• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 6:17:28 SA - Mở cửa
Thương hiệu Văn Phú Invest & kỳ vọng chinh phục những nấc thang mới
Nguồn tin: Thương hiệu và Công luận | 01/07/2023 8:50:00 CH
Với sứ mệnh “Chuyên tâm tạo giá trị sống”, Văn Phú Invest dành nhiều thời gian cho khâu nghiên cứu trước khi hình thành nên sản phẩm. Các dự án mang thương hiệu Văn Phú Invest - được người tiêu dùng đánh giá cao về thiết kế thông minh, sáng tạo... Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, Văn Phú Invest cũng còn những tồn tại cần khắc phục trong sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững.
 
 
Thương hiệu Văn Phú – Invest thuộc Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (Văn Phú Invest, mã chứng khoán: VPI) được thành lập năm 2008 có trụ sở chính tại số 104 Thái Thịnh, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội do ông Tô Như Toàn làm Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, ông Toàn cũng là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này hiện đang nắm giữ trực tiếp 60,5 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 25%.
 
Với định hướng xuyên suốt “Hợp tác – Phát triển – Bền vững” - Văn Phú Invest hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, thi công công trình, triển khai nhiều dự án tiêu biểu có tầm ảnh hưởng lớn như Khu đô thị mới Văn Phú, The Văn Phú Victoria, Home City, Hùng Sơn Villa, Giảng Võ Complex... Không chỉ phát triển đẩy mạnh kinh doanh, Văn Phú Invest còn đặc biệt quan tâm triển khai nhiều hoạt động xã hội nhằm hỗ trợ cộng đồng.
 
Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, Văn Phú Invest gặp không ít thăng trầm về kinh doanh, dự án, đầu tư, tài chính… khiến khách hàng, người tiêu dùng quan tâm về các quyền lợi được hưởng, đặc biệt là vấn đề tài chính khi đầu tư vào những dự án mang thương hiệu Văn Phú Invest. Khi viết về thương hiệu này, Thương hiệu & Công luận mong rằng, Văn Phú Invest luôn là thương hiệu có những sản phẩm thật uy tín, chất lượng và ngày càng phát triển bền vững.
 
 
VPI khó khăn trở ngại
 
Dữ liệu tài chính công ty mẹ kiểm toán năm 2022 cho thấy, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest có tổng tài sản đạt mức 8.084 tỷ đồng, tăng 17% so hồi đầu năm.
 
Về chất lượng tài sản, Văn Phú Invest có các khoản phải thu ngắn hạn đạt mức 1.396 tỷ đồng, tăng 61% (gấp hơn 2,5 lần) so đầu năm. Ở cùng chiều, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh từ mức 786 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.215 tỷ đồng vào thời điểm hết 31/12/2022.
 
 
Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho của Văn Phú Invest tăng theo thời gian (Nguồn: BCTC Văn Phú Invest)
 
 
Nguyên nhân hàng tồn kho của Văn Phú Invest “phình to” được xác định, do đọng tiền ở các dự án xây dựng dở dang. Cụ thể: Ở dự án Phân khu số 2, Khu đô thị phía nam thành phố Bắc Giang và một số dự án khác. Bên cạnh đó, còn do số dư thành phẩm của dự án The Terra An Hưng thuộc Khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê và Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội).
 
Đến thời điểm ngày 31/12/2022, Văn Phú Invest có khoản nợ vay tài chính 2.614 tỷ đồng, tăng 1.428 tỷ đồng so thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu là các khoản vay dài hạn.
 
Để vay ngân hàng, Văn Phú Invest của ông Tô Như Toàn đã thế chấp một số tài sản, gồm: Tài sản gắn liền với đất tại Khu dịch vụ thương mại tầng 5-CT9, Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phúc La, quận Hà Đông (Hà Nội) thuộc sở hữu của bên thứ 3; tài sản gắn liền với đất tại Sàn thương mại tầng 1, Toà nhà Home City, tổ 51, phố Trung Kính, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy (Hà Nội); quyền sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu phổ thông của Công ty thuộc sở hữu của bên thứ 3.
 
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho các khoản vay dài hạn, Văn Phú Invest dùng nhiều quyền tài sản, lợi ích phát sinh tại các dự án như Phân khu đô thị số 2 (Bắc Giang), Khu dịch vụ căn hộ khách sạn Hồ Tây (Hà Nội), quyền sở hữu hơn 6 triệu cổ phiếu của Công ty được nắm giữ bởi bên thứ 3.
 
 
Văn Phú Invest có khoản nợ vay tài chính 2.614 tỷ đồng, tăng 1.428 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2022 (Nguồn: BCTC Văn Phú Invest).
 
 
Đáng chú ý, tính đến 31/12/2022, Văn Phú đang có khoản nợ trái phiếu 664 tỷ đồng được đảm bảo bằng cổ phiếu phổ thông của Công ty; tài sản của Công ty đã và sẽ sở hữu tại dự án The Terra An Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội).
 
Ngoài ra, Văn Phú còn phát hành lô trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 1 triệu VND/trái phiếu cho Công ty VIAC (No.1) Limited Parthership. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, ở lô trái phiếu này, Văn Phú còn nợ gốc 663 tỷ đồng.
 
 
Khoản nợ trái phiếu 664 tỷ đồng và lô trái phiếu chuyển đổi của Văn Phú Invest (Nguồn: BCTC Văn Phú Invest).
 
Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2022, Văn Phú Invest ghi nhận khoản vay hơn 816 tỷ đồng từ Vietcombank chi nhánh Thủ Thiêm và Ngân hàng TNHH Indovina chi nhánh Thiên Long.
 
