Dù tình hình tiêu thụ ảm đạm nhưng thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) cho đến thời điểm hiện tại đã có nhiều tín hiệu khả quan.
Theo các chuyên gia, DN trong ngành cần tiếp tục bám sát thị trường, chủ động điều chỉnh để có thể tự mình “vượt bão”.
Mùa xây dựng giảm nhiệt
Đáng lẽ, thời điểm từ tháng 3 - 5 là khoảng thời gian các chủ đại lý kinh doanh VLXD trên địa bàn TP Hà Nội tất bật, bởi đây là mùa cao điểm xây dựng nhu cầu tăng mạnh nhưng tình hình kinh doanh năm nay không mấy khả quan.
Chỉ tính riêng ngành thép, các nhà máy đã tiến hành giảm giá 8 lần với sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 để kích cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, dọc những con đường như: Hoàng Quốc Việt, Kim Ngưu hay Đê La Thành... nhìn chung sức tiêu thụ các loại VLXD vẫn khá chậm so với cùng kỳ dù đang trong cao điểm mùa nắng, thuận lợi xây dựng.
Nhiều đại lý sắt thép tại Hà Nội cho biết, giá thép giảm mạnh nhưng lượng bán chậm khiến các cơ sở chỉ dám nhập hàng vừa đủ, khi nào có nhu cầu mới gọi điện đặt hàng thêm. “Chỉ trong hơn 2 tháng qua, các hãng thép liên tục thông báo điều chỉnh giảm giá. Thời điểm này thực sự khó khăn với những đại lý bởi lúc thép tăng giá đột biến không có hàng để lấy, đến khi giá đảo chiều lại không có nhu cầu xây dựng” - ông Phạm Phan Anh, chủ đại lý sắt thép Phương Tiến (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết.
Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, lợi nhuận của ngành hàng không, đá xây dựng, công nghệ thông tin viễn thông và bất động sản khu công nghiệp sẽ khả quan. Đối với nhóm đá xây dựng, nhu cầu sử dụng mặt hàng này cho các công trình đầu tư công rất lớn.
Còn theo Bộ GTVT, nhu cầu về đá xây dựng giai đoạn 2023 - 2025 rơi vào khoảng 21,5 triệu mét khối. Lợi thế đang thuộc về các công ty có mỏ đá nằm gần các dự án lớn. Đơn cử như mỏ đá xây dựng Tân Cảng - nguồn cung chính cho dự án Sân bay Long Thành, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và các dự án khác.
Nguyên vật liệu tự nhiên hiện nay đang rất khó khai thác, cát sỏi thời điểm này không đủ đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chúng ta buộc phải tìm lối thoát là sản xuất và sáng tạo ra nguyên VLXD nhân tạo. Và muốn như thế phải có cơ chế chính sách vẫn là vấn để quan trọng, cơ bản, tạo nguồn lực, động lực cho DN sản xuất.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp
Các chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của các công ty đá xây dựng sẽ tăng 7 - 8% so với cùng kỳ trong năm 2023 và 14 - 15% trong năm 2024. Tuy nhiên, rủi ro gặp phải là chi phí khai thác tăng khi giá nhiên liệu tăng, chi phí thuế cấp quyền khai thác; khoản phải thu tăng khi bán đá xây dựng cho các dự án đầu tư công. Đối với nhóm thép, lợi nhuận cuối năm nay có thể quay trở lại tăng trưởng dương so với mức nền thấp nửa cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận có thể duy trì ở mức thấp trong 1 - 2 quý tới và sản lượng tiêu thụ có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi so với kỳ vọng trước đây do nhu cầu yếu ở cả thị trường trong nước và khu vực. Trong năm 2024, lợi nhuận nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp trong năm 2022 - 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ và giá thép cải thiện, nhưng vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2021.
Thời điểm khó khăn sắp qua
Ở góc độ DN, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Bốn Mùa Nguyễn Thanh Tuấn nhận định, ước tính giá vật tư nói chung đã giảm khoảng 10%, song DN vẫn chưa hết khó vì tổng chi phí xây dựng hiện nay vẫn cao hơn trước khoảng 20 - 25%. "Tuy giảm tới 8 lần liên tiếp nhưng mức giảm chưa nhiều, các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng vẫn gặp khó khi giá nguyên vật liệu khác như xi măng, cát, nhựa đường... vẫn neo cao" - ông Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ.
Thực tế, để có thể đưa ngành VLXD có thể "vượt bão" thì hệ sinh thái ngành cũng cần phải phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó bao gồm: Thị trường bất động sản, xây dựng, nội thất, lao động... Nêu tình trạng khó khăn của cộng đồng DN xây dựng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Delta Trần Nhật Thành bày tỏ: “Bây giờ thì các DN yếu lắm rồi. Nếu như trước đây không giao tiền nhưng họ vẫn có thể làm một khu đô thị, còn nay thì chịu”.
Cũng theo ông Trần Nhật Thành, việc “giải cứu” ngành xây dựng chưa được quan tâm đúng mức. “Đơn cử như Tập đoàn Delta, trước đây có 9.000 – 10.000 lao động nhưng nay còn 6.000 – 7.000 người. Vậy ai giải cứu đội ngũ lao động thất nghiệp này?” – vị này đặt vấn đề.
Nhìn nhận về ngành VLXD, xây dựng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, có thể nói điểm yếu của ngành là chưa đầu tư vào khoa học công nghệ, kỹ thuật. Cùng với đó là những bất cập về giá cả, chưa có vật liệu thay thế tương xứng khi tài nguyên đang dần cạn kiệt.
Về mặt chiến lược, ngành chưa điều tiết tốt, cần "mở đường" cho DN sản xuất những nguyên vật liệu thay thế cho những VLXD hiện nay. “Nhà nước phải có cơ chế, chính sách khuyến khích để tạo động lực cho nhiều DN tham gia và nỗ lực sản xuất các nguyên VLXD bền vững, công nghệ cao để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng trong tương lai” – ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.
Về chất lượng sản phẩm, theo ông Nguyễn Thế Điệp, nhu cầu xây dựng trong tương lai lớn, các nguyên vật liệu là gạch, xi măng đang có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, riêng cát để thay thế hoặc gạch không nung hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
"VLXD là một ngành rất quan trọng đối với BĐS, xây dựng và hiện nay đang rất hiếm. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích được nhiều DN tham gia vào lĩnh vực này và hàm lượng công nghệ phải cao, để giá thành hạ xuống, đáp ứng được nhu cầu lâu dài. Bên cạnh đó, phải có nguồn lực, các cơ chế về thuế và ưu đãi để cho ngành xây dựng phát triển bền vững, lâu dài" - ông Nguyễn Thế Điệp nói.