TÓM TẮT:
Trong bối cảnh tình hình kinh tế bất ổn những năm vừa qua, các doanh nghiệp cần phải có giải pháp kịp thời để có thể thích ứng và phát triển nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận đặt ra. Bài viết phân tích trong 3 năm gần đây của Công ty Cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ cho thấy mặc dù tình hình hoạt động kinh doanh có tăng trưởng nhẹ nhưng vẫn còn nhiều yếu tố tiềm tàng về rủi ro thanh toán, về hiệu quả hoạt động… Các yếu tố rủi ro này đặt ra thách thức cho Công ty cần có các giải pháp cải thiện năng lực tài chính để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở rộng hoạt động và nâng cao tỷ suất lợi nhuận để khẳng định vị thế trên thị trường.
Từ khoá: Công ty Cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ, năng lực tài chính, sản xuất - kinh doanh.
1. Đặt vấn đề
Nền kinh tế thế giới trong những năm qua chịu tác động rất lớn do dịch bệnh Covid-19, cuộc chiến Nga và Ukraine kéo dài, khủng hoảng năng lượng tại Liên minh châu Âu (Eu), tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… dẫn đến lạm phát và suy thoái kéo dài. Các vấn đề bất lợi xuất hiện dồn dập, đan xen, khiến cho các vấn đề lạm phát và suy thoái càng khó giải quyết. Việt Nam cũng đang đối mặt với những kho khăn do hậu dịch bệnh và lạm phát. Các doanh nghiệp ở Việt Nam đã phải chống chọi để đứng vững sau dịch bệnh, lại phải đối mặt với tình hình lạm phát toàn cầu. Các bất ổn về vĩ mô làm cho các doanh nghiệp cần phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề sống còn và cạnh tranh. Muốn tồn tại và phát triển thì các vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay là phải hoàn thiện hơn trong công tác quản lý, nâng cao năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, qua đó mở rộng sản xuất, tối đa hóa lợi nhuận, tạo sự phát triển vũng chắc, có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác và khẳng định vị thế trong ngành.
Công ty Cổ phần Bao Bì Đạm Phú Mỹ là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm bao bì PP, PK, PE. Mua bán các sản phẩm bao bì PP, PK, PE, mua bán phân bón các loại, mua bán nguyên vật liệu sản xuất bao bì, nhựa PP, PE, kinh doanh vật liệu xây dựng, mua bán hàng điện tử, mua bán nhiên liệu động cơ, vận tải bằng ôtô, mua bán vật tư thiết bị ngành công nghiệp, mua bán giấy vở, bìa các tông, văn phòng phẩm, cho thuê kho bãi, in ấn, dịch vụ liên quan đến in. Công ty đã có nhiều biện pháp để mở rộng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên cần có một số giải pháp để có thể nâng cao năng lực tài chính để duy trì và đẩy mạnh mức tăng trưởng, đẩy mạnh năng lực cạnh tranh trên thị trường.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Khái niệm năng lực tài chính
Năng lực tài chính là khả năng đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
2.2. Các tiêu chí đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp
Đánh giá tình hình tài sản: để xem xét mức độ đảm bảo cho quá trình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Đánh giá tình hình nguồn vốn: để đánh giá khả năng tự chủ của doanh nghiệp cũng như khó khăn doanh nghiệp gặp phải.
Đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh: để xác định được tình trạng kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào, có lãi hay lỗ để xác định năng lực tài chính tốt hay yếu.
2.3. Các nhóm chỉ tiêu đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp
- Nhóm chỉ tiêu đánh giá khả năng thanh toán: đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp để biết rủi ro tài chính mà doanh nghiệp gặp phải. Các tỷ số trong nhóm này đo lường khả năng chuyển hóa thành tiền của tài sản ngắn hạn để đáp ứng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
- Nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động: đo lường hiệu quả quản lý các loại tài sản của công ty, đánh giá mức độ, tần suất khai thác cần thiết các tài sản của doanh nghiệp để tạo ra 1 đơn vị thu nhập.
- Nhóm chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lợi.
3. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu
3.1. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp số liệu thu thập được để đánh giá tình hình tài chính của công ty, từ đó đưa ra các giải pháp để cải thiện năng lực tài chính của công ty.
3.2. Dữ liệu nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ các báo cáo tài chính thường niên (đã kiểm toán) của Công ty Cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ.
4. Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu qua Bảng 1 cho thấy cơ cấu tài sản của Công ty chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn, chủ yếu tập trung hàng tồn kho, các khoản phải thu. Hàng tồn kho của Công ty tăng qua các năm, các khoản phải thu tuy cao nhưng giảm đi ở năm 2020 và năm 2021. Từ năm 2018 đến năm 2021, Công ty không mở rộng quy mô đầu tư về tài sản dài hạn. Khoản nợ phải trả của Công ty tương đối lớn trên 70% so với tổng nguồn vốn và tăng nhẹ qua các năm cho thấy gánh nặng về nợ cao. Tuy nhiên, khả năng thanh toán hiện thời tương đối ổn. Nguồn vốn của Công ty tuy có giảm ở năm 2019, nhưng tăng lại ở các năm 2020 và 2021. Điều này chứng tỏ Công ty đã có chiến lược kinh doanh tốt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh xảy ra ở năm 2020 và năm 2021 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung. (Bảng 1)
Tỷ số khả năng thanh toán hiện thời của Công ty qua các năm đều lớn hơn 1, chứng tỏ tài sản ngắn hạn của Công ty đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tỷ số thanh toán năm 2020 giảm so với năm 2019, nhưng tăng lại vào năm 2021.
Tỷ số khả năng thanh toán nhanh 3 năm đều nhỏ hơn 1 cho thấy doanh nghiệp không đủ khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bằng các tài sản có tính thanh khoản cao. Tỷ số này giảm từ năm 2019 là 0.6 lần sang năm 2020 là 0.48 lần và đến năm 2021 là 0.45 lần. Tỷ số khả năng thanh toán nhanh nhỏ hơn 1, trong khi chỉ số khả năng thanh toán hiện thời lớn hơn 1, chứng tỏ hàng tồn kho chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tài sản ngắn hạn. Nếu như hàng tồn kho khó chuyển hóa thành tiền, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong trả nợ ngắn hạn và so với tỷ số trung bình ngành thì tỷ số của Công ty nhỏ hơn rất nhiều.
Tỷ số khả năng thanh toán tức thời cũng rất thấp ở các năm 2019, 2020, 2021. Khả năng thanh toán tức thời của Công ty thấp, đặc biệt so với trung bình ngành thấp hơn rất nhiều. Công ty có vấn đề khi các khoản nợ ngắn hạn đến hạn trả, do đó nhà quản trị tài chính cần xem xét kỹ lưỡng các khoản nợ ngắn hạn đến hạn trả để đảm bảo khả năng thanh toán. (Bảng 2)
Tỷ số vòng quay hàng tồn kho tăng từ 4.70 năm 2019 lên 4.94 ở năm 2020 và 5.86 năm 2021, cho thấy hoạt động bán hàng công ty qua các năm có chuyển biến tích cực, số ngày hàng tồn kho giảm đến năm 2021 còn 61 ngày. Mặc dù số ngày hàng tồn kho giảm nhưng khi kết hợp với tỷ số khả năng thanh toán nhanh cho thấy Công ty đã đầu tư nhiều vào hàng tồn kho nên khả năng thanh toán nhanh rất thấp. Công ty cần đẩy mạnh hơn công tác bán hàng.
Chỉ tiêu kỳ thu tiền bình quân giảm đáng kể qua các năm và thấp hơn so với chỉ số ngành là 61, cho thấy Công ty quản lý tốt khoản nợ phải thu.
