Trong quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 3.369 tấn hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 21,6 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng mạnh 261,9%.
Theo Tổng cục Hải quan, quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 18.685 tấn quế với tổng kim ngạch đạt 54,8 triệu USD, tăng 45,8% về lượng và 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Hoa hồi là mặt hàng xuất khẩu rất tiềm năng
Đáng chú ý, trong quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 3.369 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 21,6 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng mạnh 261,9%.
Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU.
Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.
Theo Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam sở hữu loại cây gia vị quý với sản lượng hàng năm thuộc TOP đầu thế giới là cây quế và hồi. Cụ thể, sản lượng hồi của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới và sản lượng quế đứng thứ 3 trên thế giới và được rất nhiều thị trường săn đón, thu về mỗi năm hàng trăm triệu USD.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO, trong năm 2020, Việt Nam nằm trong số 4 quốc gia đóng góp tới 98% tổng sản lượng quế toàn cầu. Còn hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.
Theo Marketsandmarkets.com, với nguồn tài nguyên này, Việt Nam là nhà cung cấp đầy tiềm năng của thị trường gia vị và hương liệu thế giới đã được định giá 21,3 tỷ USD năm 2021 và sẽ tăng lên 27,4 tỷ USD năm 2026.