Con số 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm 2023 có thể xem là đáng báo động về "sức khỏe" doanh nghiệp. Bên cạnh nỗ lực của DN trong tìm kiếm thị trường, có 2 giải pháp quan trọng lúc này mà doanh nghiệp mong Nhà nước hỗ trợ là giảm bớt chi phí và khơi thông kênh tiếp cận vốn.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường là 88 nghìn DN, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,6 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
“Nút thắt” về chi phí và dòng tiền
Cảm nhận rõ rệt những khó khăn trên, ông Dương Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nhôm Austdoor chia sẻ, thị trường xuất khẩu của DN “đóng băng” do thị trường Mỹ và EU suy thoái kinh tế; trong khi đó thị trường trong nước cũng gần như “ngủ đông” bởi ngành vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi hoạt động bất động sản gặp khó.
Cần giải pháp hỗ trợ mạnh hơn, nhanh hơn cho các DN đang gặp khó khăn.
Hiện đơn hàng của Austdoor sụt giảm khoảng 50%, cùng với đó DN đang phải đối mặt khó khăn về dòng tiền. “Khi vay vốn, DN phải dùng tài sản thế chấp và thông thường ngân hàng chỉ cấp được vốn bằng 70% giá trị của tài sản thế chấp. Trong khi đó, lãi suất trung bình hiện nay duy trì trên 10%. Đây là khó khăn rất lớn với DN sản xuất Việt Nam, khi chịu chi phí vốn cao hơn thế giới”, ông Tuấn phản ánh, đồng thời hy vọng trong quý II, quý III/2023, Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về dòng vốn cho DN.
Chỉ số sức khỏe của DN cũng đáng báo động tại kết quả khảo sát hơn 9.500 DN của Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính). Cụ thể, có 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Các khó khăn, thách thức lớn nhất mà DN đang phải đối mặt là khó khăn về đơn hàng (59,2%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%)…
Đối với giải pháp giảm chi phí DN, Ban IV đề xuất: Chính phủ xem xét kéo dài đến hết năm 2024 một số chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19; Giảm thuế VAT, tăng đầu tư công, hỗ trợ vốn các DN sản xuất, các chính sách cần có tầm nhìn dài hạn (ví dụ: đề xuất giảm thuế VAT về 8% chỉ trong năm là quá ngắn và gây khó khăn trong thực hiện, nên giảm luôn tới năm 2025). Các chi phí liên quan đến BHXH cần được xem xét giãn, hoãn, giảm... để giảm bớt khó khăn cho DN trong giai đoạn hiện nay; Giảm chi phí lãi vay và thuế thu nhập cá nhân cho người lao động vì mức thu hiện nay lạc hậu so với nền kinh tế.
Đáng chú ý, Ban IV đề nghị Nhà nước cho phép các DN nhỏ hoặc siêu nhỏ có dưới 10 lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ được sử dụng căn hộ chung cư để làm nơi hoạt động, đặc biệt nếu chủ sở hữu công ty cũng là chủ căn hộ. Điều này sẽ giúp DN tiết kiệm đáng kể chi phí thuê mặt bằng và tập trung đầu tư vào việc phát triển, tạo ra thêm công ăn việc làm cho người lao động….
Về tiếp cận vốn vay, Ban IV đề xuất tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho DN và nền kinh tế, chẳng hạn như nho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường. Lý do là lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước, trong khi phần lớn các DN tư nhân trong nước không có khả năng mua lại lượng trái phiếu này.
Cần chính sách hỗ trợ mạnh và linh hoạt hơn
Đồng thời, Ban IV kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho "DN nhỏ và vừa" để không triệt tiêu năng lực DN…
Trong tương lai theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thế giới có thể có hai xu thế: Một là suy thoái, khủng hoảng; hai là bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Nếu chờ phục hồi rồi mới sản xuất là "chậm chân" nên phải tính trước các "bài" để ứng phó. Vì vậy, đây là thời kỳ Chính phủ phải tăng thêm nguồn lực DN.
GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cần phải chủ động các chính sách hỗ trợ, thậm chí một số chính sách về tài khóa hỗ trợ mạnh hơn nữa.
“Chúng ta thấy, hiện nay ngân hàng điều hành giảm lãi suất bằng các công cụ điều hành về tiền tệ nhưng tôi nghĩ rằng, việc chúng ta dùng tài khóa phối hợp với tiền tệ bằng việc hỗ trợ lãi suất hết sức hiệu quả. Nếu chúng ta tăng được phần hỗ trợ lãi suất thì sẽ hướng đúng dòng vốn vào những đối tượng đang cần hỗ trợ, như vậy sẽ tăng được cơ hội cho rất nhiều DN”, ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, với các DN xuất khẩu hiện nay cũng đang gặp khó khăn thì có thể một mặt điều hành chính sách tỉ giá và ngay cả thuế thu nhập DN cho nhóm này. Hoặc hiện có xu thế các DN sa thải người lao động bởi ít đơn hàng mà chi phí cho người lao động cao, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, phải tính tới các chính sách hỗ trợ xã hội hay chính sách giãn hoãn nghĩa vụ đóng góp BHXH để giảm gánh nặng.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, thời điểm này cần chắt chiu từng cơ hội để hỗ trợ DN tồn tại và trụ vững, dù đó chỉ là cơ hội rất nhỏ, đó là các giải pháp về hỗ trợ tiếp cận vốn, giảm chi phí, cho vay ưu đãi…
“Tôi đồng tình với cả đề xuất cho phép chung cư là nơi đăng ký trụ sở, chứ không phải là nơi hoạt động, để duy trì hoạt động của DN, khi mà DN không còn tiền thuê nhà, chủ DN chỉ có địa chỉ chung cư của gia đình, nếu không được đăng ký làm trụ sở, DN phải tạm dừng…”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)
Nhiều DN trước kia rất ổn định nhưng bây giờ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thị trường, dịch bệnh, bất ổn trên thế giới… Khi họ không thể sản xuất kinh doanh thì dẫn đến dòng tiền không ổn định. Lúc này DN cần vốn vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng lại rất ngại và sợ cho DN khó khăn vay vốn vì lo ngại không trả được dẫn đến nợ xấu. Do đó, ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện cho vay rất khó khăn, yêu cầu thế chấp nhiều tài sản đảm bảo… Khi đó, DN không thể đáp ứng.
PGS.TS. Trần Đình Thiên
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Ở thời điểm khó khăn, chính sách tác động nhanh nhất, trực diện nhất là tài chính, thuế khóa. Vì vậy, DN cần được hỗ trợ mạnh hơn nữa bởi họ đang ở tình thế rất căng thẳng. Lúc DN khó khăn, thì chính sách tài khóa, tiền tệ cần hỗ trợ mạnh hơn, chứ lúc nền kinh tế “no đủ” rồi thì cần gì hỗ trợ. Hỗ trợ DN là nuôi dưỡng “nguồn thu, là tương lai của đất nước”. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa trọng tâm, hỗ trợ DN, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với đó, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí để hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi vay và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân.
Ông Trương Văn Cẩm
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)
Hiện tại, rất nhiều DN gặp khó khăn về tài chính. Họ phải gồng mình lo đơn hàng sản xuất để không phải hoặc hạn chế sa thải nhân công, trong khi đơn giá giảm sâu. Vì vậy, DN mong muốn với các gói hỗ trợ đã công bố thì cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân bằng những điều kiện tiếp cận cụ thể, phù hợp và đơn giản hơn so với hiện nay, nhất là gói giảm lãi suất 2%. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần cơ cấu lại hạn mức cho vay giữa các lĩnh vực, ngành nghề để tránh phát triển nóng ở ngành này nhưng lại mất cân đối ở ngành khác, dễ dẫn đến rủi ro khi gặp biến động.