• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.231,89 -14,15/-1,14%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.231,89   -14,15/-1,14%  |   HNX-INDEX   223,82   -2,39/-1,06%  |   UPCOM-INDEX   91,87   -0,48/-0,52%  |   VN30   1.286,65   -17,39/-1,33%  |   HNX30   476,60   -8,05/-1,66%
15 Tháng Mười Một 2024 6:09:57 SA - Mở cửa
TLG: Công thức tăng trưởng mới của Thiên Long
Nguồn tin: Nhịp cầu đầu tư | 27/05/2023 7:20:00 SA
Xây dựng một hệ sinh thái văn phòng phẩm hoàn chỉnh là công thức giúp Thiên Long duy trì tốc độ tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận.
 
 
Giữa lúc nhiều doanh nghiệp vẫn chưa gượng dậy nổi sau giai đoạn dịch bệnh cùng các điều kiện kinh tế vĩ mô không mấy thuận lợi thì Thiên Long, nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất cả nước, lại trải qua một năm 2022 rực rỡ khi doanh thu đạt 3.521 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 401 tỉ đồng, lần lượt tăng 32% và 45% so với năm 2021. Đây là kết quả kinh doanh cao nhất kể từ năm 2005 đến nay. Tính ra, mỗi ngày trung bình Thiên Long lãi hơn 1 tỉ đồng. Phong độ này vẫn tiếp tục được duy trì ở quý I/2023.
 
Bên cạnh đà tăng trưởng kinh doanh ngoạn mục, Thiên Long vẫn giữ vị thế dẫn đầu ngành văn phòng phẩm suốt từ năm 2016 đến nay, chiếm khoảng 60% thị phần. Theo Plimsoll, Thiên Long đã đạt mức tăng trưởng doanh thu cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 13/40 công ty văn phòng phẩm có tăng trưởng doanh thu cao nhất thế giới.
 
Chiếm lĩnh bằng hệ sinh thái văn phòng phẩm 
 
Thừa thắng xông lên, thương hiệu quốc dân này đang mở rộng kinh doanh và sản xuất. Đáng chú ý, Thiên Long đã hoàn thành 2 dự án lớn giá trị hàng chục triệu USD, gồm nhà xưởng mới tại Long Thành (Đồng Nai) và trung tâm phân phối tại Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân (TP.HCM). Các dự án được kỳ vọng giúp nâng cao năng suất, tối ưu hóa năng lực quản trị, giảm chi phí vận hành. Công ty cũng đầu tư 25% vốn cổ phần vào PEGA để mở rộng hơn hệ sinh thái đọc - viết - vẽ.
 
 
Với mỗi sản phẩm, Thiên Long đều tăng thêm tính năng và hướng tới cá nhân hóa. Ảnh: T.L
 
 
Cuối năm 2022, Thiên Long còn lập Công ty Clever World và mở chuỗi cửa hàng trải nghiệm Clever Box như mảnh ghép quan trọng trong quá trình phát triển hệ sinh thái đa kênh của Thiên Long. Bên cạnh đó, Flexoffice Pte.Ltd cũng được đầu tư thêm, từ 814.402 USD lên 1,31 triệu USD nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, thăm dò và tìm kiếm thị trường tiềm năng để thúc đẩy các thương vụ mua bán hàng hóa ra những thị trường nước ngoài lân cận như Malaysia, Philippines, Indonesia. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) đánh giá Thiên Long có nhiều cơ hội trong tương lai khi dân số Việt Nam đông. Doanh nghiệp này cũng đã mở rộng kênh bán hàng từ offline sang online, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới.
 