Tỷ số vòng quay tổng tài sản của Công ty lớn hơn 1và tăng từ năm 2009 đến năm 2021. Chỉ số này cho thấy 1 đồng tài sản của Công ty tạo ra 1.56 đồng doanh thu ở năm 2019, 1.74 đồng doanh thu ở năm 2020 và 2.38 đồng doanh thu ở năm 2021, cao hơn chỉ số trung bình ngành 0.92. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty tương đối tốt. (Bảng 3)
Các chỉ tiêu sinh lợi của Công ty tuy có sụt giảm mạnh ở năm 2019, nhưng tăng lại ở năm 2020 và năm 2021, trong đó tỷ suất sinh lợi trên doanh thu có sự sụt giảm ở năm 2021 là do tốc độ tăng của giá vốn cao hơn tốc độ tăng của doanh thu. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu năm 2020 và năm 2021 đều tăng. Tỷ số trung bình ngành ROA (%) là 4.58% và ROE (%) là 8.49%, như vậy so với trung bình ngành thì tỷ số hiệu quả hoạt động của Công ty còn rất thấp. (Bảng 4)
5. Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính cho Công ty Cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ
Để nâng cao năng lực tài chính, Công ty cần chú trọng đến một số giải pháp sau:
Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
Hiện tại, nguồn vốn của Công ty phụ thuộc nhiều vào nợ phải trả, trong đó khoản nợ vay và thuê tài chính chiếm tỷ trọng lớn trong nợ phải trả. Khả năng thanh toán nhanh và tức thời của Công ty là rất thấp, do đó Công ty cần chú trọng theo dõi các khoản nợ đến hạn, sắp đến hạn để có kế hoạch thanh toán tránh bị chuyển nhóm nợ và mất khả năng thanh toán. Cần chú trọng sử dụng tốt hơn nguồn vốn vay để đảm bảo khả năng trả lãi vay và trả nợ.
Tỷ trọng hàng tồn kho trong vốn lưu động qua các năm lớn, do đó Công ty cần đẩy nhanh vòng quay vốn lưu động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Quản lý và sử dụng hiệu quả vốn bằng tiền để đảm bảo hiệu quả vốn lưu động và khả năng thanh toán. Tăng cường công tác quản lý công nợ phải thu và phải trả.
Công ty cần sử dụng tốt hơn tài sản cố định, đầu tư thêm công nghệ hiện đại và sử dụng tối đa công suất để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, các tài sản không cần dùng nên tiến hành thanh lý để tránh vốn chết.
Giải pháp huy động để tăng quy mô vốn
Để mở rộng sản xuất - kinh doanh trong những năm tới thì việc tăng quy mô vốn và mở rộng thị trường là cần thiết. Để có thể huy động vốn thành công, Công ty cần xây dựng chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh với những mục tiêu cụ thể, khả thi. Lập kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư trang thiết bị và công nghệ, kế hoạch tài chính, từ đó xác định nhu cầu vốn để đảm bảo cho quá trình hoạt động của công ty.
Khai thác có hiệu quả nguồn vốn Công ty có thể tiếp cận được như vốn cổ đông, vốn từ các tổ chức tín dụng, vốn của khách hàng ứng trước, vốn từ nhà cung cấp.
Sử dụng hiệu quả tiết kiệm vốn trong quá trình tổ chức sản xuất - kinh doanh nhằm giảm chi phí sử dụng vốn và tăng lợi nhuận.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty
Bên cạnh việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiện có, Công ty cần chú trọng xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm mới. Tiến hành thu thập thông tin phân tích thị trường để có những giải pháp cần thiết phù hợp với thị trường. Xây dựng chiến lược thương hiệu và các dịch vụ đi kèm sản phẩm, các chính sách thúc đẩy bán hàng. Đẩy mạnh chiến lược marketing để làm tăng vị thế và thị phần sản phẩm. Mở rộng mạng lưới phân phối trong và ngoài nước.
Xây dựng hệ thống thông tin quản lý một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ trong Công ty. Để hệ thống kiểm soát nội bộ thực hiện tốt vai trò, Công ty cần có kế hoạch phân công nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể cho từng cán bộ. Lãnh đạo công ty cần quan tâm chỉ đạo và đánh giá hoạt động của hệ thống kiểm soát giúp cho hệ thống hoạt động một cách hiệu quả.