VN-Index tiếp tục đi ngược kỳ vọng khởi sắc, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp. Chuyên gia cho rằng, giảm lãi suất mới chỉ là “điều kiện cần”, thị trường vẫn đang chờ đợi thêm các “điều kiện đủ” để củng cố xu hướng đi lên bền vững.
Đóng cửa phiên đầu tuần (19/6), VN-Index bị kéo ngược về mức 1.105 điểm. Sắc đỏ chiếm số lượng áp đảo trên bảng điện cùng thanh khoản giảm mạnh xuống chỉ còn 811 triệu cổ phiếu, tương đương 14.317 tỷ đồng.
Còn thiếu “điều kiện đủ”
Trước đó, trong phiên giao dịch cuối tuần (16/6), khi đang tiến sát vùng đỉnh cũ, VN-Index đột ngột đảo chiều giảm sau tin hạ lãi suất vừa được công bố ngay trước khi vào phiên chiều.
VN-Index tiếp tục đi ngược kỳ vọng khởi sắc, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp.
Giới phân tích cho rằng, phản ứng của thị trường chứng khoán (TTCK) là bình thường vì “tin ra là bán”. Thêm vào đó, VN-Index đã có một chuỗi tăng khá tốt trước đó nên áp lực chốt lời là không tránh khỏi.
Đáng chú ý, diễn biến của VN-Index trong phiên 16/6 lại “na ná” cách đã phản ứng trong những lần giảm lãi suất trước đây. Hầu hết thị trường chỉ tăng mạnh được tại ngày đón nhận thông tin, sau đó suy yếu.
Theo bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên, Giám đốc KHCN Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất giảm là “điều kiện cần”, xu hướng đi lên vẫn đang chờ đợi thêm các “điều kiện đủ” đến từ các tín hiệu cho thấy nền kinh tế trong nước thực sự “thẩm thấu” các chính sách tiền tệ và tài khóa mang tính hỗ trợ vừa qua, kết hợp với triển vọng tích cực hơn từ vĩ mô thế giới.
Chuyên gia VDSC phân tích, thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang sử dụng gần như tất cả các công cụ của mình để hỗ trợ môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù rằng bối cảnh vĩ mô liên quan tới lạm phát, lãi suất và tỷ giá vẫn đang khá lành mạnh, song các động lực cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn tương đối yếu và chưa ghi nhận biến chuyển tích cực nào rõ rệt.
Trong khi đó, cầu tín dụng vẫn còn tương đối yếu, tăng trưởng tín dụng còn khá chậm trong hai tháng gần nhất. Nguyên nhân là bởi thực trạng thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cũng như các hoạt động sản xuất, thương mại còn khá ảm đạm, kéo theo thu nhập người dân bị ảnh hưởng.
Mặt khác, phía ngân hàng dường như cũng đang thận trọng hơn trong việc cho vay do lo ngại rủi ro nợ xấu trong bối cảnh tổng huy động thấp hơn tổng tín dụng.
“Thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để nói rằng tăng trưởng kinh tế đã đi qua “vùng trũng””, bà Tiên nhận xét.
Tương tự, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wi Group cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành thường đi kèm với cung ứng thanh khoản kỳ hạn ngắn và chi phí vốn kỳ hạn ngắn giảm theo. Ngoài ra sự quyết liệt của nhà điều hành cũng sẽ thúc đẩy sự kỳ vọng của giới đầu tư. Cho nên về cơ bản thì giảm lãi suất là tốt với TTCK.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu chu kỳ giảm lãi suất, tâm lý hứng khởi sẽ kéo thị trường tích cực, nhưng rồi sang các lần giảm tiếp theo tâm lý hứng khởi dần mất đi và những số liệu kinh doanh không như kỳ vọng xuất hiện có thể khiến thị trường trầm lắng.
“Thị trường sẽ chỉ tăng tốt khi giao thoa của 2 yếu tố, lãi suất giảm đến mức đủ thấp và tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ phục hồi, điểm rơi cho sự giao thoa này có lẽ là quý III/2023”, CEO Wi Group nhận định.
VietinBank Securities nhận định, trong suốt giai đoạn 15 năm của TTCK Việt Nam, với việc các chính sách điều hành của NHNN đã có những thay đổi, đi sát hơn với thực tiễn của thị trường, đã khiến cho mối tương quan giữa TTCK với việc điều chỉnh lãi suất điều hành dần trở nên rõ ràng. Nhìn chung, lãi suất điều hành giảm và duy trì trong thời gian đủ lớn thì TTCK thường tăng mạnh và ngược lại.
VN-Index sẽ dần tích cực hơn
Các chuyên gia đồng thuận quan điểm, trong ngắn hạn TTCK sẽ khó bứt phá, thậm chí có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trước khi cân bằng trở lại. Nhưng trong dài hạn, lãi suất dần hạ nhiệt sẽ tác động tích cực đến TTCK.
Theo Pyn Elite Fund, hành động của Chính phủ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong năm nay. Các quyết định của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Các biện pháp đang có tác động tích cực đến xu hướng và sức mạnh của thị trường chứng khoán và có thể tiếp tục trong những tháng tới. Kích cầu nội địa trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay là vô cùng quan trọng và Chính phủ cũng như NHNN đã và đang tích cực hành động để hướng tới mục tiêu đó.
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên đánh giá, trong ngắn hạn, thị trường nhiều khả năng tiếp tục xu hướng chính là đi ngang đến khi các tín hiệu rõ ràng hơn cho thấy sự “hấp thụ” của những chính sách hỗ trợ lên nền kinh tế như thị trường bất động sản, trái phiếu được cải thiện, kéo theo tăng trưởng tín dụng và bức tranh lạm phát thế giới dần hạ nhiệt, cùng sự phục hồi của sức mua và dòng thương mại của Việt Nam.
“VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.100-1.150 trong tháng 6 và xu hướng sẽ dần tích cực hơn trong nửa cuối năm nay”, bà Tiên nhận định.
VietinBank Securities dự báo, VN-Index năm 2023 nhìn chung sẽ có xu hướng tăng, khi mặt bằng lãi suất giảm và tỷ giá duy trì mức ổn định trở lại, thanh khoản thị trường dồi dào. Mức tăng của VN-Index được nhận định tối thiểu từ 25 - 30% trong năm 2023 và thị trường bắt đầu chu kỳ tăng từ quý III/2023, VN-Index năm 2023 với dự báo đóng cửa quanh ngưỡng 1.250 - 1.300 điểm (độ trễ có thể sang quý I/2024).
Về chiến lược đầu tư, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể phân bổ tài sản theo tỉ lệ 70% cổ phiếu, 30% tiền mặt. Thị trường trong ngắn hạn vẫn tiếp tục mở ra các cơ hội lướt sóng, nhà đầu tư vẫn có thể tận dụng các phiên điều chỉnh của thị trường để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Nhà đầu tư trung và dài hạn sau khi đã cơ cấu được danh mục hợp lý có thể tiếp tục nắm giữ, trong trường hợp cần giải ngân thêm có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.
Hải Giang