Hiện tại, Thiên Long đã phát triển ngành hàng theo 5 nhóm sản phẩm đa dạng: bút viết và sản phẩm tiện ích; dụng cụ mỹ thuật; dụng cụ học sinh; văn phòng phẩm và dòng cao cấp. Từ đó, Công ty mở rộng đối tượng phục vụ, từ học sinh, dân văn phòng đến cả doanh nhân. Với mỗi sản phẩm, Thiên Long đều tăng thêm tính năng và hướng tới cá nhân hóa. Chẳng hạn, bút vẽ của Thiên Long có thể vẽ trên vải, để giúp người sử dụng trang trí đa vật dụng như túi vải, giày vải, bóp viết, nón, áo thun... Ở dòng bút sáp đa năng, người dùng có thể tô như màu sáp lẫn màu nước, dễ lau rửa và trang trí trên nhiều chất liệu.
 
 
Thiên Long được biết đến là nhà sản xuất cây bút bi đầu tiên tại Việt Nam. Khi ấy (năm 1981), bút bi hầu hết được nhập từ Thái Lan, với số lượng khá ít ỏi và khan hiếm, đến nỗi một số người phải bơm mực vào để dùng đi dùng lại. Ông Cô Gia Thọ lúc đó là một người buôn bán bút, đã viết lên giấc mơ về cây bút bi “Made in Vietnam” đầu tiên ra đời trong một cơ sở sản xuất nhỏ đặt tại quận 6, TP.HCM. Đến năm 1997, thương hiệu này đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường bút bi, gắn bó với nhiều thế hệ học trò nhờ chất lượng và giá rẻ.
 
Sau hơn 40 năm, Thiên Long đã mở rộng danh mục sản phẩm thành một hệ sinh thái văn phòng phẩm. Ngoài bút bi, doanh nghiệp này còn sản xuất bột nặn có thể ăn được, gôm tẩy, tập bìa kháng khuẩn, bút đánh dấu trong phẫu thuật... Tính ra, mỗi năm Thiên Long xuất xưởng hơn 1 tỉ sản phẩm. Ông Cô Gia Thọ từng nói đến mục tiêu phát triển doanh số 10.000 tỉ đồng đến năm 2027 và nhấn mạnh: “Phải trân trọng và trở thành một kẻ mạnh trong một lĩnh vực, rồi hãy nghĩ đến việc lấn sân sang ngành khác”.
 
Áp lực phải thay đổi 
 
Kỳ tích tăng trưởng ở Thiên Long một phần quan trọng đến từ nỗ lực không ngừng thay đổi của doanh nghiệp này. Bà Trần Phương Nga, CEO Thiên Long, cho biết: “Ngay cả khi đang rất ổn, Thiên Long vẫn tiếp tục thay đổi để vươn tới một cái đích khác. Đó là tạo ra các sản phẩm chạm đến trái tim khách hàng”.
 
Bà Nga kể những câu chuyện đặc biệt về các sản phẩm của Thiên Long nay khác xưa rất nhiều, đẹp đẽ, sáng tạo, đầy thẩm mỹ và có nhiều công năng hơn. Đây cũng là cách để Thiên Long nâng cao giá trị và định giá lại sản phẩm văn phòng phẩm trong nước. Vì thế, Thiên Long bắt tay với PEGA để đưa sách đến mọi người, hợp tác với các thương hiệu lớn trên thế giới để tạo ra thế giới văn phòng phẩm, đồ chơi và quà lưu niệm với các mặt hàng DIY và STEAM, được bày bán trong các cửa hàng Clever Box...
 
 
Thiên Long phải đổi mới vì nhiều lý do, gồm cả lý do... danh tiếng. “Trong mắt nhiều người, Thiên Long được khen là cả một bầu trời tuổi thơ, với những sản phẩm đi vào lòng người và đã quá quen thuộc. Nhưng khi mọi người nhìn về Thiên Long theo một ký ức đã hằn sâu, ở góc nổi nhất và cũng rất giới hạn này, người ta chỉ biết, chỉ nhớ đến Thiên Long với những sản phẩm bút viết cơ bản mà không để ý rằng, ngành bút viết không phải là tất cả trong dải sản phẩm của Thiên Long mà chỉ chiếm khoảng 50% tổng danh mục sản phẩm của Công ty. Ngay trong mảng bút viết thì những mẫu bút truyền thống ở Thiên Long chỉ chiếm phần không lớn”, bà Nga thừa nhận dấu ấn một thời là niềm tự hào nhưng cũng là một rào cản và thách thức cho Thiên Long.
 
