Chính phủ đã có nhiều sáng kiến khác nhau nhằm cải thiện chất lượng của các sản phẩm Halal và thu hút thêm đầu tư nước ngoài để đưa nước này trở thành trung tâm của ngành công nghiệp Halal toàn cầu.
Người dân theo Đạo Hồi tham quan, mua sắm tại cửa hàng thực phẩm Halal ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa. Mỹ Phương/TTXVN)
Lĩnh vực thực phẩm Halal (những sản phẩm được cho phép và hợp pháp để sử dụng theo Luật Hồi giáo) tại Malaysia được cho là sẽ tiếp tục phát triển với doanh số bán thực phẩm Halal nội địa dự kiến đạt 50 tỷ ringgit (gần 11 tỷ USD) trong năm 2023, đưa nước này trở thành trung tâm của ngành công nghiệp Halal toàn cầu.
Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia Mohd Na'im Mokhtar cho biết chính vì mục đích này mà Chính phủ Malaysia đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau nhằm cải thiện chất lượng của các sản phẩm Halal và thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Điều này bao gồm việc tổ chức Lễ hội Mega Fatwa và Halal ở cấp quốc gia, phù hợp với tinh thần chung là tất cả các bên liên quan cùng hợp lực, nỗ lực và sáng tạo ý tưởng để nâng cao nhận thức về Halal cho cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Na’im, Chính phủ Malaysia cũng triển khai và trao quyền cho các chương trình số hóa khác nhau thông qua ứng dụng hệ thống MyeHALAL. Ứng dụng giúp các doanh nhân tiết kiệm thời gian và giúp đưa quy trình đăng ký chứng nhận Halal của Malaysia trở nên dễ dàng hơn.
Ứng dụng IPT’s Halal Friends sẽ đóng vai trò là tiếng nói đại diện cho Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM) và các cơ quan tôn giáo cấp bang, giúp cung cấp những giải thích và kiến thức chính xác liên quan đến các vấn đề và quản lý Halal trong nước, đặc biệt là cho cộng đồng sinh viên.
Ông cho biết trong bối cảnh hiện nay, Malaysia muốn truyền tải theo nhiều cách khác nhau về kiến thức quản lý Halal, đặc biệt là thông qua mạng xã hội với những người trẻ tuổi.
Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service cảnh báo Malaysia sẽ phải đối mặt với nguy cơ lạm phát lương thực tăng cao, do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và những bất ổn toàn cầu khác.
Phân tích được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về lạm phát gia tăng trên toàn cầu, khi kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố như gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa cao hơn và các biện pháp kích thích tài khóa.
Trợ lý Phó Chủ tịch và cũng là nhà phân tích của Moody’s, ông Nishad Majmudar, cho biết trên thực tế mức lạm phát lương thực của Malaysia vẫn ở mức cao kể từ năm ngoái.
Điều này có thể khiến các nhà hoạch định chính sách xem xét những biện pháp bổ sung để giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế nói chung.
Ông Nishad lưu ý lạm phát gia tăng có thể dẫn đến các đợt tăng lãi suất tiếp theo Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM), mặc dù ngân hàng này dự kiến sẽ tạm dừng tăng lãi suất sau đợt tăng gần đây nhất.
Trong khi thừa nhận rủi ro tiềm ẩn đối với lạm phát, nhà phân tích Nishad nhấn mạnh Chính phủ Malaysia gần đây đã có thành tích quản lý hiệu quả những rủi ro đó bằng các chính sách cụ thể./.