Trong năm nay, tôi chứng kiến hai người bạn gần như phá sản vì đầu tư. Một người mua chứng khoán, một người chơi tiền điện tử.
“Điểm mù” của giáo dục
Người đầu tiên là một bác sĩ, giỏi chuyên môn nhưng không hề có khái niệm gì về tiền tệ hay đầu tư tài chính. Một ngày nọ, khi cơn sốt chứng khoán đang đạt đỉnh, anh nhận được các cuộc điện thoại tư vấn đầu tư. Ban đầu họ gửi tài liệu miễn phí, sau đó nhũng cuộc trao đổi sâu hơn, rồi anh “xuống tiền”, nghe theo môi giới mua bán và tài khoản chia 5-7 lần sau khi thị trường giảm quá mạnh.
Bức ảnh lan truyền trên mạng gây xôn xao thời gian qua về chuyện các trường đại học dạy những kỹ năng tài chính “mới lạ”. (Ảnh chụp màn hình)
Người thứ hai là một luật sư có tiếng. Anh nhảy vào thị trường khi Bitcoin đạt đỉnh 69.000 USD và mua những đồng tiền điện tử không rõ nguồn gốc với lời dụ dỗ rằng có khả năng nhân hàng trăm lần giá trị. Anh đầu tư vào đồng tiền số Luna vài trăm nghìn USD, và... mất trắng, khi đồng tiền này chia hàng chục ngàn lần vào đầu năm nay, còn nhà sáng lập của nó mới bị bắt vì lừa đảo.
Cả hai đều rất có uy tín trong giới của mình, nhưng khi tham gia vào thị trường tài chính, họ như rơi vào điểm mù. Sau này, khi có thời gian nghiên cứu sâu hơn, người bạn luật sư nói với tôi rằng chỉ cần hiểu biết cơ bản về đồ thị giá, anh phải hiểu rằng 69.000 USD là vùng đỉnh và không ai nhảy vào “đu” ở đó làm thanh khoản cả.
Năm 2021, thị trường chứng khoán lập một kỷ lục: 1,5 triệu tài khoản mở mới. Chỉ trong tháng 5/2022, 500.000 tài khoản mới gia nhập thị trường, gấp đôi tháng trước đó.
Nhưng, cũng trong tháng 5/2022 đỉnh điểm người mới tham gia thị trường ấy, VNIndex giảm gần 200 điểm, mất 15% giá trị và liên tục tìm đáy từ đó đến nay. Đa số đều tham gia với mục đích kiếm lời nhanh, nhưng không hề có hiểu biết tối thiểu về tài chính hay đầu tư.
Thế hệ 8x chúng tôi lớn lên với “điểm mù” này và hoàn toàn hài lòng với điều đó, cho đến khi bị các thị trường tài chính “làm thịt”. Chúng tôi không hiểu cách thị trường vận hành, lôi kéo, tạo thanh khoản, trước khi “cắt tiết” “gà” mới. Học phí cho sự bồng bột này đôi khi là quá đắt: nhiều người đã mất gia sản một đời tích cóp, thậm chí biến thành những con nợ có thâm niên.
Thảo luận về tiền đã từng là một chủ đề cấm kỵ của xã hội chúng ta, dù các quy luật của nó vẫn chi phối cuộc sống chùng ta. Các lý thuyết kinh tế ảnh hưởng đến các chính sách của chính phủ về thuế, chi tiêu phúc lợi, lãi suất và các quy định về thị trường lao động, từ đó ảnh hưởng đến đời sống vật chất hằng ngày, công việc, điều kiện làm việc, tiền lương và gánh nặng trả nợ.
Đấy không phải là vấn đề của riêng chúng ta. Trong một lần trực tuyến trên radio, một chuyên gia tài chính cá nhân nổi tiếng người Mỹ từng nhận được câu hỏi của một thính giả về cách thức giải quyết khoản nợ đã lên đến hàng triệu đô và sắp sửa khiến gia đình cô phá sản.
Thính giả kia 29 tuổi và chồng cô 32 tuổi. Cả hai đều có bằng cao học về luật và chính sách, cùng làm việc cho Chính phủ Mỹ với mức lương lên đến 200.000 USD/năm. Tuy nhiên, việc thiếu kiến thức tài chính đã đẩy họ vào một khoản nợ khoảng hơn 1 triệu USD với lãi suất tăng nhanh đến mức vượt quá khả năng chi trả. Có học thức và thu nhập cao là không đủ để đảm bảo cho bạn an toàn về mặt tài chính.
Một nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) vào năm 2014, 5 năm sau khi đại khủng hoảng 2009 qua đi, cho thấy phần lớn người Mỹ vẫn không thể trả lời được chính xác 5 câu hỏi cơ bản về lãi suất, thế chấp, trái phiếu, lạm phát và quản lý rủi ro. Cuộc khủng hoảng tài chính đáng ra đã có thể thúc đẩy các thảo luận nâng cao hiểu biết về tài chính, nhưng chỉ 14% trong số 25.000 người Mỹ được khảo sát có thể trả lời đúng 5 câu hỏi.
Nhưng, 14% ấy cũng là một con số mà người Mỹ đã phải rất nỗ lực mới đạt được. Giáo dục kiến thức tài chính lần đầu được thế giới xem xét nghiêm túc từ đầu những năm 2000 và hiện có khoảng 800 giáo trình dạy kiến thức tài chính khác nhau ở Mỹ, được viết ra từ các tổ chức lớn như Cục Dự trữ Liên bang hay Hội đồng Giáo dục kinh tế Hoa Kỳ cho đến các trường đại học danh tiếng.
