Nền kinh tế xuất siêu khoảng 6,35 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nhưng chớ vội mừng!
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng năm 2023 ước khoảng 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước khoảng 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả nền kinh tế xuất siêu khoảng 6,35 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.
Để ý rằng hơn 90% nhập khẩu hàng hóa là cho sản xuất (khoảng 60% là nguyên liệu đầu vào và hơn 10% cho tích luỹ tài sản). Nhập khẩu hàng hóa giảm sâu từ đầu năm đến nay phần nào cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn ở hiện tại và cả ở những chu kỳ sản xuất tiếp theo.
Nhìn kỹ hơn số liệu 4 tháng sẽ thấy, xuất khẩu hàng hóa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 81,19 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,78% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Nhập khẩu của khu vực này ước đạt 67,1 tỷ USD, giảm 15,5% và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Như vậy, xuất siêu của khu vực FDI là 14,09 tỷ USD.
Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu 7,74 tỷ USD khi xuất khẩu hàng hóa ước khoảng 27,38 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa là 35,12 tỷ USD.
Điều này cho thấy xuất siêu hàng hóa của Việt Nam là do khu vực FDI mang lại, còn kinh tế trong nước trong hàng chục năm nay lúc nào cũng nhập siêu. Diễn biến trong 4 tháng năm 2023 không phải là ngoại lệ - tuy nhìn chung cả nước xuất siêu 6,35 tỷ USD nhưng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,74 tỷ USD.
Tính toán từ bảng cân đối liên ngành 2012, 2016 và 2019 cho thấy, xuất khẩu hàng hóa lan tỏa đến giá trị tăng thêm nhỏ nhất trong các yếu tố của cầu cuối cùng trong nước (bao gồm tiêu dùng cuối cùng, tích luỹ gộp tài sản, xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu dịch vụ). Một điều rất đáng quan ngại là độ lan tỏa từ xuất khẩu hàng hóa đến giá trị tăng thêm ngày càng nhỏ. Năm 2012 một đồng xuất khẩu lan tỏa đến giá trị tăng thêm 0,56 đồng, đến năm 2016 tỷ lệ này giảm xuống 0,52 đồng và đến năm 2019 chỉ còn 0,26 đồng. Từ góc độ này, thành tích xuất khẩu của khu vực FDI không phải là hoàn toàn đáng tự hào!
Đồng hành với thành tích xuất khẩu của khu vực FDI là luồng tiền chảy ra thông qua chi trả sở hữu cũng tăng mạnh. Nếu GDP theo giá thực tế năm 2021 so với 2010 tăng 3,1 lần thì chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài năm 2021 so với 2010 tăng khoảng 5,1 lần. Năm 2021 chi trả sở hữu ra nước ngoài trên 19 tỷ USD.
Theo số liệu của statiista.com, trong giai đoạn 2010 - 2021, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam theo giá hiện hành tăng 10,8%, đầu tư bình quân tăng trưởng 10%, trong khi tăng trưởng về tiết kiệm bình quân chỉ khoảng 7,9%. Khi tiết kiệm nhỏ hơn đầu tư nghĩa là nền kinh tế phải phụ thuộc vào chuyển nhượng vốn của khu vực FDI và vay mượn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Cũng cần nhìn nhận rằng, nền kinh tế Việt Nam ngày càng bị bào mòn nguồn lực: năm 2010, tỷ lệ tiết kiệm so với tích luỹ là 82,05% thì đến năm 2021 tỷ lệ này chỉ còn 68,2%. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng như mục tiêu đề ra thì phải vay nợ nước ngoài. Do đó, có thể thấy hiệu quả sử dụng vốn và tiết kiệm của nền kinh tế là tối quan trọng. Vay nợ nhưng sử dụng vốn không hiệu quả đến lúc nào đó có thể phải đối diện với nguy cơ sụp đổ.
Ngoại trừ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ thì nền công nghiệp Việt Nam dù là sản xuất trong nước hay của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều là nền công nghiệp gia công. Như vậy, làm thuê cho nước ngoài phải chăng chỉ là chuyện tốt trước mắt mà thôi!