• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 4:55:03 SA - Mở cửa
Nợ xấu tăng quá nhanh, ngân hàng dồn dập rao bán từ biệt thự tới nhà máy thủy điện
Nguồn tin: Vietnam Finance | 22/06/2023 1:24:18 CH

Nhiều tài sản “khủng” lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng là tài sản đảo bảo của các khoản nợ được các ngân hàng rao bán nhiều lần vẫn ế. Nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh và đáng lo ngại.

Ngân hàng miệt mài rao bán tài sản khủng

Các ngân hàng đẩy mạnh rao bán biệt thự, máy móc thiết bị, tàu cá, xưởng sản xuất, nhà máy thủy điện, khu công nghiệp... để tăng tốc thu hồi nợ. 

Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) rao bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm với mức khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 3/2023 là 582 tỷ đồng.

BIDV cũng rao bán nợ của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến tháng 5/2023 là 1.016 tỷ đồng.

Tháng 5 vừa qua, BIDV đấu giá Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty CP năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, với khởi điểm 325 tỷ đồng.

Ngoài ra, BIDV cũng bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty CP Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên, với giá khởi điểm 120,9 tỷ đồng, bằng chính dư nợ tính đến hết ngày 11/5/2023.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Long Biên mới đây thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Kinh doanh Đô thị. Khoản nợ có giá trị ghi sổ tính đến ngày 11/04/2023 là gần 1.413 tỷ đồng và 10,04 triệu USD (tương đương 240 tỷ đồng). 

Tương tự, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn bán 6 khoản nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Thành Phố Xanh, Công ty TNHH Âu Á, Công ty TNHH Thương Mại Đầu Tư Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Đầu Tư Khải Phong, Công ty TNHH Đầu Tư Nguyên Ngọc, Công ty TNHH MTV Mêkông Đông Dương. Các khoản nợ tính đến 30/4/2023 hơn 1.200 tỷ đồng; có chung 36 tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) mới thông báo đấu giá lần 2 khoản nợ của CTCP Nosco Shipyard. Giá trị khoản nợ là hơn 4.762 tỷ đồng và 48 triệu USD (tương đương khoảng 1.130 tỷ đồng).

VietinBank Chi nhánh KCN Hải Dương vừa tiến hành bán đấu giá công khai khoản nợ của Công ty CP Phúc Đạt để thu hồi nợ. Đây là lần thứ 14 VietinBank rao bán khoản nợ này. VietinBank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ trên chỉ còn 58,54 tỷ đồng, giảm gần 47 tỷ đồng so với mức giá hồi tháng 5/2022.

Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa thông báo đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng và khoản nợ 473 tỷ đồng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỷ đồng.

Sacombank vừa rao bán khoản nợ của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 và Công ty TNHH kinh doanh địa ốc Anpha lên tới 670 tỷ đồng với giá khởi điểm 145 tỷ đồng.

Sacombank cũng bán đấu giá không tách rời toàn bộ 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) theo nguyên trạng với giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng.

Các ngân hàng đang tích cực bán đấu giá khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu với hàng chục thông báo thanh lý, đấu giá mỗi tháng với mức giá khởi điểm liên tục giảm sâu. Nhưng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của ngân hàng gặp không ít khó khăn.

Cùng với đó, nhiều vướng mắc về pháp lý khi xử lý nợ xấu chưa được tháo gỡ khiến nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo sau nhiều năm vẫn chưa được xử lý xong. Vì thế, nhiều tài sản được rao bán nhiều lần, chấp nhận hạ giá nhưng vẫn ế ẩm.

Nợ xấu tăng mạnh

Hiện nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh với giá trị nợ xấu tuyệt đối tại nhiều ngân hàng tăng 50-70% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối quý I/2023 (so với 2% cuối năm 2022). Đồng thời, nợ xấu gộp hiện khoảng 5%, tăng từ mức 4,5% cuối năm 2022.

Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy đa số ngân hàng đều ghi nhận tỉ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2022. Tại một số ngân hàng như VietBank, ABBank, VIB…, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng vượt 3%. Nhiều ngân hàng đã tích cực bán đấu giá các khoản nợ để thu hồi.

Đại diện một ngân hàng lớn cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khó khăn nên nợ xấu tăng. Công việc chính của các nhân viên ngân hàng thời gian qua là lo bán tài sản để thu hồi nợ. Nhưng việc xử lý nợ cũng không dễ vì thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, giao dịch kém.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định, tình hình nợ xấu của các ngân hàng thực sự rất đáng lo ngại. Nhóm khách hàng đủ điều kiện vay rất ít, do đó, có giảm lãi suất nữa cũng vẫn khó tiếp cận được vốn vay. Khoản nợ cũ cho dù được cơ cấu nợ cũng khó trả được nợ.

Việc thanh lý tài sản cũng khó khăn. Nhiều khoản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản nhưng thị trường lại gần như đóng băng. Hơn nữa, định giá phát mại tài sản không theo giá trị thực tế mà tính cả gốc và lãi, mỗi lần giảm cũng chỉ được 5-10%.

Theo ông Hùng, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần đưa ra mức giá hợp lý, theo giá thị trường. Nên sửa quy định theo hướng ưu tiên cho vay sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, mua nhà để ở..., đồng thời quản lý chặt chẽ việc cho vay các lĩnh vực rủi ro cao nhằm giảm nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng.

Còn theo ông Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới - nợ xấu tăng làm dòng tiền cho vay không trở lại ngân hàng. Vì thế, nhiều ngân hàng buộc phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản. Cùng với đó là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Nhiều nhà phát hành trái phiếu phải hoãn nợ, đứng trước nguy cơ vỡ nợ sẽ khiến thanh khoản ngân hàng càng trở nên căng thẳng.

Liên quan đến việc làm cách nào để xử lý nợ xấu ngân hàng, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất tạo cơ chế mới cho phép nhiều chủ thể được mua nợ khi tham gia thảo luận về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho hay, với thực trạng hiện nay, muốn không để nợ xấu tiếp tục tăng thì buộc phải có cơ chế pháp lý đặc thù cụ thể và rõ ràng. 

Theo Luật sư Đức, trong trung hạn, hợp lý nhất là phải xây dựng một luật chung để xử lý nợ xấu của nền kinh tế, trong đó trọng điểm là nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Còn trước mắt cần xem xét bổ sung một quy định mở rộng phạm vi áp dụng chương xử lý nợ xấu cho cả nền kinh tế. 

Minh Dũng