Logistics chưa thuận lợi khiến vận tải hàng hóa giữa hai nước mất quá nhiều thời gian, trong khi các đối tác tại Việt Nam hầu như đều phải thanh toán 100% hoặc tiền đặt cọc gây áp lực về nguồn vốn.
Hợp tác Việt Nam- Liên bang Nga có nhiều tiềm năng để phát triển, khi hai bên tiếp tục coi nhau là đối tác ưu tiên quan trọng trong chính sách kinh tế - thương mại. Các DN hai bên tăng chủ động kết nối, trao đổi thông tin sẽ góp phần thúc đẩy quá trình này thời gian tới.
Thời gian qua, thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga có sự tăng trưởng rõ nét, ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực từ năm 2016, thương mại song phương Việt Nam - Liên bang Nga đã bứt tốc mạnh mẽ, tăng gấp đôi trong giai đoạn 2016-2021, tương ứng với mức tăng trưởng thường niên khoảng 15%, và đạt hơn 5,5 tỷ USD vào năm 2021.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, thương mại hai chiều năm 2022 đạt 3,55 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến tháng 3 năm nay, Liên bang Nga có 171 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 970 triệu USD, đứng thứ 28/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
DN Việt - Nga tăng chủ động kết nối, trao đổi thông tin thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư thời gian tới.
Để thúc đẩy hợp tác thời gian tới, Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện về môi trường đầu tư và hành lang pháp lý để các DN nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Liên bang Nga về môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi tại thị trường Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ cho hàng hóa của Liên bang Nga tiếp cận thị trường khu vực và thị trường các quốc gia đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
“Việt Nam cũng có thể trở thành trung tâm sản xuất tại khu vực của các doanh nghiệp từ Liên bang Nga. Bộ Công Thương cam kết ủng hộ và tạo mọi điều kiện, để thúc đẩy quan hệ kinh doanh thương mại và đầu tư của doanh nghiệp liên bang Nga, phù hợp với luật pháp và chủ trương mở cửa chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.
Mặc dù vậy, ông Trần Đức Huyền, Đại diện Trung tâm xuất khẩu khẩu Nga tại Việt Nam vẫn nêu ra những khó khăn nhiều DN đang gặp phải, cần sớm được "khơi thông" trong thời gian tới.
“Hàng hóa của Nga xuất sang Việt Nam gặp 2 khó khăn chính. Về logictics, vận tải hàng hóa từ Nga xuất sang Việt Nam mất nhiều thời gian (thường sẽ mất khoảng 60-90 ngày, kể từ lúc có đơn đặt hàng cho đến khi cập cảng Việt Nam) nên ảnh hưởng đến chất lượng. Thứ hai là về vấn đề thanh toán, bây giờ các đối tác tại Việt Nam hầu như đều phải thanh toán 100% hoặc đặt cọc, điều đó gây ra khó khăn vì nguồn vốn”, ông Huyền cho biết./.