Ngoài ra, công ty này cũng vay riêng hơn 538 tỷ đồng từ Ngân hàng TNHH Indovina chi nhánh Thiên Long. Tài sản đảm bảo cho hai khoản vay này là quyền tài sản, đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng đồng BT 6827 liên quan tới dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1.
 
Cũng theo dữ liệu BCTC hợp nhất cho thấy, hồi đầu năm 2022, Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest đang ở thế khó với dự án BT Dự án Đường vành đai 2 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1). Bởi lẽ, Văn Phú Invest đang “chôn” tới hơn 1.800 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2022, Văn Phú Invest không còn ghi nhận khoản nợ vay nào tại dự án này.
 
 
(Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022).
 
 
Lợi nhuận công ty mẹ giảm, dòng tiền kinh doanh âm
 
Về tình hình kinh doanh của Văn Phú Invest, tính đến hết năm 2022, doanh thu thuần đạt mức 960 tỷ đồng, giảm 53% so 2021. Tuy nhiên, sau khi trừ đi vốn bỏ ra và chi phí dịch vụ, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận thuần chỉ còn mức 484 tỷ đồng, tăng 4,7% so  2021.
 
 
Kết quả kinh doanh ghi nhận, năm 2022, doanh nghệp có lợi sau thuế ở mức 484 tỷ đồng, tăng 5,2% so năm trước. Tuy nhiên, ở Báo cáo tài chính hợp nhất, Văn Phú Invest báo lãi sau thuế 492 tỷ đồng, tăng 43% so 2021.
 
Trước đó, tại BCTC công ty mẹ soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Văn Phú Invest, ghi nhận doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế ở mức 84 tỷ đồng, giảm tới 63,2 % so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ở Báo cáo tài chính hợp nhất, Văn Phú Invest bất ngờ báo lãi sau thuế 276 tỷ đồng.
 
 
Kết quả kinh doanh ghi nhận, hết nửa năm 2022, doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế ở mức 84 tỷ đồng, giảm tới 63,2 % so với cùng kỳ (Nguồn: BCTC riêng lẻ và hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022).
 
 
Bên cạnh đó, Văn Phú Invest cũng đang đối diện với tình trạng dòng tiền âm hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, năm 2022, dòng tiền kinh doanh của Văn Phú Invest âm tới hơn 1.371 tỷ đồng, trong khi năm trước dương 436 tỷ đồng. Tình trạng dòng tiền kinh doanh âm nếu để kéo dài, sẽ bào mòn lợi nhuận và đe doạ đến khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
 
Dòng tiền đầu tư của Văn Phú Invest cũng ghi nhận âm 707 tỷ đồng, nguyên nhân đến từ việc cho vay, mua công cụ nợ và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Dòng tiền tài chính ghi nhận dương 1.427 tỷ đồng do thu được khoản tiền vay lên tới 1.793 tỷ đồng.
 
 
Văn Phú Invest cũng đang đối diện với tình trạng dòng tiền âm hàng nghìn tỷ đồng (Nguồn: BCTC Văn Phú Invest)
 
Bất thường vụ mua cổ phiếu
 
Thời gian qua, các vụ giao dịch "chui" trên thị trường chứng khoán, đã gây ra không ít hệ luỵ, ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam, làm tổn hại cho nhà đầu tư.
 
Các cơ quan quản lý đã và đang mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường, thậm chí là xử lý hình sự, trong đó có vụ bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
 
Ngoài ra, một số vụ giao dịch “chui” cổ phiếu đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt như Văn Phú Invest, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HPX), Chứng khoán APEC, Công đoàn Ngân hàng Á Châu (ACB)… Trong đó, đáng chú ý là vụ “mua chui” cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest.
 
Trước đó, ngày 25/6/2021, Văn Phú Invest mua 3.719.923 cổ phiếu của Công ty CP Thực phẩm Hà Nội (mã CK: HAF) dẫn đến số lượng nắm giữ sau khi giao dịch là 3.719.923 cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAF nhưng không đăng ký chào mua công khai).
 
 
Thông báo của UBCKNN về việc xử phạt 200 triệu đối với VPI về hành vi mua chui cổ phiếu.
 
 
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, Văn Phú Invest chỉ nắm cổ phiếu HAF trong một thời gian rất ngắn sau khi mua xong, sau đó nhanh chóng thông báo thoái toàn bộ phần sở hữu tại Công ty CP Thực phẩm Hà Nội.
 
Cụ thể, ngày 25/6/2021, doanh nghiệp này công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc nhận chuyển nhượng 3,19 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thực phẩm Hà Nội. Chỉ 1 tuần sau, ngày 1/7/2021, Văn Phú Invest lại thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của doanh nghiệp tại Công ty CP Thực phẩm Hà Nội.
 
 
Nguồn: Văn Phú – Invest.
 
 
Cũng liên quan đến giao dịch này, theo thông tin Công ty CP Thực phẩm Hà Nội công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 30/6/2021, Văn Phú Invest là cổ đông lớn của doanh nghiệp này khi sở hữu 3,5 triệu cổ phần (tương đương 24,14% vốn). Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau đó, tức 1/7/2021, Công ty CP Thực phẩm Hà Nội đã công bố Văn Phú Invest không còn là cổ đông lớn.
 
Đối với những giao dịch cổ phiếu bất thường, thiết nghĩ, cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cần có biện pháp mạnh mẽ, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, tránh làm tổn hại đến hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
 
Hiện trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch chiều ngày 29/6/2023, cổ phiếu VPI có giá tham chiếu tại mức 51.600 đồng/cổ phiếu.
 
Thương hiệu & Công luận tiếp tục thông tin về hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu Văn Phú Invest.