Bất chấp các chỉ số tăng điểm rất yếu sáng nay, thậm chí VN-Index lẫn VN30-Index còn đỏ giữa phiên, độ rộng tổng thể của sàn HoSE luôn áp đảo ở phía tăng giá. Điều đó đồng nghĩa với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có ưu thế vượt trội về giá. Thậm chí thanh khoản sáng nay còn dồn phần lớn vào nhóm này...
Xếp theo giá trị khớp lệnh, nhóm blue-chips hoàn toàn vắng bóng trong số các cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường.
Bất chấp các chỉ số tăng điểm rất yếu sáng nay, thậm chí VN-Index lẫn VN30-Index còn đỏ giữa phiên, độ rộng tổng thể của sàn HoSE luôn áp đảo ở phía tăng giá. Điều đó đồng nghĩa với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có ưu thế vượt trội về giá. Thậm chí thanh khoản sáng nay còn dồn phần lớn vào nhóm này.
Top 20 cổ phiếu giao dịch lớn nhất sàn HoSE sáng nay chiếm khoảng 47% tổng giá trị sàn, thì chỉ có 7 mã thuộc rổ VN30. Thậm chí trong Top 10 chỉ lọt vào 2 mã là SSI và HPG. Tính chung thanh khoản của rổ blue-chips này sáng nay chỉ chiếm 24,7% giá trị khớp sàn HoSE.
Dòng tiền tổng thể trên thị trường giai đoạn hiện tại quá yếu, nên nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ, vốn có biên độ giá mạnh hơn, đồng nghĩa với cơ hội tăng giá cao hơn. Do tính thanh khoản cũng như vốn hóa, dòng tiền cần thiết để đẩy giá nhóm blue-chips rất tốn kém, trong khi cũng lượng tiền như vậy có thể tạo sóng mạnh mẽ đối với các mã nhỏ.
VN-Index kết phiên sáng tăng nhẹ 0,36% so với tham chiếu, tương đương 3,76 điểm. VN30-Index tăng 0,36%, Midcap tăng 0,94%, Smallcap tăng 0,92%. Độ rộng tổng thể HoSE ghi nhận 242 mã tăng/97 mã giảm. 18 mã đang kịch trần toàn là các cổ phiếu nhỏ, tiêu biểu như QCG, FIT, TSC, DLG, TGG, SAM, ITC, VPH… Duy nhất ITC trong nhóm này là có giá tương đương mệnh giá, còn lại toàn vài ngàn đồng.
Dẫn đầu thanh khoản thị trường đang là cặp đôi bất động sản DXG tăng 6,34% với 308,2 tỷ đồng và DIG tăng 4,32% với 220,9 tỷ đồng. DXG đang quay lại đỉnh cao 3 tháng và DIG cũng trở lại đỉnh cao tháng 12 năm ngoái. Kể từ đáy đầu tháng 3/2023 đến nay DXG tăng 42,5% và DIG tăng 74,5%, trong khi đó VN-Index tăng khoảng 3,5%. Đối với nhà đầu tư, thị giá thấp không phải là vấn đề lớn, mà quan trọng là biên độ tăng giá. Dĩ nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng muốn giao dịch với những cổ phiếu dạng này, nhất là các tổ chức, nhưng thanh khoản hàng chục tới cả trăm tỷ đồng bình quân hàng ngày cho thấy có một lượng lớn nhà đầu tư tham gia.
Ngoài 18 cổ phiếu kịch trần, HoSE cũng có 117 mã tăng với biên độ hơn 1% sáng nay. Nhóm VN30 chỉ đóng góp 5 mã là NVL tăng 3,08%, GVR tăng 2,48%, PDR tăng 2,23%, MSN tăng 1,36% và STB tăng 1,36%. Độ rộng rổ VN30 cũng khá tốt với 17 mã tăng/7 mã giảm, nhưng biên độ tăng của nhóm còn lại quá kém lý giải vì sao các chỉ số quan trọng lại trì trệ trong biên độ hẹp.
Nhìn rõ hơn về cơ cấu phân bổ vốn, trong tổng số 135 cổ phiếu tăng giá hơn 1% ở HoSE, quá nửa (55%) giao dịch chỉ tập trung vào 10 cổ phiếu là DXG, DIG, SHB, VND, STB, GEX, HDG, NVL, VIX, SCR và VGC. Điều này cho thấy dòng tiền đang rất tập trung và cũng không lựa chọn theo nhóm ngành mà theo “game” cụ thể. Các nhóm ngành cũng có thể tăng tốt, nhưng thanh khoản mới là yếu tố cho thấy nhà đầu tư có xu hướng “tất tay” vào đâu.
Tính chung hai sàn niêm yết, thanh khoản phiên sáng tương đương sáng hôm qua, đạt 5.180 tỷ đồng. Giao dịch trong rổ VN30 giảm tới 19%, chỉ đạt 1.092 tỷ đồng. Lượng vốn mua của nhà đầu tư nước ngoài chỉ là 277,8 tỷ đồng ở HoSE, tương đương chiếm chưa đầy 5,6% sàn này. Như vậy dòng vốn trong nước vẫn khá ổn định và vẫn đang là động lực duy trì thanh khoản. Chỉ có điều dòng vốn này đang tránh giao dịch ở các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Khối ngoại bán ròng nhẹ 9,5 tỷ đồng sáng nay nhưng vẫn xuất hiện những giao dịch nổi trội. CTG bị xả ròng 44,2 tỷ đồng, GMD -25,7 tỷ là lớn nhất, trong khi phía mua chỉ có STB +37,3 tỷ đồng là đáng kể. Với rổ VN30 khối này ghi nhận bán ròng 3,85 tỷ đồng và giá trị mua chiếm 13,5% thanh khoản rổ. Điều này càng thể hiện sự né tránh của dòng vốn trong nước.
Kim Phong