 
Không chỉ thay đổi sản phẩm, Thiên Long ưu tiên thay đổi nội tại chính mình. Bởi theo bà Nga, “trong một ngành có quá nhiều sản phẩm, phục vụ rất nhiều người như lĩnh vực văn phòng phẩm thì phải thay đổi đủ lớn mới có thể lấn át, mới có khả năng lan tỏa, tạo thành khí chất bên trong”.
 
Trước khi tiến hành thay đổi, lãnh đạo Thiên Long ngồi lại, thống nhất với nhau về tầm nhìn, không phải chỉ ở “công ty văn phòng phẩm hàng đầu” mà là “Happy Learning Life”, tức Thiên Long sẽ đồng hành, cung cấp các giải pháp cho việc học tập hạnh phúc trọn đời. Muốn vậy, đầu tiên, người của Thiên Long phải học cách thay đổi, học cách thích ứng, học cách yêu khách hàng, học yêu sản phẩm, học cách làm những gì mới mẻ...
 
Bản thân lãnh đạo Thiên Long cũng thay đổi khi đặt ra quan điểm về lãnh đạo phụng sự và tiến hành sơ đồ tổ chức ngược. Trong đó, bà Nga chia sẻ: “CEO nằm ở vị trí thấp nhất”. Và thay vì định nghĩa doanh nghiệp là một cỗ máy, bà Nga xác định “công ty là một mạng lưới, nơi kết nối con người lại với nhau không chỉ bằng quy trình, mà còn là cảm xúc”.
 
Nhưng thay đổi cũng có thể đẩy Công ty vào chỗ rủi ro, phá vỡ thế ổn định và các thành tựu đạt được. Vì thế, bà Nga cho biết dù đề cao thay đổi nhưng Thiên Long sẽ đi từng bước, thử nghiệm, thay đổi từ cái nhỏ rồi mới tới cái lớn, thay đổi từng bộ phận rồi mới lan tỏa tới các bộ phận khác. Dù vậy, quan trọng nhất là cách thức giao tiếp, truyền đạt thông tin. Nếu biết cách truyền đạt, chính nhân viên sẽ tự muốn thay đổi chứ không phải mình yêu cầu. “May mắn hơn là ở Thiên Long có những người rất yêu Công ty. Hễ tốt cho Công ty là người ta sẵn sàng làm”, bà Nga nói.
 
CEO Trần Phương Nga: 
 
Thiên Long không muốn dừng ở vị trí dẫn đầu thị trường Việt Nam  
 
NCĐT gặp CEO Trần Phương Nga lúc 7 giờ rưỡi sáng, khi các dãy bàn nhân viên còn trống. Từ phòng làm việc, bà có thể hướng tầm nhìn ra con đường thênh thang, xanh mát của Khu Đô thị Sala. Hơn 1 năm trước, Thiên Long đã dời trụ sở từ Khu Công nghiệp Tân Tạo về tòa nhà Sofic hiện đại bậc nhất của Thủ Thiêm, đánh dấu bước thay đổi ở Thiên Long. Cùng với sự thay đổi về địa điểm, ở Thiên Long còn diễn ra hàng loạt thay đổi khác.
 
Vị CEO này là người chứng kiến sự thay đổi từng ngày của Thiên Long và góp phần đắc lực vào quá trình trưởng thành đó. Bà Nga từng là Giám đốc Tài chính (2012) và Phó Tổng Giám đốc Tài chính Kế toán kiêm trợ lý cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cô Gia Thọ (2017) trước khi trở thành CEO Thiên Long. Chính vì bà Nga đã gắn bó nhiều năm với Thiên Long, kinh qua nhiều vị trí, am hiểu nhiều lĩnh vực, lại ham học hỏi mà ông Cô Gia Thọ đã tin tưởng trao quyền cho bà. 
 
