Công ty Green View đang là ứng viên tiềm năng cho dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Green View tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh Green View chưa tròn 1 năm tuổi, trong khi cổ đông lớn là Eras Holdings lại thua lỗ.
Chưa tròn 1 năm tuổi, muốn làm dự án 500 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đang thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Green View của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Green View (Công ty Green View).
Trước đó, Green View xin đầu tư dự án trên tại thôn 12, xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Dự án có quy mô 9,9ha, tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của Công ty Green View là 104 tỷ đồng; 416 tỷ đồng còn lại là vốn huy động.
Công ty Green View có vốn điều lệ 200 tỷ đồng ở thời điểm thành lập. Ngoài ra, ngày 20/2/2023, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) - Chi nhánh Hàm Nghi có thư hứa cấp tín dụng, với nội dung đồng ý cấp cho Green View tối đa 416 tỷ đồng để triển khai dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Green View nếu công ty đáp ứng đủ các điều kiện.
Sở Tài chính Lâm Đồng khẳng định năng lực tài chính theo hồ sơ của Công ty Green View tại thời điểm cơ quan này xem xét thì đảm bảo đủ điều kiện.
Cần phải lưu ý, Green View chỉ là tân binh, chưa tròn 1 năm tuổi vì công ty thành lập trong ngày 22/8/2022. Xét về kinh nghiệm, chắc chắn Green View vẫn còn khá “đuối”. Tuy nhiên, Green View vẫn rất rộng cửa trở thành chủ đầu tư của dự án Green View vì… tên dự án được đặt theo tên ứng viên tiềm năng.
Cổ đông lớn Era Holdings quy mô trăm tỷ
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Green View thành lập ngày 22/8/2022 tại thửa đất số 1893, tờ bản đồ số 19 (F.136.III.D), phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với người đại diện pháp luật là ông Lê Tuấn Anh.
Tại thời điểm thành lập, Green View có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Eras Holdings (sở hữu 85% vốn) và ông Lê Tuấn Anh (sở hữu 15% vốn).
Green View mới thành lập nên chưa rõ năng lực kinh doanh. Tuy nhiên, công ty mẹ Eras Holdings dù có nhiều năm kinh nghiệm nhưng vẫn bết bát và nợ nần chồng chất.
Eras Holdings thành lập ngày 28/11/2014 với người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Thùy Linh. Thời gian đầu, quy mô vốn của Eras Holdings khá khiêm tốn. Tuy nhiên, từ ngày 13/12/2021, vốn điều lệ công ty tăng vọt từ 80 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Trước đó, tại ngày 1/8/2017 khi vốn điều lệ Eras Holdings vẫn chỉ là 80 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông công ty bao gồm: bà Nguyễn Thị Thùy Linh (sở hữu 60% vốn), ông Lê Dương Thế Hùng (sở hữu 30% vốn) và ông Nguyễn Thanh Luân (sở hữu 10% vốn).
Đáng chú ý, gần đây nhất, tại ngày 6/7/2022, theo thông tin thuế, số lượng lao động của Eras Holdings chỉ là 5 lao động, không đổi trong suốt thời gian dài bất chấp vốn điều lệ công ty đã đạt tới 700 tỷ đồng.
Era Holdings lỗ thảm, nợ chồng chất
Không chỉ “đặc biệt” ở chỗ vốn 700 tỷ đồng nhưng chỉ có 5 lao động, Công ty Eras Holdings còn thua lỗ và nợ cao.
Như đã nêu trên, 2021 là năm Eras Holdings tăng sốc vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Thế nhưng, tình hình tài chính của công ty không những không được cải thiện mà còn “xấu” đi. Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm gần đây (2017-2021), 2021 là năm duy nhất Eras Holdings thua lỗ với khoản lỗ 95 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu công ty giảm mạnh từ 70,3 tỷ đồng xuống chỉ còn 0 đồng.
Trước đó, từ năm 2017 đến 2020, công ty đạt doanh thu 12,6 tỷ đồng, 80,6 tỷ đồng, 73,7 tỷ đồng và 70,3 tỷ đồng. Công ty thu về các khoản lãi khá khiêm tốn, chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, 7,9 tỷ đồng, 8,3 tỷ đồng và 7,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ của Eras Holdings luôn cao vượt trội so với vốn. “Đỉnh” điểm là năm 2019, nợ phải trả cao gấp 10,6 lần vốn. Tới ngày 31/12/2021, Nợ phải trả giảm xuống 654 tỷ đồng nhưng vẫn cao gấp 5,4 lần vốn.