rõ vụ thâu tóm 6.202m2 đất công trước khi gỡ vướng cho dự án 39-39B Bến Vân Đồn
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân | 20/04/2023 9:05:00 CH
Dù đã rất quyết liệt vào cuộc để gỡ vướng cho các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong thời gian qua, nhưng ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án BĐS đang bị vướng mắc, trong số 156 dự án thuộc diện phải rà soát về pháp lý…
 
Sau nhiều lần gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe góp ý của các chủ đầu tư dự án, UBND TP Hồ Chí Minh cũng mới chỉ xem xét và cho phép 5 tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đang là chủ đầu tư của 5 dự án được huy động vốn bằng 50% số lượng nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án này.
 
Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, 156 dự án được cộng đồng doanh nghiệp BĐS đề nghị thành phố gỡ vướng đều có tính chất phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ, vướng nhiều quy định pháp luật. Trong đó, có những dự án có nguồn gốc đất công do Nhà nước quản lý theo chủ trương sắp xếp, xử lý tài sản công hoặc do thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước mà chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định…
 
Thực tế cho thấy, trong văn bản chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về giải quyết vướng mắc pháp lý cho 156 dự án BĐS của 121 nhà đầu tư trên địa bàn, có những dự án từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm.
 
 
Khu đất công hơn 6,2 nghìn m2 nay đã là dự án cao ốc phức hợp.
 
Tại dự án cao ốc phức hợp có địa chỉ ở số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, diện tích đất là 6.202 m2, năm 2021 của Thanh tra Chính phủ đã có kết luận đây là đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước do 2 doanh nghiệp Nhà nước quản lý là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Năm 2009, 2 công ty này góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín, trong đó, Tổng công ty Cao su Đồng Nai góp 72%, Công ty Cao su Bà Rịa góp 28% vốn điều lệ với số vốn không đáng kể. Ngày 25/3/2010, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư dự án. Năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất này là hơn 186 tỷ đồng.
 
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định trên nhằm thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty TNHH Phú Việt Tín - một pháp nhân mới làm chủ đầu tư dự án đối với khu đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Thông tư số 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất.
 
Nhận định khu đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đã được phê duyệt, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản Nhà nước thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định, không để thất thoát tài sản của Nhà nước.
 
Báo cáo với UBND thành phố về kết quả thực hiện Kết luận trên của Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục khẳng định khu đất ở số 39-39B Bến Vân Đồn thuộc tài sản công. Bản chất của việc giao Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư dự án tại đây là Nhà nước cho phép doanh nghiệp Nhà nước được tiếp tục sử dụng đất theo quy hoạch mà hoàn toàn không phải là việc giao đất cho đối tượng khác không thông qua đấu giá.
 
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận, Bộ Tài chính cũng đã vào cuộc kiểm tra về công tác quản lý Nhà nước đối với việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hồ Chí Minh. Chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản giải trình với Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an về khu đất này.
 
Đến nay khi số phận khu đất có nguồn gốc tài sản công này vẫn chưa được xử lý dứt điểm, người dân mua căn hộ tại dự án vẫn chưa được cấp sổ hồng, TP Hồ Chí Minh loay hoay tìm cách gỡ vướng cho dự án… thì trước đó, một doanh nghiệp tư nhân là Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã lợi dụng tình trạng 2 cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước chỉ góp mức vốn “tượng trưng” vào Công ty TNHH Phú Việt Tín, đã nhảy vào thâu tóm khu đất này và thu lợi hàng trăm tỉ đồng trong thời gian rất ngắn.
 
Cụ thể, trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh về việc chậm công bố thông tin các nghị quyết HĐQT liên quan đến nội dung nhận, chuyển nhượng dự án vào năm 2015, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã thông tin về việc thu được khoản lợi nhuận “khủng” từ vụ thâu tóm doanh nghiệp làm chủ khu đất công có dự án trên. Việc mua lại cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín bắt đầu vào ngày 14/8/2014, khi HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định cử bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc làm đại diện phần vốn góp lên đến 5,94 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 99% vốn của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tại Công ty TNHH Phú Việt Tín. Gần 1 tháng sau, ngày 10/9/2014, HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định nhận chuyển nhượng nốt 0,72% phần vốn góp, tương đương 43,2 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai. Nhận chuyển nhượng 0,28% phần vốn góp, tương đương với 16,8 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa.
 
Sau khi sở hữu toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín, ngày 3/9/2014 HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định chuyển nhượng 30 triệu đồng vốn góp, tương đương với 0,5% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến với tổng giá trị chuyển nhượng là 3 tỉ đồng. Tiếp đó, ngày 14/11/2014, HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục ra quyết định chuyển nhượng 94% phần vốn góp của minh trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho 2 công ty khác. Trong đó chuyển nhượng cho Công ty CP BĐS Thịnh Vượng 76 tỉ đồng phần vốn góp, tương đương với 40% vốn điều lệ Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 340 tỉ đồng. Chuyển nhượng cho Công ty CP biệt thự Thành phố 102,6 tỉ đồng phần vốn góp, tương đương với 54% vốn điều lệ Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá chuyển nhượng hơn 459 tỉ đồng.
 
Tài sản Nhà nước nhưng các đơn vị quản lý để tư nhân ung dung thâu tóm, bỏ túi số tiền "khủng" từ khu đất trên. Do đó vụ việc này cần sớm được làm rõ để gỡ vướng cho dự án nhằm bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông tham gia phát triển dự án và cả người mua nhà.
 
Theo Bảo Sơn