Tìm ra công thức đổi mới phù hợp, tiến lùi hợp lý phụ thuộc nhiều ở tài năng người lãnh đạo?
 
Dùng tài năng để quản trị có thể có tính chủ quan, dẫn tới áp đặt hay không tận dụng được thế mạnh của toàn đội ngũ. Dùng kinh nghiệm quản trị thì có thể có giới hạn. Theo tôi, để tìm ra cách thức thay đổi phù hợp, rất quan trọng là cần có thêm cả sự thấu cảm. Nghĩa là người lãnh đạo cần biết cách giao tiếp, cảm thông, lắng nghe, chia sẻ, tiếp nhận phản hồi. Điều này khác với cách làm của khá nhiều dân tài chính, vốn thường cân đo đong đếm những cơ hội, rủi ro. Nhưng chỉ chú ý tới tài chính thôi chưa đủ mà cần quan tâm yếu tố con người nữa. Bởi vì con người tạo ra tăng trưởng và làm chủ cuộc chơi, còn con số chỉ là dữ liệu, phản ánh quá khứ hoặc mong đợi tương lai. Muốn kết nối quá khứ và tương lai đều cần đến con người. 
 
Thúc đẩy con người theo hướng cá nhân hóa đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc. Bà vốn xuất thân từ tài chính thì làm sao hiểu rõ con người?
 
Tôi đọc sách, đồng thời quan sát và học ở những người mình giao thiệp vì mỗi người đều có cái hay để học hỏi. Tôi hay dành thời gian lắng đọng, nghĩ lại những việc đã làm, những người đã gặp, xem mình học hỏi được gì từ họ.
 
Đó là bản tính tự nhiên hay chỉ khi ở vị trí CEO bà mới như thế?
 
Từ khi đi học tôi đã thế. Có lẽ một phần nhờ cờ vua. Tôi có thể kiên nhẫn, tập trung suy nghĩ liên tục nhiều giờ liền với một ván cờ. Cờ vua dạy tôi rất nhiều, về cục diện bàn cờ, vị trí từng quân cờ, nước cờ của đối thủ và nếu lỡ mình sắp sai quân cờ thì có thể tìm cách sắp lại, học cách thua tốt nhất hoặc tìm cách chiến thắng từ bài học các ván cờ thua trước đó.
 
Vậy là bà có trí nhớ rất tốt? 
 
Tôi có thể đọc một ngày một cuốn sách và nhớ các chi tiết chính, nhưng tôi cũng học cách quên nếu thấy cần quên, ví dụ như lỗi lầm của người khác (cười).
 
Tôi rất thích học và học nhanh nên qua mỗi công ty, làm một thời gian là tôi xin đổi vị trí để có trải nghiệm thách thức hơn. Tôi cũng đã đổi nhiều công ty để thử sức ở những lĩnh vực khác nhau. Tôi cũng tự học chứng chỉ quốc tế chuyên ngành như ACCA, CFA.
 
Suốt cả câu chuyện, không thấy bà nhấn mạnh mục tiêu tài chính trong khi đây lại là điều các cổ đông rất quan tâm?
 
Tôi tin khi mình có thể phục vụ con người đạt “Happy Learning Life” và chinh phục được trái tim khách hàng, tiền sẽ tự đến.
 
Bà muốn thấy Thiên Long đổi mới ra sao trong 3-5 năm tới?
 
Chúng tôi không muốn dừng ở vị trí dẫn đầu Việt Nam mà còn muốn vươn tầm châu Á, với mục tiêu xuất khẩu có thể chiếm 25-30% từ mức hơn 20% hiện tại.
 
 
CEO Trần Phương Nga