Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, ông David Jackson nhận định bối cảnh nhà đầu tư tổ chức “chia bánh”, nhà đầu tư cá nhân “nín thở” sẽ duy trì ít nhất đến cuối năm trên thị trường bất động sản Việt Nam.
Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam đánh giá bối cảnh nhà đầu tư tổ chức “chia bánh”, nhà đầu tư cá nhân “nín thở” sẽ duy trì ít nhất đến cuối năm
Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam quý 2/2023 do Colliers (Việt Nam) công bố mới đây đã cho thấy bức tranh thị trường chung còn nhiều khó khăn, trong khi các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI với tiềm lực mạnh vẫn đi “săn hàng” thì hầu hết nhà đầu tư cá nhân đang “nín thở nằm im” chờ qua giai đoạn khó khăn.
“Những điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, các động lực tăng trưởng vẫn duy trì vững chắc, đảm bảo quá trình hồi phục của đất nước. Trong quý 2/2023, thị trường bất động sản tiếp tục đi trên “con đường gập ghềnh” với nhiều ngã rẽ có thể ở phía trước. Một mặt, hoạt động đầu tư tiếp tục sôi động khi các nhà đầu tư tổ chức tích cực tìm cơ hội vẽ lại chiếc bánh thị phần. Mặt khác, ở cấp độ đầu tư cá nhân, giao dịch vẫn trầm lắng, giá biến động, thanh khoản chưa khả quan và tâm lý người mua còn khá dè dặt. Hai diễn biến này sẽ kéo dài từ giờ đến hết năm nay.” - ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers (Việt Nam) nhận định.
Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, ông David Jackson.
Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 3,72%, trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 3,38% tỷ trọng. Tính đến 20/06/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 502,1 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù FDI vào bất động sản suy giảm trong nửa đầu năm nay, “thị trường bất động sản Việt Nam vẫn duy trì sức hút với các nhà đầu tư,” ông Nguyễn Việt Hoàng, Giám Đốc Phát triển Kinh doanh Colliers (Việt Nam) đánh giá.
“Số lượng yêu cầu tìm kiếm cao ốc văn phòng, bất động sản công nghiệp và nghỉ dưỡng tại Việt Nam có xu hướng tăng trong vài tháng qua. Với chủ đầu tư trong nước, tiếp cận vốn FDI được xem là động thái tiếp theo sau quá trình tái cấu trúc tổ chức và danh mục dự án”, ông Hoàng Nguyễn thông tin.
Bất động sản Công nghiệp tiếp tục đón sóng đầu tư công
Theo Colliers Việt Nam, tổng cầu trên thế giới suy yếu làm giảm giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam, dẫn đến hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất công nghiệp có phần chậm lại. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong ngắn hạn không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất đầu tư xây dựng và cho thuê của các KCN trong quý 2/2023.
Ông Vũ Minh Chí, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp, Colliers (Việt Nam) nhận định việc thiết lập địa điểm sản xuất tại một quốc gia đòi hỏi kế hoạch dài hạn. Những biến động trên thị trường khu vực và toàn cầu, dù không thể tránh khỏi, đang thúc đẩy các nhà sản xuất tiếp tục triển khai kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng để vừa giảm thiểu rủi ro gián đoạn, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo ông Vũ Minh Chí, để đón đầu làn sóng này và trở thành trung tâm hậu cần của khu vực, Việt Nam cần cải thiện tính liên kết vùng hơn nữa để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Bất động sản Văn phòng ghi nhận nhiều nguồn cung mới chất lượng cao
Theo Colliers Việt Nam, trong quý 2, phân khúc văn phòng duy trì tỷ lệ lấp đầy tương đối ổn định và giá thuê không biến động mạnh. Ở TP.HCM, giá thuê hạng A dao động ở mức 41 -– 67 USD/m2/tháng. Tỷ lệ lấp đầy ở hai hạng A và B giảm nhẹ lần lượt còn 92% và 75%.
Nguồn cung hạng A mới ở khu đô thị mới Thủ Thiêm - dự án The Hallmark và The METT - vừa đi vào hoạt động đã đạt tỷ lệ lấp đầy khả quan. Dự kiến đến cuối năm 2023, hai tòa thuộc dự án The Nexus với 83.396 m2 tổng diện tích sàn sẽ được đưa vào khai thác.
Thị trường bán lẻ đầy thách thức, cơ hội lớn để chuyển đổi
Với phân khúc bất động sản bán lẻ, Báo cáo từ Colliers Việt Nam cho thấy, khu vực dịch vụ đóng góp đến 78,85% vào tăng trưởng GDP Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2023. Trong quý 2, hoạt động kinh doanh và cho thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại (TTTM) ở hai thị trường lớn ghi nhận hai diễn biến trái ngược.
Về triển vọng thị trường, bà Đỗ Thị Xuân Trang, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ, Colliers (Việt Nam) đánh giá: “Thị trường BĐS bán lẻ Việt Nam hiện diện cả thách thức và cơ hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước một mặt buộc phải thu hẹp do khó tiếp cận nguồn tín dụng để duy trì và mở rộng kinh doanh, mặt khác đang tận dụng thời gian này để xác định lại thị trường và chiến lược kinh doanh phù hợp. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn tài chính mạnh đang tranh thủ thời điểm này để tiếp tục mở rộng thị phần tại Việt Nam và khẳng định giá trị thương hiệu của họ. Điều này mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng vượt qua khó khăn và đáp ứng kỳ vọng của các bên.”
Thực tế cho thấy, vừa qua đã có một số hợp tác được công bố như trường hợp Sơn Kim Retail vừa hợp tác với IFC để mở rộng hệ thống cửa hàng GS25. Nova F&B, với nhiều thương hiệu ẩm thực nội địa lẫn quốc tế, đã được nhà đầu tư Singapore mua lại và được vận hành bởi IN Hospitality. Đồng thời, Nova F&B cũng tái cơ cấu để vượt qua giai đoạn khó khăn này và hoạch định lại chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh mới.
Lê Sáng