Chỉ trong nửa cuối tháng 4, hàng loạt dự án “trùm mền” nhiều năm liên tục được gỡ vướng. Điều này cho thấy những chính sách vĩ mô của Chính phủ từ đầu năm, cùng nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản từ địa phương đang đi vào thực tế.
Cơ quan chức năng TP.HCM vừa công bố danh sách 355 dự án nhà ở đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho người mua nhà, qua đó trực tiếp khơi thông điểm nghẽn pháp lý cho hơn 81.000 căn nhà bao gồm các căn hộ, nhà ở riêng lẻ, officetel, shophouse...
Loạt dự án được gỡ vướng
Trong danh sách các dự án được gỡ vướng, có những dự án kéo dài nhiều năm, cùng sự hiện diện của các tên tuổi đình đám trong ngành như Hưng Thịnh, Novaland, Vingroup, Phát Đạt, Him Lam, Gotec Land, Đất Xanh, Gamuda Land, Sài Gòn Thương Tín…
Giữa tuần trước, UBND TP cũng đã cho phép 5 tập đoàn, doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới (trong đó có một tập đoàn bất động sản nước ngoài) được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.
Đồng nghĩa, sắp tới sẽ có thêm khoảng 5.432 căn hộ được tung ra thị trường, giảm áp lực nguồn cung. Được biết, các dự án trên đều thuộc diện đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước đối với các dự án thuộc diện ra soát pháp lý, trong khi chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Đang có tín hiệu tích cực, song các chính sách gỡ vướng cho bất động sản vẫn cần đẩy nhanh hơn.
Trong một cuộc họp đầu tháng 4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý.
Chính những nỗ lực của thành phố trong quá trình đẩy nhanh gỡ vướng cho các dự án bất động sản đang đem lại nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp. Một trong số đó là Hưng Thịnh Group, với 6 dự án được “cởi trói” về pháp lý chỉ trong vòng 1 tháng qua.
Bên cạnh đó, Novaland cũng liên tiếp có tin vui. Vào trung tuần tháng 4, công ty này thông báo khởi động lại dự án The Grand Manhattan (quận 1, TP.HCM) thông qua ký kết với TPBank và Ricons. Đây là một trong 7 dự án đầu tiên được UBND TP.HCM tập trung gỡ vướng pháp lý.
Cùng với The Grand Manhattan, Novaland có hai dự án khác là NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận) và Aqua City (Đồng Nai) được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo thành lập tổ công tác để giải quyết các vướng mắc, khó khăn.
Tương tự, Danh Khôi gần đây cũng phát đi thông báo cho biết dự án Astral City (Bình Dương) đã được UBND tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh quy trình xác định tiền sử dụng đất, hiện khởi động xây dựng cũng như hoàn thành các thủ tục pháp lý còn lại để có thể ký hợp đồng mua bán.
Cần đẩy nhanh tốc độ
Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, tổ công tác của Thủ tướng đã trực tiếp làm việc với các địa phương để tháo gỡ cho hàng trăm dự án bất động sản. Ở TP.HCM, qua rà soát của tổ công tác tại 180 dự án nhà ở thì phát hiện trên 80% dự án gặp khó khăn, vướng mắc.
Tương tự, ở Hà Nội có 170 dự án nhà ở, đô thị vướng mắc. Đà Nẵng có 75 dự án khó khăn, vướng mắc. Hải Phòng có 65 dự án khó khăn, vướng mắc. Cần Thơ có 79 dự án bị vướng mắc.
Hầu hết vướng mắc của các dự án bất động sản hiện tại đều liên quan tới pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư và nhà ở, thuộc thẩm quyền của địa phương giải quyết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trong cuộc họp báo chiều 24/4, cho biết trong quý 1/2023, thị trường địa ốc còn nhiều khó khăn, nguồn cung hạn chế, thanh khoản chưa tốt, ở mức thấp. Để gỡ khó cho thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp.
Cụ thể, Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh gỡ vướng về thể chế liên quan đến thủ tục đầu tư, giao đất, định giá đất, kể cả khó khăn liên quan đến vấn đề tài chính. Đối với vướng mắc nằm ở luật thì Chính phủ đang sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
"Thời gian qua, tổ công tác đã cùng với các địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, những nội dung nào chưa rõ thì cùng địa phương kiến nghị Chính phủ giải quyết để sớm đưa dự án vào triển khai trong thời gian tới", ông Sinh nói.
Trong khi đó, ở góc nhìn của hiệp hội doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả của các tổ công tác và địa phương đang đem lại kết quả tích cực. Tại TP.HCM, sẽ có 156 dự án vướng mắc kỳ vọng sẽ được “cởi trói” trong năm 2023.
Tuy nhiên, ông Châu kiến nghị UBND TP.HCM và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm có kết luận dứt điểm đối với các dự án đã có chủ trương gỡ vướng, để thị trường có thể đón nhận thêm hàng ngàn căn hộ, giúp tăng nguồn cung nhà ở, tạo được dòng tiền cho doanh nghiệp.
Đồng thời, vị đại diện HoREA cũng đề nghị các sở, ngành khẩn trương rà soát, trình UBND TP xem xét giải quyết các dự án tương tự mà các chủ đầu tư cũng đề nghị được huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai, để từng bước khai thông thị trường.