Chính phủ Mỹ cũng đã chi 68 triệu USD cho 15 chương trình kiến thức tài chính trong năm 2010, theo con số của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ. Được tài trợ bởi Quỹ giáo dục tài chính quốc gia, Đại học Arizona và Quỹ Citi Foundation đã nghiên cứu, theo dõi khoảng 2.000 sinh viên ở độ tuổi 17-18, từ khi họ bước vào cổng trường đại học và bắt đầu đưa ra các quyết định tài chính độc lập.
Một nghiên cứu rộng hơn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào năm 2017 về hiểu biết về kinh tế của giới trẻ cho thấy rằng tình trạng “mù tài chính” còn tồi tệ hơn ta tưởng nhiều: Cứ 5 người được khảo sát thì có 1 người không có khả năng nắm bắt những vấn đề cơ bản, chẳng hạn như liệu 9 gói giấy vệ sinh có giá cao hơn 2 lốc với mỗi lốc 4 gói hay không.
OECD cũng khảo sát những thiếu niên ở độ tuổi 15 tại 15 quốc gia, sử dụng cùng một hệ thống tính điểm Pisa mà họ đã dùng để xếp loại trình độ toán học. Họ hỏi một số câu kiểu toán học - so sánh chi phí của các quả cà chua riêng lẻ với những quả được đóng vào hộp, hay kiểm tra độ chính xác của hóa đơn và các câu khác sâu sắc hơn về chuyện tiền bạc, chẳng hạn như xác định xem email từ ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo khi nào và các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí bảo hiểm cho chiếc xe máy đầu tiên. Chỉ 12% học sinh 15 tuổi trả lời đúng câu hỏi và chỉ 22% trong số đó có kiến thức cơ bản về tài chính (nói cách khác, câu hỏi về quả cà chua đã đánh bại hầu hết các em).
Cấm kỵ và nghiêm túc
Tháng 4 vừa rồi, thông tin về chuyện một số trường đại học Việt Nam bắt đầu đưa vào chương trình giảng dạy nhiều môn học mới đã gây xôn xao trên mạng, vì hình ảnh quay được giảng viên đang chỉ vào một biểu đồ giá của một đồng tiền điện tử. Trong nhiều năm, biểu đồ giá (chart) được xem như một “tô-tem” của hoạt động đầu cơ có tính chất cờ bạc, không nên động vào.
Nhưng, cũng như chuyện phổ biến giáo dục giới tính trước kia, nếu bạn càng cố lờ nó đi thì hậu quả có thể càng nặng nề. Việc bỏ qua thực tế rằng các biểu đồ giá là công cụ rất cơ bản cần phải nắm được của hoạt động đầu tư đã khiến rất nhiều người mất tiền vì ném tiền vào các kênh tài chính mà chưa hề “sạch nước cản”.
Bạn có thể thấy chuyện này rất quen ở Việt Nam, với các chương trình giáo dục có rất nhiều lỗ hổng thực tế: Kỹ năng bơi ít được phổ biến và những kiến thức tài chính, tiền tệ cơ bản bị bỏ qua. Tất cả đều là những chuyện có thể khiến cuộc đời bạn lâm vào bế tắc, nếu không chú ý đến chúng.
Tại SEA Games 31 diễn ra vào giữa năm ngoái, thể thao điện tử, hay nói nôm na, dễ hiểu hơn là “chơi điện tử” đã được ghi nhận như một môn thể thao chính thức, tương tự bóng đá và rất nhiều môn thi đấu truyền thống khác.
Hóa ra trên thế giới, có rất nhiều trường đào tạo game thủ đã được thành lập từ lâu và chơi game đã được xem là một nghề thật sự nghiêm túc. Trong vài năm qua, ngành game là một trong những ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ nhất, với dung lượng thị trường đã lên đến hàng tỷ USD. Một game thủ chuyên nghiệp có thể kiếm được hàng trăm ngàn USD/năm và chức vô địch một giải game có thể đem về cho chủ nhân hàng triệu USD.
Tất nhiên là cho đến giờ, vẫn có người sẽ nghĩ rằng game thì làm nên trò trống gì, nhưng thực tế đang dần chứng minh điều ngược lại: Một game thủ cũng sẽ phải rất nghiêm túc, tập luyện chăm chỉ và thành công của anh/cô ta cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả một ê-kíp. Một thứ tưởng chừng chẳng có tương lai gì cũng có thể là con đường thành công, nếu bạn thật sự nghiêm túc với nó.
Chơi mà như thật là thế, còn thật mà như chơi thì sao? Khi nói về hoạt động đầu cơ hoặc đầu tư, người Việt chúng ta hay dùng từ “chơi”: Chơi chứng khoán, chơi tiền điện tử. Đằng sau chuyện ngôn ngữ có thể bao hàm một thái độ: Chúng ta không coi chuyện này là nghiêm túc, dù sự lơ mơ về nó có thể bạn ném cả một gia tài xuống sông trong chớp mắt. Đấy đáng ra phải là một nghề được đào tạo thật cẩn thận, từ rất, rất lâu rồi.
Biểu đồ giá đi vào giảng đường có thể là một chuyện kỳ quặc nếu xét trên những quan niệm đã hằn quá sâu trong đầu chúng ta, đến mức thành định kiến, về nó. Nhưng, một cách nghiêm túc, đây là điều đáng mừng. Tất cả những gì được xem xét thật nghiêm túc đều sẽ trở thành một câu chuyện giáo dục. Dạy về giới tính cũng từng bị phán xét khắt khe, cho đến khi chúng ta nhận ra sự cần thiết của nó.