Cổ phiếu lao dốc cùng triển vọng kinh doanh đi xuống mang tới dự báo kém khả quan cho giá cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, nhất là khi thị giá cổ phiếu có thể chưa thực sự về “đáy” để thu hút dòng tiền trở lại.
Theo quan sát của VnBusiness, từ ngày 16/6/2022 đến ngày 10/5/2023, cổ phiếu DGC liên tục đi xuống với mức giảm lên tới 62%.
Cổ phiếu đi xuống như... thang máy
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam ước tính, với mức giá hiện tại là hơn 50.000 đồng/cp của DGC chỉ tương đương với VN-Index ở thời điểm 900 điểm.
Tính từ mức đỉnh, cổ phiếu DGC đã để mất 62%.
Ngược thời gian, từ 31/12/2019 đến 16/6/2022, cổ phiếu DGC đã trở thành hiện tượng khi liên tục tăng nóng 15,66 lần từ mức giá 7.730 đồng/cp lên 128.770 đồng/cp.
Một trong những lý do chính hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu DGC trong giai đoạn này là bởi đại dịch Covid – 19 đã thúc đẩy giá sản phẩm phốt pho vàng (nguyên liệu đầu vào cho chất bán dẫn) – chiếm 50% doanh thu của công ty và giá phân bón liên tục tăng cao, giúp lợi nhuận của “ông lớn” ngành hóa chất này tăng mạnh trong giai đoạn 2020 – 2022.
Trong đại dịch, tiền rẻ ngập tràn thị trường, thúc đẩy tài sản tài chính tăng chóng mặt. Tuy nhiên sau đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đồng loạt tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, dẫn tới tài sản tài chính như cổ phiếu liên tục bị bán tháo trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cổ phiếu DGC cũng bị bán mạnh và liên tục giảm sâu từ cuối tháng 6/2022 tới nay.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh doanh đi xuống, Hóa chất Đức Giang đã đi qua thời điểm thuận lợi nhất cũng được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà đầu tư bán ra, dẫn tới đà lao dốc của cổ phiếu DGC trong giai đoạn vừa qua.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang thừa nhận, sau năm đại thắng 2022 với lợi nhuận đạt 6.036,98 tỷ đồng, tăng 140,2% so với năm 2021, chưa biết đến năm nào, công ty mới quay trở lại mức lợi nhuận kỷ lục này.
Dự phòng cho kịch bản giá phốt pho vàng và giá phân bón giảm, Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu giảm 24,7%, về 10.875 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 50,3%, chỉ còn 3.000 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, trong báo cáo về ngành hoá chất gần nhất, Chứng khoán VNDirect ước tính, năm 2023, nhu cầu toàn cầu về phốt pho vàng giảm 15% so với năm trước. Giá phốt pho vàng đã đạt đỉnh vào quý II/2022 và năm 2023 dự kiến dao động trong vùng giá khoảng 4.500 - 5.000 USD/tấn.
Chưa thực sự về đáy?
Có thể thấy, việc cổ phiếu không ngừng “lao dốc” đã khiến nhiều nhà đầu tư lỡ “đu đỉnh” rơi vào tình cảnh khóc ròng bởi chưa biết bao giờ mới có ngày “về bờ”.
Dù vậy, một trong những yếu tố để cổ đông có thể kỳ vọng giá cổ phiếu hồi phục trở lại đó là định giá của DGC có vẻ hấp dẫn với P/E cốt lõi năm 2023/2024 là 6,4x/6,0x so với mức trung bình 3 năm của DGC và P/E trượt trung bình của các công ty cùng ngành lần lượt là 14,0x và 11,5x.
Hơn nữa, Đức Giang cũng có số dư tiền mặt dồi dào chiếm khoảng 50% vốn hóa thị trường và không có nợ dài hạn cũng là một điều kiện để nhà đầu tư muốn “xuống tiền”.
Đặc biệt, sau thông tin “ông lớn” ngành hóa chất đã thông qua chủ trương mua 100% cổ phần của CTCP Phốt pho 6 để có thể giúp nâng thêm 18% tổng sản lượng sản xuất của Đức Giang đã giúp giá cổ phiếu bật tăng cùng thanh khoản bùng nổ lên 4,8 triệu đơn vị được sang tay (phiên 13/4).
Niềm vui chẳng được tày gang khi mà kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy doanh thu đạt 2.483 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 47% về còn gần 36% - thấp nhất trong vòng 6 quý. Sau khi trừ đi các khoản thuế phí, công ty báo lãi sau thuế gần 823 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.
Thậm chí kỳ vọng Phốt pho 6 mang lại lợi nhuận khả quan song Đức Giang vẫn dự phóng kế hoạch kinh doanh quý II/2023 với doanh thu 2.172 tỷ đồng và 630 tỷ lợi nhuận sau thuế hợp nhất, lần lượt giảm 46% và 67% so với mức đỉnh lịch sử ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng sẽ là quý giảm thứ 4 liên tiếp cả về doanh thu lẫn lợi nhuận của công ty.
Trở lại với việc cổ phiếu đi xuống, trong bối cảnh thị giá DGC đã giảm tới 62% so với mức đỉnh, cổ đông lớn là nhóm quỹ Dragon Capital đã liên tục bán ra cổ phiếu DGC để giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,06% xuống chỉ còn 5,98% vốn điều lệ.
Đáng nói, trong bối cảnh như vậy, thông thường nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có động thái mua vào để để “đỡ giá” cổ phiếu nhằm mục đích hãm đà rơi của cổ phiếu, song Chủ tịch Đào Hữu Huyền cũng như thành viên gia đình lại không những không mua vào mà lại có động thái bán ra. Điều này không khỏi khiến nhà đầu tư đặt ra câu hỏi “Lẽ nào thị giá cổ phiếu DGC vẫn chưa chạm đáy?” Cùng với kết quả kinh doanh chưa có dấu hiệu phục hồi, e rằng còn đường trở về đỉnh vẫn còn khá là xa vời.
Tại ĐHCĐ thường niên cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Đào Hữu Huyền từng nhấn mạnh “không giải quyết nỗi buồn của cổ đông” và cho biết, chứng khoán hoàn toàn do quy luật thị trường quyết định, một mình ông không thể chống lại xu hướng thị trường, nên ông không có kế hoạch mua, mà ngược lại, nếu có điều kiện, gia đình sẽ bán ra, giảm sở hữu từ mức hơn 40% vốn điều lệ hiện tại.
“Ngày nào đó, thị trường quay lại, cổ phiếu DGC sẽ quay trở lại”, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang nói.
Trước đó, thống kê từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2022, người thân và lãnh đạo Hóa chất Đức Giang đã mua vào 214.900 cổ phiếu và bán ra 3.821.967 cổ phiếu DGC, tương ứng bán ròng hơn 3,6 triệu cổ phiếu.
Hải Giang